Vì sao Lọ Lem phải nghe lời bà tiên, rời bỏ bữa tiệc vui vẻ trong cung điện rồi về nhà trước khi tiếng chuông điểm 12 giờ?
Bởi đó là ranh giới thời gian, nơi những phép màu biến mất hoàn toàn. Nàng công chúa xinh đẹp trong bộ đầm lộng lẫy, chân đi giày thủy tinh sẽ “hiện nguyên hình” là cô gái nghèo với trang phục bẩn thỉu, rách rưới vì quanh năm sống lam lũ trong xó bếp.
Ranh giới
The Substance, bộ phim của Coralie Fargeat, cũng đặt ra ranh giới thời gian như thế.
Elisabeth Sparkle (Demi Moore thủ vai), từng là ngôi sao được hàng triệu người theo đuổi, làm host của những chương trình ăn khách trên TV. Thế nhưng, hào quang chẳng thắng nổi thời gian. Qua thời kỳ đỉnh cao, nhan sắc của cô dần lụi tàn, sự nghiệp cũng lao dốc không phanh. Từng có ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng, nắm trong tay tượng vàng Oscar, cái tên Elisabeth giờ đây lại chẳng còn được mấy khán giả quan tâm hay nhắc đến.
Ngày sinh nhật lần thứ 50, Elisabeth hay tin mình sắp bị sa thải. Giám đốc đài truyền hình sẵn sàng loại một “minh tinh hết thời” như cô để kiếm tìm gương mặt mới, trẻ trung, hấp dẫn và thu hút hơn. Vận xui tiếp tục bám đuổi khi trên đường về nhà, một phút lơ là khiến Elisabeth gặp tai nạn. Đó cũng là cơ hội cho cô tiếp xúc với The Substance, một loại thần dược từ thị trường chợ đen, giúp người sử dụng thay da đổi vận.
Cái giá phải trả không hề nhỏ: đó là máu, là sự đau đớn. Sống lưng Elisabeth nứt toác làm đôi, và rồi từ đó, một bản thể mới – Sue (Margaret Qualley thủ vai) – chui ra. Đúng như lời quảng cáo, Sue trẻ hơn, đẹp hơn, thừa hưởng toàn bộ tài năng của “phiên bản gốc”.
Chung một ý thức, song hai bản thể không thể cùng lúc hoạt động. Ranh giới thời gian theo quy định là 7 ngày. Tức sau mỗi 1 tuần, một bản thể phải tạm “ngủ” để nửa kia thức dậy thay thế, tuyệt đối không có ngoại lệ.
Thế nhưng, rắc rối xảy ra khi cả hai phát sinh hiềm khích, tị nạnh và ghê tởm lẫn nhau.
Và rồi, Sue quyết định phá luật.
Nàng “Lọ Lem” này, không thích về nhà trước 12 giờ đêm.
Thần dược gắn nhãn 18+, với hơn 1 phút thời lượng đã bị cắt khi mang về chiếu tại thị trường Việt Nam. |
Nếu Lọ Lem chỉ đơn thuần trở về bộ dạng cũ, thì Elisabeth Sparkle phải trả cái giá đáng sợ hơn nhiều. Thời gian Sue phá luật càng lâu, biến dạng trên cơ thể Elisabeth càng nặng nề, kinh khủng. Elisabeth trả đũa bằng cách nấu nướng, ăn uống vô tội vạ, biến căn hộ mà cả hai sống chung trở thành một đống hỗn độn. Song cô càng giận dữ rồi tự hủy hoại bản thân, Sue càng ghê tởm và có cớ để lấn tới.
Thế rồi, số lần Sue phá luật không dừng lại ở con số 1. Thời gian mỗi lần cũng ngày càng kéo dài hơn.
Elisabeth mỗi lần tỉnh dậy lại bàng hoàng, khi chứng kiến hình ảnh bản thân trong gương ngày càng kinh khủng. Bắt đầu là cánh tay bị lão hóa, tiếp tới là chân, rồi cả người biến đổi, trở nên già nua, biến dạng đến không nhận ra.
Những thước phim body-horror, khi Elisabeth “sinh ra” Sue, khi Sue mỗi ngày phải hút dịch tủy từ cơ thể gốc để duy trì trạng thái ổn định, hay khi cơ thể Elisabeth phát sinh biến đổi khiến người xem không khỏi ám ảnh, ghê tởm khi chứng kiến.
Cuộc níu giữ sắc đẹp, phút mốt trở thành trận chiến giành quyền kiểm soát giữa hai bản thể vốn chung một ý thức. Sự xuất hiện của Sue là chất xúc tác khiến những phản ứng tâm lý trong Elisabeth xảy ra bùng nổ và dữ dội nhất. Sue tưởng như một phiên bản hoàn hảo mà Elisabeth từng khao khát, song mặt khác lại là hiện thân của những khát vọng huyễn hoặc đang nuốt chửng cô từng ngày.
The Substance thắng giải Kịch bản xuất sắc tại Cannes 2024. |
Khủng hoảng hiện sinh
Lối kể tuyến tính dễ theo dõi, nhưng The Substance ngập tràn chi tiết ẩn dụ, qua các hình ảnh, dàn cảnh cực kỳ khéo léo, từ ngôi sao ở Đại lộ Danh vọng, những hành lang treo tranh chân dung, tấm pano được nhìn thấy từ cửa kính căn hộ của Elisabeth cho tới hình hài nhân vật không ngừng biến đổi mỗi lần thức dậy…
Sự đối lập giữa một Sue căng tràn sức sống, làn da trắng mịn không tì vết, với một Elisabeth héo mòn cùng vết sẹo rạch dài trên sống lưng, giữa một Sue kiêu hãnh khoe đường cong nóng bỏng trên sóng truyền hình, với một Elisabeth suy sụp trong góc tối tại căn hộ chứa đựng những kỷ vật bảo chứng cho vinh quang một thời, đã tái hiện trần trụi sức khốc liệt trong cuộc chiến tìm ra kẻ nắm quyền kiểm soát.
Song rốt cuộc, chẳng ai giữa Elisabeth và Sue thực sự chiến thắng, khi quên mất lời nhắc quan trọng “You are one”. Những khúc mắc không lời giải đó đẩy người xem vào vòng xoáy rợn ngợp của cuộc khủng hoảng hiện sinh bên trong nhân vật. Nó ló dạng lúc nào không ai hay biết, có thể từ khi Sue xuất hiện, hay biết đâu ngay từ lúc Elisabeth buông xuôi và bỏ rơi chính mình.
Những tấm kính hay gương được sử dụng như một phép ẩn dụ thú vị trong phim. Nó đặt ra mâu thuẫn rằng đối thủ sau cùng, cũng là lớn nhất mà Elizabeth phải đối mặt chính là bản thân cô. Giới hạn, một lẫn nữa bị vượt qua, khi Elizabeth không đủ dũng cảm buông bỏ mọi huyễn hoặc đang đeo bám, tự quyết định câu chuyện đời mình, mà cố gắng níu kéo hào quang bằng mọi giá và để Sue, một bản thể mới “trẻ hơn, đẹp hơn và hoàn hảo hơn” viết tiếp.
Elizabeth lạc lối từ bao giờ? Từ lúc không chấp nhận số phận mà tiêm hợp chất The Substance vào cơ thể? Hay khi không giấu nổi tuyệt vọng mà ném quả cầu pha lê kỷ niệm, để bức tranh chân dung trên tường rạn vỡ ngay tại một bên mắt?
Không khó để nhận ra The Substance có những khung hình gợi nhắc về nhiều tựa phim kinh điển cùng thể loại, mà điển hình là Psycho, Carrie hay The Shining… |
Từ chất liệu kinh dị thể xác, đạo diễn Coralie Fargeat đã khéo léo tạo dựng được một câu chuyện đầy khiêu khích về cách xã hội, đặc biệt là ngành công nghiệp giải trí, bóc lột rồi biến phụ nữ thành “món hàng” trong tay những gã đàn ông xấu xa.
Trong thế giới với vẻ ngoài hào nhoáng này, tuổi trẻ và sắc đẹp, đau đớn thay, lại bị coi là “tấm vé” quý giá để phụ nữ duy trì vị thế, giá trị của mình. Tại đó, họ bị kiểm soát, đánh giá dựa trên ngoại hình, dễ dàng bị nâng lên, hạ xuống theo ý thích của những kẻ nắm quyền.