Ở Hàn Quốc có một hình thức thuê nhà độc đáo gọi là “jeonse”: Trong đó, người thuê phải trả một khoản tiền cọc khổng lồ, đôi khi lên đến hàng trăm nghìn USD, nhưng đến khi hết hợp đồng hoặc lúc họ chuyển đi, chủ nhà sẽ trả lại toàn bộ số tiền.
Với cách thức này, chủ nhà sẽ có một khoản tiền mặt lớn không lãi suất để đem đi đầu tư kinh doanh, còn người thuê coi như được ở trọ miễn phí với khoản tiền thế chấp.
Nhưng giờ đây, hình thức cho thuê này lại trở thành một chiếc bẫy “ngọt ngào” mà nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng. Số liệu thống kê của cảnh sát cho thấy mỗi năm có tới 1 tỷ USD bị mất do các vụ lừa đảo “jeonse”.
Nhiều nạn nhân đã dành tiền tiết kiệm cả đời, phải vay ngân hàng và trả lãi để lo khoản tiền cọc khổng lồ. Sập bẫy, họ rơi vào cảnh nợ nần, tuyệt vọng, thậm chí là tự tử.
Kiệt quệ, nợ nần, tự tử
Hình thức thuê nhà “jeonse” từng chiếm 2/3 thị trường cho thuê ở Hàn Quốc vào những năm 1990. Nhưng nó dần trở nên ít phổ biến, do một phần nhận thức rủi ro ngày càng tăng.
Trong 10 năm, Park Hyeon-su (37 tuổi) sống trong một căn hộ siêu nhỏ không cửa sổ ở Seoul, làm việc hai ca và tiết kiệm từng xu để đặt cọc thuê một ngôi nhà đẹp. Cuối cùng, những kẻ lừa đảo bất động sản đã chiếm đoạt hết tiền của anh.
Park nói với AFP rằng anh phải làm việc từ 9h sáng đến nửa đêm, đủ loại công việc để tiết kiệm được 99,5 triệu won (hơn 1,8 tỷ đồng). Nhưng sau khi Park trả tiền đặt cọc và chuyển đến, chủ nhà của anh – kẻ mà sau này anh mới phát hiện là không có quyền cho thuê căn nhà – biến mất, còn anh bị đuổi ra khỏi căn hộ mà không có cách nào đòi lại tiền.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc đã mất trắng tiền tiết kiệm cả đời, thậm chí gánh khoản nợ khổng lồ vì bị lừa đảo thuê nhà. |
Park nói rằng thứ bị đánh cắp không chỉ là tiền, mà đó là “toàn bộ những năm tháng tuổi 20 và 30 của anh”. Trong khi các thủ tục tố tụng đang diễn ra, anh rất khó nhận được tiền bồi thường.
“Giấc mơ sở hữu một ngôi nhà của tôi đã tan biến và tôi từ bỏ luôn việc hẹn hò, chứ chưa nói đến chuyện kết hôn hay sinh con”, Park ngậm ngùi nói.
Dữ liệu chính thức cho thấy ít nhất 17.000 người như Park, với khoảng 70% nạn nhân ở độ tuổi 20 và 30, đã sập bẫy lừa đảo “jeonse” trong những năm gần đây.
Các nhà hoạt động cho rằng chính quyền chưa làm đủ để giúp đỡ nạn nhân hoặc trừng phạt những kẻ lừa đảo, những kẻ thường tìm cách giấu và giữ tiền. Mức án tối đa cho tội lừa đảo ở Hàn Quốc là 15 năm tù.
Các nhà hoạt động cho biết ít nhất 8 nạn nhân của vụ lừa đảo “jeonse” đã tự sát.
Nhiều người thuê nhà vay ngân hàng để lo khoản tiền đặt cọc khổng lồ cho jeonse, với hy vọng họ sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền khi chuyển đi. Sau khi bị lừa đảo, họ vẫn phải gánh nợ ngân hàng.
Chính phủ cần quyết liệt hơn
Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một Dự luật đặc biệt vào năm ngoái nhằm giúp đỡ các nạn nhân, trong đó Ủy ban Dịch vụ Tài chính cung cấp các khoản vay không lãi suất có thể được hoàn trả trong vòng 20 năm.
Nhưng các nạn nhân của vụ lừa đảo jeonse nói rằng đáng ra họ không cần phải hoàn trả các khoản vay ngân hàng bị đánh cắp, cho đến khi chính quyền lấy lại tiền từ những kẻ lừa đảo.
Các nhà hoạt động cho rằng chính quyền Hàn Quốc nên mạnh tay hơn để bảo vệ các nạn nhân. |
“Việc yêu cầu những người trẻ dành 20 năm để trả nợ cho số tiền họ bị lừa đảo chẳng khác gì bảo họ đi chết”, Ahn Sang-mi, một nạn nhân, nói.
Các nhà hoạt động cho biết có lựa chọn khác là tìm cách “phục hồi nợ”, một quá trình tương tự như phá sản và xóa một số khoản nợ, nhưng nó có tác động lâu dài đến điểm tín dụng và đặc biệt gây tổn hại cho giới trẻ.
Chính phủ không nên “kỳ thị những người trẻ tuổi, những người mới bắt đầu cuộc sống (trưởng thành) với mức tín dụng kém”, Jang Sun-hoon, một nạn nhân của vụ lừa đảo jeonse đến từ Daejeon, nói với AFP.
4 năm trước, Choi Jee-su (33 tuổi) đã dùng tiền tiết kiệm cả đời cộng thêm khoản vay ngân hàng để chuyển đến một căn hộ “jeonse” để thoát khỏi cuộc sống bức bối trong căn phòng ký túc xá đầy gián.
Nhưng căn hộ đã bị bán, người chủ nhà biến mất cùng với số tiền cọc của Choi, khiến anh sống trong nợ nần.
Để trả khoản vay ngân hàng ban đầu, Choi phải vay thẻ tín dụng lãi suất cao và bán hết cổ phiếu của mình, làm việc theo ca mệt mỏi trong các nhà hàng và sống bằng đồ ăn rẻ tiền để tiết kiệm.
Anh nấu những bữa ăn ngon cho khách hàng nhưng ngại ngần khi mua một gói mì cho bản thân.
Choi, người viết cuốn sách có tựa đề “Jeonse Hell” (tạm dịch: Địa ngục Jeonse), nói với AFP rằng: “Cuối cùng tôi đành chọn gói mì rẻ hơn và vừa khóc vừa ăn vì nó có vị rất tệ”.
Đảng Dân chủ đối lập đã đề xuất Dự luật cho phép hoàn trả số tiền bị mất do lừa đảo cho người thuê nhà. Tuy nhiên, chính phủ đã bác bỏ với lý do lo ngại về chi phí, khi Bộ trưởng Đất đai Park Sang-woo nói rằng những người thuê nhà trẻ tuổi có thể đã “nóng vội và thiếu cẩn thận” khi họ ký hợp đồng.
Quốc hội sẽ bỏ phiếu về Dự luật vào ngày 28/5.
Choi đang làm việc trên một tàu chở dầu để tiết kiệm tiền theo học đào tạo phi công – giấc mơ mà kẻ lừa đảo đã khiến anh phải gác lại. Nạn nhân 33 tuổi nói rằng chính phủ phải hành động.
Lừa đảo jeonse đã hủy hoại cuộc sống của những người như Choi. “Nạn nhân mất tất cả, cuộc sống, ước mơ và niềm vui đều tan vỡ”, anh nói.