Không phải sản phẩm chăm sóc da nào trên thị trường cũng đáng tin cậy. Ảnh minh họa: Style Story. |
Với những người không sành sỏi, thật khó để nhận biết mỹ phẩm nào là chính hãng hay thực sự hiệu quả.
Thực tế, có một số “red flag” (dấu hiệu cảnh báo) trong tiếp thị và bao bì sản phẩm có thể ngay lập tức cho chúng ta biết liệu một sản phẩm làm đẹp đó có xứng đáng với số tiền mình bỏ ra không.
Dưới đây, The Everygirl trò chuyện với những người sáng lập hãng mỹ phẩm Dieux skincare là Charlotte Palermino và Joyce de Lemos giúp nhận biết được những mỹ phẩm chăm sóc da cần tránh xa.
Những sản phẩm làm đẹp chứa thành phần mạnh không nên đựng trong chai lọ trong suốt. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels. |
Thành phần hoạt tính trong bao bì trong suốt
Ngày nay, các thành phần hoạt tính rất quan trọng trong việc chăm sóc da. Thực tế, rất có thể chúng ta đã có một hoặc hai thành phần này trong quy trình dưỡng da của mình.
Từ vitamin, retinol cho đến các chất thay thế như bakuchiol, các thành phần hoạt tính trong chăm sóc da được sử dụng để điều trị một số vấn đề da cụ thể.
Chẳng hạn, retinol để điều trị mụn trứng cá hoặc ngăn ngừa nếp nhăn. Tuy nhiên, bao bì của bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào sử dụng thành phần này cần được chú tâm.
Theo de Lemos, chai lọ trong suốt có thể làm các thành phần hoạt tính này phân hủy khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vì vậy, khi chọn sản phẩm chăm sóc da có thành phần mạnh, mọi người cần đảm bảo chúng có bao bì mờ đục, không có bất kỳ ống nhỏ giọt thủy tinh nào, giúp bảo vệ khỏi cả ánh sáng và không khí.
Mỹ phẩm nào được quảng cáo đưa ra những thay đổi thần kỳ thường không đáp ứng kỳ vọng thực tế. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Quảng cáo gây hoang mang
Dù quảng cáo có thể thuyết phục, mọi người hãy nhớ rằng không có mỹ phẩm chăm sóc da nào có thể thay đổi toàn bộ khuôn mặt hoặc cuộc sống của mình.
Chúng ta cần cảnh giác với các sản phẩm tuyên bố giải quyết mọi vấn đề về da. Bên cạnh đó, nếu một thương hiệu sử dụng nỗi sợ hãi hoặc sự tự ti của người dùng để thúc đẩy doanh số, đây khả năng cao là một “red flag”.
Palermino khuyến khích tìm kiếm các thương hiệu trung thực về những gì sản phẩm của họ có thể và không thể làm. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, mọi người hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.
Nhiều kem chống nắng vật lý lại chứa nhiều thành phần của kem chống nắng hóa học. Ảnh minh họa: Tara Winstead/Pexels. |
Kem chống nắng vật lý chứa nhiều butyl octyl salicylate
Gần đây, có rất nhiều thông tin lan truyền trên mạng về sự khác biệt giữa kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý.
Năm 2019, cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đề xuất cập nhật các quy định về thành phần kem chống nắng, dẫn đến tranh luận rằng kem chống nắng vật lý nói chung tốt hơn kem chống nắng hóa học.
Palermino lưu ý rằng dù cô đánh giá cao kem chống nắng vật lý, một số loại lại có chứa butyl octyl salicylate, một thành phần tương tự xuất hiện trong kem chống nắng hóa học.
Điều này có nghĩa là kem chống nắng vật lý chứa thành phần này có thể hoạt động như kem chống nắng hóa học. Theo đó, kiểm tra thông tin sản phẩm có thể giúp chúng ta đưa ra lựa chọn sáng suốt về kem chống nắng phù hợp nhu cầu cá nhân.
Tất cả các sản phẩm chăm sóc da nên trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trước khi đến tay người dùng. Ảnh minh họa: Jill Burrow/Pexels. |
Quy trình thử nghiệm không rõ ràng
Trong ngành công nghiệp làm đẹp khổng lồ, việc đảm bảo các thương hiệu kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm của họ là một thách thức.
Palermino và de Lemos nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt, không chỉ đối với sản phẩm cuối cùng mà còn đối với từng thành phần và bao bì của chúng.
“Chúng tôi có một quy trình kiểm định toàn diện và yêu cầu thử nghiệm độc tính đối với tất cả các thành phần khác nhau có trong sản phẩm trước khi chúng lên kệ”, de Lemos nói.
Palermino ủng hộ các quy định chặt chẽ hơn của FDA về thử nghiệm chăm sóc da vì nhiều sản phẩm được bán trực tuyến mà không được thử nghiệm đầy đủ. Nếu không thể tìm thấy thông tin chi tiết về quy trình thử nghiệm của một thương hiệu trên trang web của họ, đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo tránh xa.
Lựa chọn nguồn mua hàng uy tín sẽ tránh được nguy cơ mua phải hàng giả. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels. |
Địa điểm bán
Mỹ phẩm giả là một vấn đề nhức nhối hiện nay. Chúng khác biệt với hàng nhái thương hiệu đơn thuần.
Theo đó, người dùng được khuyến khích mua hàng trực tiếp từ chính các cửa hàng trực thuộc thương hiệu hoặc các nhà bán lẻ uy tín khác.
Tuy nhiên, Palermino khuyến cáo không nên mua sản phẩm chăm sóc da từ Amazon do khó xác minh sản phẩm có phải hàng chính hãng hay không.