Vì sao người Hàn bị ám ảnh với ‘má tim’, ‘bắn tim’

Tại Hàn Quốc, những tạo dáng “thả tim” xuất hiện ở mọi nơi, từ thảm đỏ cho đến mạng xã hội. Người nổi tiếng từ chối thực hiện hành động này có thể bị chỉ trích vì thiếu thân thiện.

Trong bối cảnh tranh chấp HYBE-ADOR đang diễn ra, thành viên Minji của NewJeans đã xuất hiện trước công chúng vào ngày 23/4 khi cô tham dự sự kiện thời trang ở quận Seongdong, phía đông Seoul. Mặc áo sơ mi da và quần đùi, tóc buộc đuôi ngựa, Minji không tươi cười như thường lệ.

ban tim anh 1

Minji làm má tim với biểu cảm cứng nhắc.

Biểu cảm cứng nhắc đã dẫn đến một loạt tiêu đề bài báo sau đó: “Minji của NewJeans tạo hình má tim nhưng biểu cảm vẫn cứng ngắc do tranh chấp của công ty quản lý”.

Ở Hàn Quốc, gần như bắt buộc những người nổi tiếng phải tạo dáng bằng cách giơ “trái tim lên má” khi xuất hiện trước công chúng. Những người nổi tiếng tự nhiên lên sân khấu và thực hiện động tác này ngay cả khi không có yêu cầu của phóng viên. Tuy nhiên, khi được yêu cầu, những người nổi tiếng sẽ ngay lập tức biết phải làm gì, kể cả khi họ có vẻ không có tâm trạng giống như trường hợp của Minji.

Văn hóa chụp ảnh

Nam diễn viên Ryu Jun-yeol xuất hiện tại một sự kiện thời trang ở phía nam Seoul vào ngày 20/3. Chỉ vài ngày trước đó, anh bị phát hiện đi cùng bạn gái cũ Han So-hee ở Hawaii. Bộ đôi đã công khai mối quan hệ, nhưng công chúng phản ứng gay gắt vì trước đó không lâu Ryu đã hẹn hò với nữ diễn viên Hyeri được 7 năm.

Tất cả những bức ảnh chụp ngày hôm đó đều cho thấy khuôn mặt ủ rũ của Ryu. Anh chỉ đứng trước ống kính và thỉnh thoảng vẫy tay chào.

Theo thông lệ, các nhà quay phim hoặc nhiếp ảnh gia sẽ yêu cầu người nổi tiếng tạo dáng bắn tim và má trái tim. Nếu những người nổi tiếng không làm như vậy, như Ryu, thì những dòng tiêu đề như “Thái độ có vấn đề của Ryu Jun-yeol” sẽ xuất hiện vài giờ sau.

Một phóng viên ảnh muốn giấu tên thừa nhận rằng việc chụp ảnh có thể khá khắt khe đối với những người nổi tiếng. “Tôi nghĩ bối cảnh và văn hóa chụp ảnh của những người nổi tiếng Hàn Quốc khác với ở nước ngoài. Ở Hàn Quốc, những người nổi tiếng ngay lập tức biết cách tạo dáng khi các nhiếp ảnh gia yêu cầu. Từ quan điểm của các nhiếp ảnh gia, chúng tôi yêu cầu các tư thế khác nhau vì chúng tôi phải tải lên nhiều bài viết trực tuyến có liên quan một cách nhanh chóng. Chúng không thể chỉ là một loạt các tư thế tương tự nhau”, anh nói.

Nhiếp ảnh gia này đã từng đi thảm đỏ ở nước ngoài, chẳng hạn như Liên hoan phim quốc tế Cannes, và thấy rằng văn hóa chụp ảnh ở đó rất khác. “Các diễn viên không biết gì về cử chỉ trái tim. Khi chúng tôi giải thích rằng đó là cách bày tỏ tình yêu thương gửi đến người hâm mộ Hàn Quốc, một số người làm một cách gượng ép, nhưng một số vẫn giữ thái độ không thích và từ chối thực hiện”.

Nam diễn viên Song Jong-ki cách đây vài năm cũng gặp phải tình huống tương tự như Ryu khi anh từ chối tạo dáng trái tim trong sự kiện báo chí quảng bá cho phim truyền hình dài tập Reborn Rich (2022). Khi trở lại làng giải trí để quảng bá cho bộ phim My Name is Loh Kiwan (2024) vào năm nay, Song dường như đã trở nên cởi mở hơn trong việc tạo dáng và được cho là đã đáp ứng yêu cầu của các phóng viên.

“Không phải là thái độ của tôi đã thay đổi. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ những cử chỉ như bắn tim là sáo rỗng”, nam diễn viên nói trong buổi họp báo.

Ai cũng bắn tim

Ngay cả các ngôi sao Hollywood cũng nhận thức rõ về sự yêu thích của người Hàn Quốc với các tạo dáng hình trái tim. Vào tháng 2 trong lần quảng bá cho Dune: Part Two ở Hàn, các diễn viên Timothee Chalamet, Zendaya, Austin Butler, Stellan Skarsgård và đạo diễn Denis Villeneuve đã tạo dáng trái tim ở khắp mọi nơi, trong các sự kiện báo chí và trên thảm đỏ.

Tom Cruise đã đến thăm Hàn Quốc 11 lần và được công nhận vì sự tận tâm với người hâm mộ. Anh là một trong những ngôi sao Hollywood đầu tiên nhanh chóng bắt kịp xu hướng thả tim và sử dụng tư thế tạo dáng này để lan tỏa tình yêu đến người hâm mộ.

Tạo dáng này không chỉ giới hạn ở các thần tượng hay diễn viên Kpop mà còn xuất hiện khắp nơi trên các tài khoản mạng xã hội của những người bình thường. Có thể nói rằng bắn tim đã trở thành xu hướng ở Hàn Quốc từ khá lâu.

ban tim anh 4

Các ngôi sao Hollywood cũng bắt trend làm má tim khi đến Hàn Quốc.

Theo giáo sư tâm lý học Kwak Geum-joo, người Hàn Quốc có xu hướng nhanh chóng bắt kịp xu hướng do nền văn hóa tập thể vẫn còn thịnh hành ở nước này.

“Mặc dù các giá trị của chủ nghĩa cá nhân đang dần trở nên phổ biến hơn, chúng tôi vẫn chủ yếu tuân thủ nền văn hóa tập thể. Điều đó có nghĩa là tuân thủ những hành vi nhất định được thực hiện thống nhất trong các tổ chức hoặc xã hội. Ví dụ, trong một nhóm nhất định, có cảm giác rằng một cá nhân phải hòa nhập, tuân thủ để có được cảm giác ổn định, và do khuynh hướng này, một số thực hành chính thức hoặc thông lệ nhất định được duy trì bất kể bạn đi đâu hay làm gì”, Kwak giải thích.

Vì khái niệm “chúng ta” là một yếu tố quan trọng ở Hàn Quốc nên mọi người trở nên hào hứng hơn khi người nước ngoài, chẳng hạn như các ngôi sao Hollywood, chấp nhận văn hóa trong nước, bao gồm cả xu hướng bắn tim.

“Đối với người nước ngoài, cá nhân họ có thể cảm thấy khó xử hoặc kỳ lạ, nhưng vẫn làm theo vì nhận ra đây là cách chúng tôi cảm thấy gần gũi và quen thuộc trong văn hóa của mình”, Kwak nói.

Nguồn gốc của tư thế mang tính biểu tượng hiện nay vẫn còn là một bí ẩn. Nó có thể bắt đầu từ những người nổi tiếng và hiện tại có rất nhiều phiên bản bắn tim, cũng do các ngôi sao sáng tạo và lan truyền.

Theo một nhà báo, tư thế bắn tim đã là xu hướng trong hơn hai thập kỷ. “Tôi đã gia nhập làng giải trí từ năm 1999 và nhớ rằng tư thế này đã tồn tại từ thời đó. Tôi tin rằng cụm từ ‘K-heart’ hay ‘Trái tim Hàn Quốc’ đã trở nên phổ biến sau khi tư thế làm trái tim bằng ngón tay trở thành xu hướng”, người này cho biết.


Cùng chuyên mục