Giá đắt cho vài phút làm lố tại Cannes

Để đổi lấy vài phút ngắn ngủi tạo chiêu trò tại Liên hoan phim Cannes, nhiều nhân vật vô danh chấp nhận bỏ ra hàng nghìn USD cho một tấm vé sải bước lên thảm đỏ.

tro lo o Cannes anh 1

Được tổ chức lần đầu vào năm 1946 với mục đích công nhận thành tựu nghệ thuật, Liên hoan phim Cannes dần trở thành điểm hẹn cho những người quan tâm sức ảnh hưởng của phim ảnh. Tuy nhiên theo thời gian, không phải ai sở hữu tấm vé đến trung tâm hội nghị Palais des Festivals (Pháp) cũng nôn nóng thưởng thức danh sách các bộ phim được đầu tư tâm huyết.

Chiêu trò gây sốc cũ kỹ

Chỉ mới diễn ra 3 ngày nhưng Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 đã để lại ấn tượng không tốt bởi cảnh tượng tràn lan khách mời bát nháo, tạo chiêu trò cũ kỹ tới nhàm chán trên thảm đỏ.

Những trường hợp gây tranh luận đa số là khách mời Trung Quốc (thường không nổi tiếng). Tại buổi khai mạc với phim Le Deuxième Acte, trang phục in hoa văn chăn con công của blogger Lý Mỹ Việt bị chê loè loẹt, không đóng góp vào bức tranh thời trang sang trọng của sự kiện.

Hôm 16/5, hai khách mời diện đồ giống tạo hình Ngọc hoàng đại đế, Vương mẫu nương nương dự công chiếu phim Furiosa: A Mad Max Saga đã bị người dùng Weibo chỉ trích lố lăng, kỳ cục. Họ vẫy tay chào liên tục nhưng nhận lại sự thờ ơ của truyền thông quốc tế.

Một nam blogger sử dụng chiếc quạt in dòng chữ “đến từ Trung Quốc”, song bị nhận xét tổng thể thảm họa và lọt top mặc xấu cùng nữ blogger khác với bộ đồ hình ghế bành trên thảm đỏ. Bên cạnh đó, tạo hình như tô bingsu xoài của một phụ nữ vô danh cũng khiến khán giả lắc đầu ngao ngán.

Sohu đưa tin thảm đỏ thêm lộn xộn với việc diễn viên Đồng Lệ Á, Lương Thanh và đạo diễn Quản Hổ nấn ná tạo dáng quá thời gian quy định. Tờ báo cho biết không dưới 2 lần nhóm sao này bị đuổi khéo đến hội trường chính nhưng vẫn phớt lờ và tiếp tục hành động kém tinh tế.

Có một sự thật phũ phàng rằng khách mời châu Á (trừ vài trường hợp đặc biệt) không được phóng viên ảnh đoái hoài nên họ phải tạo dáng ưỡn ẹo, ăn mặc độc lạ hoặc câu giờ để lôi kéo sự quan tâm. Kết quả, những thước phim không mấy đẹp đẽ đã được ghi lại.

Ở khía cạnh khác, liên hoan phim nhiều năm qua luôn nhấn mạnh đến #MeToo. Đặc biệt, The Guardian tiết lộ sự kiện lần thứ 77 này có thể là cú nổ của phong trào chống quấy rối tình dục với nhiều cáo buộc sắp sửa bị phanh phui.

Thế nhưng điều đáng buồn là khi Greta Gerwig – chủ tịch ban giám khảo – thẳng thắn nói suy nghĩ của mình về phong trào #MeToo trong hội trường, thì bên ngoài thảm đỏ lại chứng kiến hình ảnh các sao nữ ăn mặc hở bạo chẳng khác nào chào mời những kẻ “yêu râu xanh”.

Các cuộc tranh luận cho rằng mặc hở hang là phóng khoáng với người Tây, nhưng trong vài trường hợp, ranh giới giữa gợi cảm và phản cảm rất mong manh. Gần nhất, Victoria Silvstedt – Hoa hậu Thế giới Thụy Điển 1993 – bị chỉ trích khoảnh khắc hớ hênh kém duyên khi khoác lên người thiết kế xẻ cao đến eo.

tro lo o Cannes anh 6

Victoria Silvstedt mặc táo bạo nhất thảm đỏ buổi công chiếu bom tấn Furiosa. Ảnh: Krone.

Khẩu hiệu “Đừng phá hỏng bữa tiệc điện ảnh” từng ám chỉ những kẻ đồi bại lạm dụng tình dục phụ nữ. Nhưng giờ đây, nó dường như dành cho các quý cô thích tạo chiêu trò khoe thân trước ống kính.

Cannes đã không còn hào nhoáng

Trước khi sự kiện diễn ra, ban tổ chức đã gửi thư mời danh dự tới các ngôi sao nổi tiếng, đoàn phim có tác phẩm tranh giải, diện khách mời của nhãn hàng tài trợ, đối tác của liên hoan.

Nói như vậy không đồng nghĩa cơ hội sải bước trên thảm đỏ khép lại đối với những nhân vật khác. Nếu chấp nhận trả số tiền lớn, bất cứ ai cũng có thể sở hữu tấm vé thông hành đến Cannes.

Theo India Times, trang web chính thức của sự kiện mở bán vé công khai từ lâu, nhưng cho biết chỉ các chuyên gia trong ngành hoặc cá nhân được công nhận mới đủ điều kiện truy cập nền tảng bán vé và tiến hành đặt chỗ.

Cụ thể, nhóm người có chứng nhận lễ hội (sở hữu con tem cho phép tham gia các buổi chiếu phim, hoạt động chính thức và có mặt ở các địa điểm như Palais, Village International…) có thể chi 6.100 USD đến 25.000 USD cho mỗi vé, VIP Concierge đưa tin.

Trong khi, những ai sở hữu chứng nhận thị trường sau khi thanh toán khoản phí 326 USD, sẽ được mua vé dự thảm đỏ và các buổi chiếu phim. Nhóm người này thường là thành viên hội đồng quản trị và nhân viên công ty liên quan đến ngành điện ảnh.

tro lo o Cannes anh 7

Cơ hội dự thảm đỏ Liên hoan phim Cannes ngày càng trở nên dễ dàng. Ảnh: New York Times.

Nhiều công ty môi giới, công ty du lịch hoặc công ty tổ chức sự kiện đã móc nối với những trường hợp kể trên để mua lượng lớn vé và bán lại cho những ai có nhu cầu. Theo Sina, vé mua qua trung gian có thể giao động từ hàng nghìn đến chục nghìn USD, được bán tràn lan trên các nền tảng online, kể cả Taobao. Lữ Giai Dung, một diễn viên không mấy tên tuổi, thừa nhận thông qua môi giới để xuất hiện ở liên hoan phim.

Theo mô tả của một trang web, vé dự lễ khai mạc và bế mạc liên hoan phim khoảng 7.500 USD trở lên. Nếu muốn vào bên trong trung tâm Palais de Festival để xem phim, khách phải trả thêm 3.900 USD đến 5.700 USD, tùy vị trí ghế.

Vài công ty đội giá cao hơn khi cung cấp thêm dịch vụ vé máy bay, khách sạn, xe đưa đón, thuê nhiếp ảnh gia, thợ trang điểm… Từng có thời gian hashtag #CannesRedCarpet100K (LHP Cannes 100.000 NDT) leo lên top thịnh hành tại Trung Quốc với hàng nghìn bài viết nói về việc “Cannes biến thành hoạt động kinh doanh”.

Chính bởi tình trạng ngày càng nhiều nhân vật vô danh sẵn sàng chi tiền đến náo loạn thảm đỏ Cannes, cùng với đó là hàng loạt bê bối xảy ra phía sau cánh cửa đông kín, Liên hoan phim lâu đời nhất nước Pháp từ sự kiện điện ảnh được chờ đợi đã chẳng còn khiến công chúng cảm thấy hứng thú.


Cùng chuyên mục