Khoảng cách giàu nghèo ở Kpop ngày càng lớn. Công ty lớn bùng nổ, công ty nhỏ chật vật là nhận định trong bài viết mới đây của Hankook Ilbo. Theo truyền thông Hàn Quốc, trong ngành công nghiệp Kpop đang phát triển nhanh chóng, sự chênh lệch tài chính giữa các công ty lớn và nhỏ ngày càng trở nên rõ rệt.
Tiêu tốn số tiền khủng cho các MV
Vài năm trước, một video âm nhạc tử tế có thể được sản xuất với chi phí khoảng 150-200 triệu won (112.000-150.000 USD). Nhưng ngày nay, chi phí đó tăng lên 400-500 triệu won, thậm chí một số dự án lên tới 800 triệu won hoặc 1 tỷ won, nhân viên trong một số công ty giải trí tiết lộ.
Min Hee Jin, giám đốc điều hành của ADOR, từng nói với các phóng viên: “Đừng chỉ đưa tin dựa trên thông cáo báo chí từ các công ty lớn như HYBE, hãy viết về các công ty nhỏ hơn đang gặp khó khăn. Các công ty nghèo không đủ khả năng sản xuất ba video âm nhạc cho một nhóm nhạc tân binh như NewJeans”.
Một lãnh đạo họ Lee của công ty giải trí tại Hàn Quốc, người đã tham gia sản xuất các nhóm nhạc Kpop trong gần một thập kỷ, bày tỏ sự lo ngại khi chi phí thực hiện sản phẩm ngày càng tăng.
NewJeans có tới 3 MV khi ra mắt. Các công ty lớn hiện giờ thường thực hiện 2, 3 MV cho nghệ sĩ mỗi khi họ ra mắt hoặc trở lại để gây chú ý. Việc đó khiến các công ty nhỏ càng thêm áp lực. Ảnh: ADOR. |
Lee nói: “Ngày nay, bạn phải tính đến thị trường nước ngoài ngay khi mới ra mắt, vì vậy việc sản xuất những video âm nhạc chất lượng cao trở nên cần thiết. Ngoài ra, việc chỉ sản xuất một MV cho mỗi album là không đủ. Lý do là hiện giờ các nhóm nhạc đến từ công ty lớn thường sản xuất nhiều MV mỗi khi trở lại. Điều này làm tăng thêm hiện tượng ‘giàu trở nên giàu hơn, nghèo thì càng nghèo hơn’”.
Nhóm nhạc nữ NewJeans ra mắt vào năm 2022 và được phát hành tới 3 MV ngay khi debut. Đây là điều chưa từng có cho một nhóm nhạc tân binh.
Kim cũng làm việc tại bộ phận sản xuất của một công ty lớn cho biết: “So với thời điểm trước đại dịch Covid-19, chi phí sản xuất MV dường như đã tăng hơn 30%”. Chi phí sản xuất MV tăng mạnh do phí vật liệu và nhân công tăng lên. Ngoài ra, các MV ngày càng đòi hỏi bối cảnh phức tạp, đồ họa máy tính và các chi phí bổ sung khác.
“Trước đại dịch, mỗi phim trường có giá khoảng 30 triệu won. Hiện nay, một phim trường tương tự có giá khoảng 50 triệu won. Nếu muốn tăng sự đa dạng và sử dụng 5 hoặc 6 phim trường cho các cảnh quay, ê-kíp sản xuất sẽ tiêu tốn ít nhất 500 triệu won”, Lee nói.
Trước đó, khi tung ra MV Super Lady, trưởng nhóm (G)I-DLE, Jeon So Yeon, tiết lộ chi phí sản xuất là 1,1 tỷ won.
MV Super Lady của (G)I-DLE có chi phí đầu tư khủng. Ảnh: CUBE. |
Chi phí quảng cáo tăng đột biến
Khi thị trường Kpop mở rộng ra nước ngoài, không chỉ chi phí sản xuất album, MV, CD tăng mạnh mà cả số tiền cần bỏ ra cho các hoạt động quảng cáo cũng không hề nhỏ. Hoạt động quảng cáo có thể kể tới việc quay các video đăng trên nhiều nền tảng khác nhau hoặc xuất hiện trên chương trình tạp kỹ, biểu diễn trong chương trình âm nhạc hàng tuần… Những hoạt động đó vốn đã trở thành công cụ thiết yếu để các thần tượng quảng bá mỗi khi phát hành sản phẩm mới.
Đặc biệt, phí đào tạo thanh nhạc, vũ đạo, phí quản lý, chi phí trả cho nhân viên, tiền thuê phòng thực hành, ký túc xá… cũng tăng 30-50% so với thời điểm trước đại dịch.
Với chi phí ngày càng tăng như vậy, các nhóm tân binh ngày càng khó thành công nếu không có sự hậu thuẫn của một công ty lớn hoặc sự thúc đẩy quảng bá từ các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình.
Những người trong ngành lưu ý rằng một thập kỷ trước, việc ra mắt một nhóm nhạc tân binh tốn khoảng 3 tỷ won, nhưng bây giờ phải mất ít nhất 10 tỷ won để làm điều đó.
Một quan chức làm việc ở công ty quản lý Kpop cỡ trung cho biết: “Đối với các nhóm nhạc tân binh ít tên tuổi, việc sản xuất tới 4 đĩa đơn hoặc mini album thường dẫn đến thua lỗ. Thậm chí, kể cả khi bỏ ra số vốn 10 tỷ won để đầu tư cho họ ra mắt thì việc duy trì hoạt động sau đó vẫn là thách thức lớn. Họ khó lòng kéo dài hoạt động được đến album thứ 4”.
Nhóm nhạc nữ mimiirose do ca sĩ kiêm diễn viên Lim Chang Jung sản xuất, đã chia tay công ty quản lý sau chỉ hơn một năm hoạt động. Theo Korea JoongAng Daily, mimiirose ra mắt vào năm 2022 với các thành viên Choi Yeon Jae, Han Ye Won, Yoon Ji Ah, Seo Yun Ju và Inn Hyo Ri. Đây là nhóm nhạc nữ đầu tiên của Yes Im Entertainment. Nhóm phát hành đĩa đơn đầu tay Awesome tháng 9/2022 và đĩa đơn thứ hai Live vào 9/2023.
Nhóm nhạc nữ thu hút sự chú ý khi được sản xuất bởi ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng Im Chang Jung, người sáng lập và giám đốc sản xuất của Yes Im Entertainment. Tuy nhiên, ngay cả thế, nhóm nhạc lẫn công ty quản lý nhanh chóng phải đối mặt với tình trạng bất ổn. Hợp đồng của các thành viên với Yes Im Entertainment chấm dứt vào 11/2023.
mimiirose chưa thể thành công dù được sản xuất bởi Im Chang Jung. Ảnh: Yes Im Entertainment. |
Jang Moonbok ra mắt với nhóm nhạc LIMITLESS gồm 4 thành viên vào năm 2019, sau đó trở thành chủ đề nóng khi xuất hiện trên Produce 101. Tuy nhiên, trong thế giới Kpop đầy cạnh tranh, LIMITLESS phải vật lộn để trở thành một cái tên quen thuộc. Tính đến 2023, hầu hết thành viên rời khỏi công ty quản lý, chuyển sang ra mắt trong các nhóm khác và hoặc kiện công ty để chấm dứt hợp đồng.
Jang Moonbok là người duy nhất ở lại công ty. Nhưng có vẻ lựa chọn này không giúp Jang cải thiện cuộc sống. Khi tham gia chương trình Life Restaurant (In Saeng Ban Jeom) vào cuối tháng 4, Jang tiết lộ anh chỉ có 2.600 won (khoảng 1,9 USD) trong tài khoản. Trong nhiều năm qua, anh phải đối mặt với khó khăn tài chính. Jang hiện làm công việc lao động chân tay là bốc xếp hàng hóa để kiếm sống.
Khó nắm bắt thành công ngay cả khi đầu tư lớn
F&F Entertainment, công ty con của công ty thời trang cỡ trung F&F, đã đầu tư khoảng 10 tỷ won để ra mắt nhóm nhạc nữ UN1VERSE thông qua chương trình Universe Ticket do SBS đồng sản xuất. Có sự đầu tư đáng kể nhưng nhóm vẫn chưa đạt được thành công đáng chú ý.
Tương tự, nhóm nhạc nữ mimiirose, do ca sĩ Lim Chang Jung sản xuất cũng có số vốn đầu tư xấp xỉ 20 tỷ won. Tuy nhiên, họ kết thúc hợp đồng với công ty quản lý chỉ sau hơn một năm kể từ khi ra mắt, do màn ra mắt đạt kết quả đáng thất vọng.
Nhà phê bình văn hóa Kang Tae Gyu cho biết: “Khi chi phí sản xuất tăng lên và thị trường Kpop bị thống trị bởi các công ty lớn, các công ty sản xuất mới hoặc nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được thành công”.
Khoảng cách ngày càng lớn ngay cả giữa các công ty có quy mô vừa và lớn. Doanh thu của các công ty hàng đầu như HYBE, SM, JYP và YG Entertainment đã tăng từ mức 100-600 tỷ won lên 500-2.000 tỷ won chỉ sau 4 năm.
Ngược lại, các công ty tầm trung phải vật lộn để theo kịp, ngay cả khi họ đạt được mức tăng trưởng gấp 3 đến 4 lần. Ngoại trừ Starship Entertainment đạt doanh thu 200 tỷ won nhờ thành công rực rỡ của nhóm nhạc IVE, những công ty còn lại vẫn ở mức dưới 100 tỷ won.