tlinh bị chỉ trích vì trang phục biểu diễn nhạy cảm. Ảnh: @heyiman_._. |
Gần đây, trang phục biểu diễn của tlinh tạo ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Cụ thể, cô mặc áo phông in hình đáng yêu đến từ nhãn hàng Lonely Stonie, phối với chiếc quần bèo nhún được cắt ngắn của local brand FANCì Club.
Một số lên tiếng bênh vực, cho rằng trang phục của giọng ca Nếu Lúc Đó thể hiện xu hướng thịnh hành, thích hợp để biểu diễn trong không gian âm nhạc ít khán giả.
Trong khi đó, nhiều người lại chỉ trích, khẳng định outfit này tương đối phản cảm, theo mốt váy áo dễ thương nhưng quá đà, gợi liên tưởng đến hình ảnh trẻ em một cách không phù hợp.
Trang phục biểu diễn của tlinh theo mốt váy áo dễ thương. Ảnh: @heyiman_._. |
Bênh vực
Những thiết kế tông hồng được tlinh lựa chọn cho buổi biểu diễn gây tranh cãi là một phần của trào lưu váy áo dễ thương.
Phụ kiện dễ thương, váy áo in hình thù đáng yêu, thể hiện tinh thần lạc quan, tích cực được nhiều tín đồ thời trang lăng xê từ mùa mốt năm 2023.
“Văn hóa dễ thương” là một hình thức subculture (tạm dịch: “tiểu văn hóa”), bắt nguồn từ văn hóa Harajuku (Nhật Bản). Theo Elle, từ những năm 1970, giới trẻ ở Harajuku thuộc quận Shibuya, Tokyo bắt đầu diện quần áo in hình lớn, màu sắc sặc sỡ, sử dụng phụ kiện lấy cảm hứng từ nhân vật hoạt hình.
Bắt nguồn từ phố phường Nhật Bản, tiểu văn hóa dễ thương tác động mạnh mẽ đến street style, vượt ra khỏi biên giới của xứ sở mặt trời mọc, lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Từng chia sẻ với Tri thức – ZNews, nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm cho biết váy áo in hình thù đáng yêu, sặc sỡ là hình thức hưởng ứng “văn hóa dễ thương” phổ biến nhất. Đây cũng là kiểu trang phục được nhiều nhà thiết kế, thương hiệu thực hiện, sản xuất quanh năm nhờ tính ứng dụng cao.
Chiếc áo in hình nhân vật hoạt hình, vòng tay, chun buộc tóc hồng của tlinh thể hiện đúng tinh thần của trào lưu này. Một số tín đồ thời trang nhận định rằng trang phục biểu diễn cho thấy khả năng nắm bắt xu hướng nhanh nhạy của người mặc.
Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ quốc tế như Dua Lipa, Olivia Rodrigo và BlackPink cũng đồng loạt lăng xê mốt mặc đồ dễ thương lên sân khấu. Nhóm nhạc K-Pop BlackPink từng nhiều mặc trang phục đáng yêu khi trình diễn trên sân khấu chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Born Pink.
Trang phục, biểu cảm đáng yêu của tlinh không phù hợp với điệu nhảy quyến rũ, nhận về sự chỉ trích. Ảnh: @heyiman_._. |
Chỉ trích
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến tlinh nhận về sau buổi biểu diễn mang tính chỉ trích. Outfit của cô bị đánh giá là gợi liên tưởng đến hình ảnh trẻ em một cách không phù hợp.
Trong mùa mốt đầu năm nay, nhiều tín đồ thời trang Việt như Châu Bùi, Cô Em Trendy (Khánh Linh) hay Thạch Trang cùng lăng xê mốt mặc đồ, trang điểm như em bé. Các fashionista này đồng loạt diện trang phục, đội mũ trùm đầu giống trẻ em, đem đến hình ảnh đáng yêu.
Tuy nhiên, tlinh không thành công khi theo đuổi xu hướng này, bị một số khán giả nhận xét là tình dục hoá trẻ em. Chiếc quần bị cắt ngắn và màn sexy dance trên sân khấu không tương thích với bộ đồ dễ thương, kiểu tóc 2 ngoe nhí nhảnh và biểu cảm đáng yêu.
Việc sử dụng hình ảnh trẻ em trong thời trang luôn đứng ở ranh giới giữa an toàn và nguy hiểm. Thương hiệu thời trang Balenciaga cũng từng bị lên án, phải tạm dừng hoạt động vì thực hiện chiến dịch quảng cáo coi trẻ em là đối tượng tình dục hồi năm 2022, theo Grazia.
Trong hình ảnh quảng bá của Balenciaga, một em bé đứng trên sofa ôm chú gấu bông đeo dây da nạm đinh tán. Bức hình này đã tạo ra làn sóng chỉ trích dữ dội từ phía công chúng.
Nhiều người cho rằng đây là nội dung khiêu dâm bất hợp pháp. Balenciaga đã vi phạm luật quảng cáo và không được hưởng quyền tự do ngôn luận.
Làn sóng chỉ trích lan tỏa mạnh mẽ, Balenciaga buộc phải phong tỏa hoạt động sản xuất, quảng bá, đóng cửa hàng loạt cửa hàng trên thế giới trong gần 2 năm.
Đối với trường hợp của tlinh, nhiều khán giả nhận xét rằng cô nên lựa chọn trang phục, biểu cảm và phong cách biểu diễn phù hợp, tránh tạo ra sự phẫn nộ từ phía công chúng.