Nhà mốt bị tố cho mỹ nhân Hollywood mượn váy của khách VIP

Thương hiệu thời trang cao cấp Giambattista Valli bị một người có sức ảnh hưởng trên MXH Trung Quốc cáo buộc cho ngôi sao mượn thiết kế đã được đặt hàng trước.

Anya Taylor-Joy diện set bodysuit đã được Lu Min đặt hàng, trả tiền cọc. Ảnh: Giambattista Valli.

Một set bodysuit đính chi tiết hoa 3D đến từ bộ sưu tập thời trang cao cấp Xuân/Hè 2024 của nhà mốt Giambattista Valli đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc, tạo ra nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Lu Min (Lulu), một khách hàng VIP của Giambattista Valli tại Trung Quốc, lên tiếng cáo buộc thương hiệu này cho diễn viên Anya Taylor-Joy mượn một thiết kế may đo cao cấp mà cô đã đặt hàng.

Người có sức ảnh hưởng trên MXH với hơn 1 triệu lượt theo dõi này cho biết cô phải cọc 27.600 USD cho chiếc váy này, không ngờ món đồ xuất hiện ở Liên hoan phim Cannes trước khi đến tay mình.

Giambattista Valli,  Anya Taylor-Joy,  Lu Min,  Lulu,  khach VIP,  my nhan Hollywood,  thuong hieu thoi trang, anh 3

Lu Min thể hiện sự bức xúc khi thiết kế cô đặt hàng bị thương hiệu cho ngôi sao mượn và mặc trước. Ảnh: @lulu.

Chuyện gì đang xảy ra?

Trên mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, bài đăng thu về 21.000 lượt thích và 1.696 bình luận. Nhiều người ủng hộ quyết định từ bỏ khoản tiền cọc và không mua sản phẩm thời trang này của Lu Min.

Theo người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội này, cách hoạt động đề cao yếu tố thương mại của Giambattista Valli đã vi phạm quy tắc ngầm trong giới mua sắm hàng thời trang cao cấp, làm giảm giá trị của những thiết kế được may đo riêng.

Lu Min cũng thể hiện sự bức xúc khi gọi nhãn hàng Italy là “thương hiệu hạng hai”. Cô cũng lập luận rằng các bộ sưu tập thời trang cao cấp của những nhà mốt truyền thống như Valentino và Giorgio Armani Privé đặc biệt đề cao tính độc nhất.

Khi khách hàng đặt một sản phẩm, món đồ tuyệt đối không xuất hiện ở nơi khác. Nếu nhãn hàng muốn cho ngôi sao mượn, đại diện thương hiệu sẽ trao đổi với khách, điều chỉnh các chi tiết, màu sắc, thể hiện sự tôn trọng đối với người mua hàng thời trang may đo riêng.

Khác với những khách hàng haute couture kín tiếng tại Trung Quốc, Lu Min sở hữu số lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội. Cô liên tục giới thiệu những thiết kế cao cấp, tuỳ chỉnh mà mình sở hữu, tạo ra danh tiếng trong lĩnh vực này.

Những buổi gặp của Lu Min với các nhà thiết kế nổi tiếng như Giorgio Armani và Pierpaolo Piccioli cũng góp phần làm nên tên tuổi của cô. Năm ngoái, Lu Min cũng tổ chức một buổi trưng bày bộ sưu tập haute couture của mình mang tên Maison Lulu tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Sức ảnh hưởng của Lu Min khiến sự cố này ngày càng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, tạo ra khủng hoảng quan hệ khách hàng nghiêm trọng cho thương hiệu. Lu Min cũng khẳng định không bao giờ mua thêm sản phẩm của Giambattista Valli.

Giambattista Valli,  Anya Taylor-Joy,  Lu Min,  Lulu,  khach VIP,  my nhan Hollywood,  thuong hieu thoi trang, anh 6

Giambattista Valli tạo ra khủng hoảng truyền thông tại Trung Quốc. Ảnh: Giambattista Valli.

Khủng hoảng truyền thông

Theo thống kê của Jing Daily, số lượng khách hàng thời trang cao cấp trên toàn thế giới chỉ chạm mốc 2.000 người. Vì vậy, mỗi VIP đều có vai trò quan trọng đối với các nhà mốt.

Đứng trước phản ứng dữ dội của cộng đồng tiêu dùng hàng thời trang may đo tại Trung Quốc, Giambattista Valli có khả năng mất thêm một số khách hàng quan trọng tại quốc gia này.

Trước màn tố cáo của Lu Min, đại diện Giambattista Valli đã trả lời WWD: “Theo quy định của các nhà mốt cao cấp, để đảm bảo tính độc quyền, khách hàng cần đưa ra yêu cầu khi đặt hàng. Nếu không đưa ra yêu cầu và thanh toán trước phí độc quyền, sản phẩm có thể được cung cấp cho người dùng khác. Trong trường hợp này, khách hàng không yêu cầu độc quyền”.

Phản hồi từ phía thương hiệu khiến Lu Min càng bức xúc. Cô bất bình với cách giải quyết này, cho biết đại diện nhà mốt chỉ trả lời truyền thông, không liên lạc trực tiếp với người mua để giải quyết vấn đề.

Theo Jing Daily, cách xử lý của Giambattista Valli có thể gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông. Thương hiệu nên đưa ra một lời xin lỗi chân thành, thể hiện sự đồng cảm, tôn trọng cảm xúc của người tiêu dùng.

Phương án giải quyết này gây thiệt hại lớn về danh tiếng, khiến nhãn hàng mất vị trí tại thị trường Trung Quốc – “miếng bánh béo bở” của nhiều nhà mốt cao cấp.


Cùng chuyên mục