Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng đăng ký kết hôn đã giảm 18% trong quý II năm nay, xuống còn 1,46 triệu cặp. Đây là con số thấp thứ hai được ghi nhận, sau mức 1,39 triệu trong quý IV/2022, thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra.
Được biết, một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn là do “giá cô dâu” ngày càng tăng cao.
Theo nghiên cứu của giáo sư Gong Weigang từ ĐH Vũ Hán, chi phí trung bình cho việc cưới hỏi hiện vào khoảng 140.000 NDT (khoảng 19.500 USD), tăng vọt so với mức 10.000-20.000 NDT (khoảng 1.400-2.800 USD) trước năm 2007.
Để con cái có được hạnh phúc, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng chi trả sính lễ hậu hĩnh. Ảnh minh họa: @w.yeowoon. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do chi phí sinh hoạt của các gia đình nông thôn ngày càng tăng, bao gồm việc mua nhà ở thành phố để con cái có thể theo học tại đây. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng giới tính do tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng góp phần đẩy giá “thách cưới” lên cao.
Mức sính lễ có sự khác biệt giữa các vùng miền. Tại khu vực phía Đông, đặc biệt là Thượng Hải, Phúc Kiến và Giang Tây có mức sính lễ cao nhất do chi phí sinh hoạt đắt đỏ và tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, theo Asia Nikkei.
Giấc mơ hôn nhân xa vời
Tháng 6, hơn 100 người đã tham gia “chợ tình” tại công viên Thiên Hà (Quảng Châu, Trung Quốc). Tại đây, các bậc cha mẹ sẽ “quảng cáo” về con cái mình, từ tuổi tác, chiều cao, trình độ học vấn, tính cách, nghề nghiệp đến những tiêu chí về người bạn đời lý tưởng.
“Nếu con trai tôi thực sự yêu đối phương, chúng tôi sẵn sàng trả một khoản sính lễ hậu hĩnh”, một người mẹ có con trai 40 tuổi chia sẻ.
Trong khi đó, một người đàn ông 30 tuổi đến sự kiện cùng bạn bè để tìm kiếm bạn đời cho biết anh cảm thấy áp lực phải mua nhà cho vợ tương lai. Nếu sính lễ quá cao, anh thà không kết hôn.
Một “chợ tình” tại Trùng Khánh (Trung Quốc) năm 2023. Ảnh: SPH/Edwin Ong. |
Cuối tháng 6, các tình nguyện viên ở Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc) đã đến thăm nhà của những người độc thân, kêu gọi họ từ bỏ tục lệ sính lễ đắt đỏ, nhằm thúc đẩy phong tục hôn nhân “hiện đại”.
Tháng 12 năm ngoái, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã ban hành một diễn giải tư pháp về tranh chấp sính lễ. Theo đó, nếu một cặp vợ chồng sống chung trong thời gian ngắn sau khi kết hôn, tòa án có thể xem xét việc trả lại một phần sính lễ quá cao, đồng thời cân nhắc đến việc có con hay không. Tuy nhiên, nếu họ sống chung trong thời gian dài và có con, tòa án thường sẽ không hỗ trợ.
Tòa án cũng quy định rằng cha mẹ có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn chung trong các vụ kiện liên quan đến sính lễ, bởi họ tham gia vào việc sắp xếp hôn nhân cho con cái, chẳng hạn thông qua các sự kiện như “chợ tình” ở Quảng Châu.
Chủ cửa hàng kẹo cưới thở dài
Trên con đường Tử Cổ ở Nam Xương (Giang Tây, Trung Quốc), các chủ cửa hàng kẹo cưới cũng lo lắng không kém bậc sinh thành của những cặp đôi trẻ.
“Chúng tôi bán kẹo cho tất cả loại lễ kỷ niệm, nhưng chủ yếu là cho đám cưới”, Liu Xiaojun, một trong những chủ cửa hàng kẹo, chia sẻ trên China Daily.
Tỷ lệ kết hôn giảm, sự cạnh tranh từ việc bán hàng trực tuyến và sở thích của thế hệ trẻ đối với các sản phẩm không đường đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của những cửa hàng nhỏ này.
Văn hóa kẹo cưới ở miền Đông Trung Quốc phổ biến, đặc biệt là ở các tỉnh như Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, An Huy và Giang Tây. Ảnh minh họa: Ding Lei/Xinhua. |
“Một đơn hàng kẹo cưới thường có giá 1.000-2000 NDT (khoảng 140-280 USD). Tuy nhiên, với việc ngày càng ít người kết hôn, lợi nhuận của chúng tôi đã giảm,” Liu nói.
“Chúng tôi vừa nhận được một đơn hàng tổng cộng 1.340 NDT (khoảng 186 USD). Sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận của chúng tôi chưa đến 100 NDT (khoảng 14 USD)”, Xu Wei, chồng Liu Xiaojun, chia sẻ.
Không còn những đêm thức đến 1-2h sáng để đóng gói kẹo, doanh thu của cửa hàng ảm đạm, đặc biệt trong năm nay.
“Người ta nói rằng những người trẻ ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải không kết hôn, nhưng ngay cả ở đây tại những khu vực như Nam Xương cũng ít người làm đám cưới”, Liu Xiaojun cho biết.