Nhiều người vẫn còn mắc những sai lầm rất phổ biến khi bôi kem chống nắng. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Sử dụng kem chống nắng giúp ngăn ngừa cháy nắng, lão hóa sớm và ung thư da. Tuy nhiên, nhiều người trẻ tuổi lại nghi ngờ lợi ích của kem chống nắng cũng như bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Một cuộc khảo sát của Viện Da liễu Mỹ (AAD) cho thấy những người trưởng thành từ 18-26 tuổi đang tắm nắng nhiều hơn, làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.
Anthony Rossi, bác sĩ da liễu tại trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng kem chống nắng đúng cách để bảo vệ da cũng như làm gương cho các thế hệ tiếp theo.
Dưới đây, HuffPost làm việc với các chuyên gia giúp chúng ta tránh được những sai lầm phổ biến nhất khi sử dụng kem chống nắng.
Kem chống nắng quá hạn sử dụng đem lại hiệu quả bảo vệ da kém hơn. Ảnh minh họa: Sunny Skin/Pexels. |
Dùng kem chống nắng hết hạn
Danilo C. Del Campo, bác sĩ da liễu tại phòng khám Da liễu Chicago (Mỹ), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra hạn sử dụng của kem chống nắng vì chất lượng bảo vệ của sản phẩm sẽ yếu đi sau khi hết hạn.
Sử dụng kem chống nắng hết hạn có thể khiến da phải chịu tác động có hại của bức xạ UV từ mặt trời, vốn là nguyên nhân gây ung thư da, lão hóa nhanh và cháy nắng.
Thêm vào đó, không phải tất cả kem chống nắng đều có ngày hết hạn trên bao bì.
Nếu lọ kem chống nắng không có ngày hết hạn, điều quan trọng cần lưu ý là, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), kem chống nắng được coi là hết hạn sau ba năm kể từ ngày mua.
=
Hít phải kem chống nắng dạng xịt có thể gây hại lên sức khỏe. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Hít phải kem chống nắng dạng xịt
Khi xịt kem chống nắng lên cơ thể và mặt, chúng ta có thể vô tình hít phải aerosols (sol khí). Hậu quẩ, mọi người có thể bị kích ứng và bùng phát hen suyễn.
Anne Chapas, bác sĩ da liễu kiêm thành viên của AAD, cho biết rằng tính an toàn của các thành phần trong kem chống nắng dạng xịt chỉ được thử nghiệm khi thoa lên da.
Thực tế, chúng ta vẫn chưa biết tất cả tác động của chúng lên mô phổi thông qua đường hít thở.
Vì vậy, nếu định sử dụng kem chống nắng dạng xịt, cô khuyên mọi người không nên thoa trực tiếp lên mặt mà hãy xịt lên tay trước rồi xoa đều lên mặt và cả cơ thể.
Kem chống nắng nên được sử dụng riêng biệt. Ảnh minh họa: Karoline Grabowska/Pexels. |
Trộn kem chống nắng với đồ trang điểm
Whitney Bowe, bác sĩ da liễu kiêm người sáng lập cơ sở làm đẹp Dr. Whitney Bowe Beauty, khuyên không nên trộn kem chống nắng với đồ trang điểm.
Hiệu quả của kem chống nắng phụ thuộc vào việc thoa đều trên da nên trộn chúng với các loại mỹ phẩm khác có thể làm giảm khả năng bảo vệ da.
Thay vào đó, kem chống nắng nên được bôi thành một lớp riêng biệt trên da, đợi ít nhất 30 giây để kem thẩm thấu, sau đó thoa lớp trang điểm lên trên.
Kem chống nắng nên được bôi thường xuyên vì ảnh hưởng của tia UV thực chất rất mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Armin Rimoldi/Pexels. |
Không bôi kem chống nắng hàng ngày
Heather D. Rogers, bác sĩ da liễu kiêm người sáng lập cơ sở chăm sóc da Doctor Rogers Skin Care, không bao giờ quên bôi kem chống nắng, dù trời nắng hay nhiều mây, ở trong nhà hay ngoài trời, mùa hè hay mùa đông.
Cô kết hợp kem chống nắng vào quy trình chăm sóc da mỗi sáng sau khi rửa mặt, bôi serum vitamin C và kem dưỡng ẩm.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, ngay cả trong ngày nhiều mây, bức xạ UV vẫn có thể xuyên qua mây và gây tổn thương da.
Thêm vào đó, một số thứ như tuyết, nước và cát có thể phản xạ bức xạ UV và làm tăng nguy cơ bị cháy nắng. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta ở trong nhà, tia UVA vẫn có thể xuyên qua cửa sổ.
Bác sĩ Danilo C. Del Campo đề xuất việc khám phá các loại kem chống nắng khác nhau để tìm loại phù hợp với sở thích cá nhân. Ảnh minh họa: Sora Shimazaki/Pexels. |
Bôi quá ít
Ivy Lee, bác sĩ da liễu kiêm chủ tịch của Ủy ban Trí tuệ Tăng cường tại AAD, nhấn mạnh việc lựa chọn kem chống nắng dịu nhẹ trên da để thoải mái hơn khi dùng.
Bà khuyên dùng kem chống nắng đa chức năng có chứa thành phần dưỡng ẩm, chất chống oxy hóa và có khả năng chống lại cả tia cực tím và ánh sáng năng lượng cao có thể nhìn thấy được.
Bác sĩ Lee thích kem chống nắng vật lý có chứa kẽm oxit, titan dioxit hoặc cả hai vì chúng dịu nhẹ hơn với làn da nhạy cảm so với một số loại kem chống nắng hóa học.
Bên cạnh đó, bà khuyến khích dùng kem chống nắng phổ rộng được dán nhãn là UPF 30+.
Ngoài ra, AAD khuyên mọi người nên sử dụng khoảng 28 gram kem chống nắng để bôi lên toàn bộ cơ thể và thoa lại sau mỗi hai giờ nếu ở ngoài trời hoặc sau khi đổ mồ hôi hoặc bơi lội.
Kem chống nắng là sản phẩm chăm sóc da thiết yếu cho mọi người. Ảnh minh họa: Ksenia Chernaya/Pexels. |
Một số sai lầm khác
AAD nhắc nhở chúng ta thoa kem chống nắng cho tất cả các vùng da có thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như chân, tai và đỉnh đầu.
Bác sĩ Rossi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng SPF cho môi, lưu ý rằng ung thư da cũng thường phát triển ở môi dưới.
Theo bác sĩ Rogers, mọi người nên mặc thêm đồ chống nắng như mũ, kính râm và áo dài tay đồng thời tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm.
Bà nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là mọi người luôn phải ở trong nhà. Thực tế, chúng ta có thể linh hoạt thời gian ở ngoài trời như ưu tiên ra ngoài vào buổi sáng hoặc buổi tối, mang theo ô khi ra bãi biển và tránh tắm nắng để có da nâu.
Đặc biệt, chúng ta không nên đánh giá thấp giá trị của kem chống nắng hoặc tin vào những lời đồn đại trên mạng xã hội.
Bác sĩ Lee nhấn mạnh rằng sử dụng kem chống nắng hàng ngày là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa lão hóa, tổn thương do ánh nắng mặt trời và ung thư da. Thói quen đơn giản này giúp giảm nếp nhăn, làm đều màu da đồng thời giảm nguy cơ ung thư da trong thời gian dài.