Biến động tiền tệ lớn dẫn đến tình trạng tương đương với giảm phát ở Trung Quốc, người tiêu dùng trì hoãn mua hàng cho đến khi họ có thể mua với giá ngang thị trường Nhật Bản. Ảnh minh họa: New York Times. |
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, nhiều ông lớn trong ngành hàng xa xỉ như LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton, Hermes, Richemont (công ty mẹ của Cartier) và Kering (sở hữu Gucci) đều ghi nhận doanh số sụt giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc.
Ngược lại, thị trường Nhật Bản lại chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ, khi du khách đổ xô đến đây để mua sắm hàng hiệu với giá rẻ nhờ đồng yen suy yếu.
Tuy nhiên, đồng yen mất giá làm giảm lợi nhuận khi quy đổi sang USD hoặc EUR, khiến các thương hiệu phải tăng giá sản phẩm, The Wall Street Journal đưa tin.
“Hầu hết thương hiệu của chúng tôi đã triển khai nhiều chiến lược tăng giá để đối phó với tình trạng đồng yen mất giá”, Armelle Poulou, giám đốc tài chính của Kering, chia sẻ trong một cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh.
Nhiều du khách, đặc biệt đến từ Trung Quốc, đang đổ xô đến đất nước mặt trời mọc “săn” hàng hiệu. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Hermes, nhà sản xuất túi xách Birkin nổi tiếng, chủ yếu xem xét lạm phát chi phí và tỷ giá hối đoái khi định giá sản phẩm. CEO Axel Dumas cho biết công ty đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ thương hiệu trước biến động tỷ giá.
Đầu tháng 7, đồng yen đã chạm mức thấp nhất so với đô la Mỹ kể từ năm 1986. So với euro, đồng yen đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 1990, theo FactSet.
Đồng yen đã phục hồi phần nào trong những tuần gần đây nhờ Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất, nhưng vẫn ở mức thấp lịch sử.
“Khách hàng rất thông minh, trước những biến động tỷ giá, họ nhận thấy đồng tiền Nhật Bản rẻ hơn”, chủ tịch Richemont, Johann Rupert, cho biết.
Tại Mitsukoshi, một trung tâm thương mại cao cấp ở Ginza (Tokyo, Nhật Bản), tầng 1, nơi bày bán túi xách, giày dép và các mặt hàng khác từ các thương hiệu như Gucci và Chanel, thường xuyên chật kín khách du lịch, phần lớn đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Sangjun Park (35 tuổi), bay từ Hàn Quốc đến Tokyo, đã mua một chiếc ví đựng tiền xu của Chanel với giá 90.000 yen (khoảng 612 USD).
“Bạn gái tôi nhờ mua vì sản phẩm này rẻ hơn khoảng 10% so với Hàn Quốc”, anh nói.
Sự thay đổi trong chi tiêu xa xỉ ở châu Á đã gây ra nhiều khó khăn cho một số công ty. Ảnh minh họa: Bloomberg. |
Các công ty xa xỉ thường phản ứng với biến động tiền tệ thông qua việc điều chỉnh giá khi biến động lớn và kéo dài, nhưng họ đang trở nên thận trọng hơn sau khi tăng giá trong nhiều năm, nhà phân tích Jelena Sokolova từ Morningstar cho biết.
“Điều quan trọng là không làm mất lòng người tiêu dùng địa phương với việc tăng giá quá mức”, bà nói thêm.
Sự sụt giảm doanh số bán hàng tại Trung Quốc phần nào được bù đắp bởi chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài.
“Chúng tôi đã có một sự chuyển dịch lớn về kinh doanh từ châu Á sang Nhật Bản”, giám đốc tài chính của LVMH, Jean-Jacques Guiony, cho biết.
Doanh số bán hàng của tập đoàn xa xỉ này đã tăng vọt 57% trong quý nhờ khách du lịch Trung Quốc.
Trong quý II, tổng chi tiêu của du khách nước ngoài đạt mức kỷ lục 2,1 nghìn tỷ yen, với gần 21% là khách du lịch Trung Quốc, theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản. Chính phủ dự kiến con số có thể đạt kỷ lục lên tới 8 nghìn tỷ yen trong năm nay.
Doanh số bán hàng tại Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng, nhưng sự thay đổi trong chi tiêu xa xỉ ở châu Á đã gây ra những khó khăn cho một số công ty.
“Chúng tôi hài lòng với sự tăng trưởng tạo ra ở Nhật Bản, song phải chấp nhận thêm chi phí đáng kể từ góc độ lợi nhuận và biên lợi nhuận”, Guiony từ LVMH cho biết.
Bên ngoài, trên một con phố rải rác các cửa hàng Prada, Fendi và Dior, du khách Trung Quốc xách những chiếc túi đầy ắp hàng hóa mua được. Ảnh minh họa: Toshikazu Sato/The Yomiuri Shimbun. |
Biến động tiền tệ lớn dẫn đến tình trạng tương đương với giảm phát ở Trung Quốc, người tiêu dùng ngừng mua hàng cho đến mức giá ngang với Nhật Bản hoặc đến Nhật Bản, ông nói.
Chênh lệch giá ở Nhật Bản vẫn hấp dẫn ngay cả sau khi Kering tăng giá gần đây, giám đốc tài chính của công ty cho biết.
Hàng hóa xa xỉ thường đắt hơn ở Trung Quốc so với các quốc gia khác, do thuế cao và các quy định về hàng hóa nhập khẩu, theo Bertschy từ công ty quản lý đầu tư Vontobel. Tuy nhiên, ông dự đoán sự chuyển dịch chi tiêu sang Nhật Bản sẽ chỉ có tác động rất nhỏ đến lợi nhuận, nếu có.