Không ít người sẵn sàng chi hàng trăm USD cho một sản phẩm làm đẹp. Ảnh minh họa: @mobinapeiman. |
Khi mua một sản phẩm làm đẹp có giá cao, người tiêu dùng xa xỉ thường sẽ khắt khe hơn. Lacey Buteyn (46 tuổi), nhà quản lý tài sản tư nhân kiêm giáo viên yoga đến từ Texas (Mỹ), cho hay bà muốn biết được nghiên cứu và các thành phần sản phẩm có thực sự độc đáo và hiệu quả hay không.
Những yêu cầu khác của bà bao gồm bao bì đẹp, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt cũng như các sản phẩm đem lại cảm giác và mùi thơm dễ chịu.
Lacey Buteyn thuộc nhóm nhỏ những người chi tiêu cao, thích mua sắm các sản phẩm làm đẹp tại các cửa hàng boutique và bách hóa cao cấp hơn là ở những nơi như Sephora hay Ulta Beauty.
Những khách hàng như Buteyn hiếm khi bị “sốc giá”, trái ngược với aspirational shoppers, những người tiêu dùng khát khao những sản phẩm xa xỉ nhưng có thể không đủ khả năng chi trả thường xuyên, vốn đang cắt giảm chi tiêu xa xỉ trong thời gian gần đây, theo The Business of Fashion.
Aspirational shoppers giảm chi tiêu nên các thương hiệu đang quay sang thu hút tệp người mua giàu có hơn. Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels. |
Thu hút tệp khách giàu có
L’Oréal và Shiseido đã trải qua màn tăng trưởng chậm hơn đối với các sản phẩm cao cấp tại Mỹ trong quý 2.
Trong khi đó, bộ phận nước hoa và mỹ phẩm của LVMH tăng trưởng nhưng không đạt được kỳ vọng ban đầu. Unilever cũng báo cáo hiệu suất yếu hơn trong các ngành hàng cao cấp trong kết quả thu nhập mới nhất.
Để bù đắp cho doanh số bán hàng yếu kém ở phân khúc mỹ phẩm cao cấp dưới 100 USD, một số công ty mỹ phẩm đang đầu tư vào nhiều sản phẩm cao cấp hơn để thu hút những khách hàng giàu có không bị ảnh hưởng bởi lạm phát hay bất ổn kinh tế.
Vào tháng 7, thương hiệu Paco Rabanne của tập đoàn thời trang và nước hoa Puig đã giới thiệu một dòng nước hoa cao cấp mới khác biệt so với các sản phẩm masstige phổ biến hơn của hãng. L’Oréal và Interparfums cũng đang có những động thái tương tự.
Beiersdorf, tập đoàn sở hữu Nivea, đang nỗ lực khôi phục các dòng sản phẩm đắt tiền hơn như Chantecaille. Ngoài ra, thương hiệu Tom Ford của Estée Lauder đang tổ chức các sự kiện mua sắm làm đẹp độc quyền cho những người sở hữu thẻ American Express Platinum, những người trả hơn 800 USD/năm đăng ký thành viên mua sắm tại hãng.
Người mua chú trọng vào giá trị sản phẩm xứng đáng với giá tiền. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Sản phẩm xứng với giá tiền
Để lý giải cho mức giá cao ngất ngưởng của mình, các thương hiệu làm đẹp phải chứng minh được giá trị mạnh mẽ cũng như cung cấp dịch vụ khách hàng đặc biệt tốt.
Nói cách khác, người mua cần cảm thấy rằng sản phẩm xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.
Theo Oliver Garfield, CEO của Cos Bar, ngay cả khi mọi người có nhiều tiền, họ vẫn muốn bản thân đang nhận được những giá trị tốt từ những gì mình mua.
Các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Thực tế, họ còn tập trung vào việc tạo ra hình ảnh và ấn tượng tổng thể tinh tế.
Louise de Turckheim, người điều hành công ty tư vấn quan hệ công chúng LDT Luxury Communications tại London, nhấn mạnh tầm quan trọng của vẻ ngoài mỹ phẩm. Bà lưu ý rằng một số sản phẩm xa xỉ đem lại cảm giác mỏng manh hoặc sở hữu bao bì có vẻ kém chất lượng như của hãng Dr. Barbara Sturm.
De Turckheim thường xuyên sử dụng bốn sản phẩm của Augustinus Bader là sáp tẩy trang, kem dưỡng mắt, sữa rửa mặt dạng bọt và kem dưỡng ẩm đặc trưng của hãng là The Cream với tổng giá trị hơn 670 USD. Bà cũng là một người hâm mộ dòng sản phẩm Orchidée Imperiale hàng đầu của Guerlain, bao gồm kem và essence, có giá lần lượt là 525 USD và 155 USD.
Đối với Sam Yashari, nhà sáng tạo nội dung đến từ Adelaide (Australia), sức hấp dẫn của các sản phẩm xa xỉ nằm ở tính độc đáo của chúng.
Dù không chi tiền cho thời trang cao cấp hay xe hơi, anh đã đầu tư 552 USD vào một sản phẩm chăm sóc da của Chanel. Anh coi trọng nguồn gốc và câu chuyện độc đáo đằng sau các thành phần, cũng như hương thơm, bao bì và di sản của sản phẩm.
Những người mua giàu có không chỉ ấn tượng với sản phẩm mà còn là dịch vụ chăm sóc cũng như hình ảnh thương hiệu xây dựng. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels. |
Nâng cao trải nghiệm tổng thể
Ngay cả các thương hiệu có câu chuyện và bản sắc mạnh mẽ cũng có thể gặp phải thách thức khi tham gia vào môi trường bán lẻ mới thông qua các đối tác bán buôn.
Annalise Fard, người giám sát các bộ phận làm đẹp, trang sức và đồng hồ của nhà bán lẻ cao cấp Harrods ở London, cho biết các thương hiệu thành công nhất là những thương hiệu đầu tư vào giáo dục và nhân sự.
Nhân viên bán hàng cần giải thích hiệu quả giá trị của các sản phẩm đắt tiền để có thể kết nối được với khách hàng.
Theo Oliver Garfield từ Cos Bar, các thương hiệu thành công có đội ngũ bán hàng mạnh.
Sau khi khách hàng mua một thứ gì đó, cửa hàng sẽ sử dụng phần mềm chăm sóc khách hàng như Salesfloor để giữ liên lạc, gợi ý các sản phẩm liên quan và khuyến khích khách hàng mua lại.
Tại Harrods, cửa hàng bách hóa tổng hợp nổi tiếng ở London, người mua không chỉ nhận được thông tin sản phẩm từ các nhân viên bán hàng mà còn có thể tham dự các hội thảo, lớp học nâng cao và tận hưởng các liệu pháp chăm sóc da mặt hoặc spa uy tín tại khu vực chuyên biệt.
Khu vực chăm sóc da mặt hoặc spa uy tín chuyên biệt cho khách hàng của Harrods. Ảnh: Luxury London. |
Những điểm nhấn nhỏ, như cung cấp hàng dùng thử miễn phí, có thể tăng mức độ hài lòng của khách hàng một cách đáng kể.
Chọn không gian bán hàng tại các cửa hàng phù hợp, đầu tư vào đào tạo nhân viên và xây dựng mối quan hệ với khách hàng là những chiến lược dài hạn đòi hỏi đầu tư không nhỏ nhưng có thể mang lại kết quả tích cực. Ví dụ, Sisley, hãng mỹ phẩm và nước hoa cao cấp của Pháp, đã vượt qua mức doanh số 1 tỷ USD vào năm 2023.
Theo Cassandra Grey, người sáng lập nhà bán lẻ mỹ phẩm cao cấp Violet Grey, tạo ra cảm giác ngạc nhiên và thích thú cho khách hàng khi mua hàng là chìa khóa thành công. Ngay cả việc trưng bày hàng hóa, ánh sáng và mùi hương trong các cửa hàng cũng tạo sự khác biệt rõ rệt.