Nghịch lý thảm đỏ

Cho dù có hay không chiêu trò ăn mặc khoe thân, làm lố trên thảm đỏ, Liên hoan phim Venice vẫn vấp phải ý kiến chê bai.

Theo DW, Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 81 là sự kiện điện ảnh quan trọng nhất năm khi quy tụ những phim đầu tay ấn tượng của một số đạo diễn cũng như thông tin siêu sao George Clooney, Brad Pitt, Nicole Kidman, Daniel Craig và Jude Law trở lại.

Không chỉ chứng kiến màn cạnh tranh của các ứng viên cho cúp Sư tử Vàng, thảm đỏ liên hoan phim luôn được xem như “cuộc chiến” váy áo thực sự, nơi giới mộ điệu phân tích, mổ xẻ chiến lược hình ảnh của dàn khách mời. Song, hiệu ứng thảm đỏ năm nay có phần giảm nhiệt bởi một số lý do.

Nỗ lực thay đổi nhưng bị chê

LHP Venice đã đi gần nửa chặng đường nhưng chưa có diện mạo nào đủ hoành tráng và ấn tượng để tín đồ thời trang phải trầm trồ. Theo Euro News, chỉ Jolie và Pitt gây bàn tán khi xuất hiện cùng sự kiện nhưng khác ngày, song điều mà họ được nhắc đến chẳng phải chuyện ăn mặc.

Danh sách bình chọn sao chưng diện đẹp của tạp chí Harper’s Bazaar có Cate Blanchett, Amy Ryan, Felicity Jones, Stacy Martin… với điểm chung là lăng xê mốt thanh lịch, sang trọng với các thiết kế chủ yếu hở vai, phom dáng đơn giản nhưng cách xử lý tương đối cầu kỳ, xếp nếp có chủ đích. Một số mẫu đồ được dựng 3D đối xứng.

Còn tạp chí Glamour nhận xét: “Thay vì diện những chiếc váy khổng lồ dễ nhìn thấy từ xa, các ngôi sao có xu hướng lựa chọn phong cách quyến rũ, cổ điển trên thảm đỏ, điểm xuyết những vẻ ngoài giản dị, thể hiện cá tính. Chúng tôi rất thích cách Jenna Ortega diện bộ trang phục Christian Dior ngọt ngào trước khi chuyển sang bộ vest Paul Smith màu đỏ tía”.

lien hoan phim Venice anh 1

Angelina Jolie mặc đầm phối lông vũ trên thảm đỏ Liên hoan phim Venice 2024. Ảnh: Thewrap.

Qua nhiều mùa bị chỉ trích để khách mời tạo chiêu trò ăn mặc lộ hàng, câu giờ, nay ban tổ chức đã tăng cường kiểm soát nhằm đảm bảo các nhân vật vô danh không có cơ hội làm lố. Từ đó tránh bị mang tiếng “hô hào #MeToo nhưng để khách mời khoe thân lộ liễu”.

Nhìn ở góc độ tích cực, thay đổi mới đáng khen, cần được duy trì nhưng vô tình khiến bầu không khí thảm đỏ trở nên khá yên ắng. Thông qua hình ảnh do đội ngũ phóng viên chụp lại, có thể thấy thảm đỏ thưa thớt khách mời và mất đi sự rộn ràng vốn là “đặc sản” ở liên hoan phim.

Theo Euro News, hiệu ứng truyền thông tệ hại của liên hoan phim còn đến từ việc cấm phóng viên, nhà báo tiếp xúc quá nhiều với ngôi sao, dẫn tới số lượng ảnh chụp và các buổi phỏng vấn độc quyền ít hơn so với mọi năm. Nhiều người trong ngành đã lên án quy định này và cho rằng “báo chí điện ảnh đối diện nguy cơ bị tuyệt chủng”.

Hơn 50 nhà báo quốc tế đã ký vào thông điệp chỉ trích việc báo chí không được tiếp cận những tài năng lớn. Trong đó, một nhà báo người Đức bức xúc nói: “Một số phim được chú ý nhất như Maria do Angelina Jolie thủ vai chính; Wolfs với sự tham gia của George Clooney và Brad Pitt, sẽ không có bất kỳ buổi họp báo nào khác chứ đừng nói đến cuộc họp riêng để chúng tôi viết bài phỏng vấn hoặc ghi lại hình ảnh, vài thông tin hấp dẫn”.

Thảm đỏ từng là nơi phô diễn chiêu trò

Những năm trước, LHP Venice gần như luôn hứng “gạch đá” vì dàn khách mời bày trò khác thường để chiếm spotlight. Năm 2022, Mariacarla Boscono, Gaia Nicolini, Aldy Przylipiak, Valentina Corvino… bị nêu tên trong danh sách thảm họa thời trang. Họ không ngại diện đồ mỏng tang và không mặc đồ lót, khiến phần nhạy cảm phô bày trước ống kính.

Tại mùa giải lần 78, Brad Pitt – nam chính Ad Astra, phải nhường sự chiếm sóng cho sao truyền hình thực tế tai tiếng Farrah Abraham. Cánh phóng viên không bỏ lỡ giây phút Farrah lộ hàng trong chiếc váy cắt xẻ táo bạo.

Cách Lương Kính Khả, diễn viên hạng C người Trung Quốc có biểu cảm há hốc mồm, khua chân múa tay và ngã nhào trên thảm đỏ, chỉ vài mét, hai người mẫu Giulia Salemi và Dayane Mello diện váy xẻ đến tận rốn và tạo dáng đưa vùng nhạy cảm về ống kính.

Cứ đến tháng 9 hàng năm, các nhân vật không hoạt động nghệ thuật vẫn đến Venice tham gia sự kiện và rời đi với những khoảnh khắc gây tranh cãi. Mùa giải năm 2021 bị cho là nhốn nháo nhất vì khách mời phớt lờ quy định hạn chế tiếp xúc thân mật và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, để dành cho nhau những màn khóa môi kéo dài.

Trong câu chuyện váy áo phản cảm, một liên hoan phim khác là Cannes được nhận định mới thực sự đúng với tên gọi “lãnh địa của thời trang khoe da thịt”. Tình trạng ăn mặc trống trên – hở dưới chưa bao giờ ngưng hiện hữu trên thảm đỏ sự kiện này. Thậm chí, nhiều người sẵn sàn chi hàng nghìn đến chục nghìn USD để đổi lấy vài phút khoe thân ngắn ngủi.

Khẩu hiệu “Đừng phá hỏng bữa tiệc điện ảnh” từng ám chỉ những kẻ đồi bại lạm dụng tình dục phụ nữ. Nhưng giờ đây, nó dường như dành cho các quý cô thích tạo chiêu trò khoe thân ở Cannes, và trước đó là Venice.

Đối với những mùa giải đầy rẫy khoảnh khắc phản cảm, LHP Venice hay Cannes chấp nhận bị chỉ trích, miễn là sự kiện họ làm ra được chú ý, bàn tán. Nhưng điều mà họ có thể không lường được rằng cho dù có hay không có chiêu trò ăn mặc khoe thân, sự kiện vẫn vấp phải những ý kiến chê bai.


Cùng chuyên mục