Mong muốn học hỏi, khao khát cống hiến của một bộ phận nhân sự trẻ bị lợi dụng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
“Tìm kiếm mentee sáng giá” là tiêu đề bài viết dẫn đến quyết định nộp đơn ứng tuyển cho công việc đầu tiên của Hồng Ngọc (20 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM). Chủ nhân bài đăng là một quản lý dự án bất động sản mà Ngọc theo dõi từ lâu.
Theo bài viết chiêu mộ trên mạng xã hội, quản lý này cho biết có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing bất động sản, mong muốn tìm kiếm mentee (tạm dịch: người được hướng dẫn bởi cố vấn) sinh sau năm 1997 để tìm hiểu tư duy, lối sống của Gen Z phục vụ cho các dự án sắp tới.
Ở chiều ngược lại, mentee nhận được kiến thức liên quan đến ngành marketing, bất động sản, có cơ hội tham gia vào các dự án lớn.
Tuy nhiên, sau khi nộp đơn đăng ký và trải qua vòng phỏng vấn với quản lý 32 tuổi, Hồng Ngọc chính thức trở thành trợ lý riêng không lương. Cô đảm nhiệm hàng loạt nhiệm vụ không tên, từ in ấn tài liệu đến đưa đón “sếp”.
Dù chịu trách nhiệm cho một số đầu việc của các dự án lớn, coo chỉ làm việc thông qua người quản lý này, không được giới thiệu đến đối tác và các bên liên quan.
“Khi tôi hỏi về kiến thức chuyên môn mà mentor hứa chỉ dạy, người này nói rằng tôi có thể tự lĩnh hội bài học thông qua công việc thực tế được giao”, Hồng Ngọc chia sẻ sau 3 tháng làm mentee.
Nhiều người trẻ trở thành thư ký không lương cho các chuyên viên, quản lý dưới danh xưng thực tập sinh. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Hồng Ngọc là một trong nhiều trợ lý không lương “trá hình” mentee, thực tập sinh trên thị trường lao động. Mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chuyên gia trong lĩnh vực, một bộ phận nhân sự trẻ vô hình trung trở thành thư ký riêng cho các chuyên viên, quản lý.
Một số quản lý lợi dụng tâm lý khao khát cống hiến này để tuyển dụng trợ lý dưới tên gọi khác, tiết kiệm một khoản lương hàng tháng.
Song, nhiều cá nhân khẳng định vẫn hoàn thành trách nghiệm của mentor (tạm dịch: người hướng dẫn) trong trường hợp trên, dành nhiều thời gian, công sức đào tạo thực tập sinh nhằm đưa đội ngũ này trở thành nhân sự chính thức cho các doanh nghiệp.
Những thư ký không lương
Sau 2 năm đại học làm các công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập, Hồng Ngọc quyết định đi thực tập để trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn.
Tuy nhiên, cô ái ngại khi nộp đơn ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh của các công ty, tập đoàn lớn. Một số bạn bè của Ngọc cho biết không nhận được sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình do quy mô doanh nghiệp, phòng ban tương đối lớn.
Hồng Ngọc xin nghỉ khỏi vị trí trợ lý không lương “trá hình”. |
Để không rơi vào trường hợp tương tự, cô sinh viên năm 3 quyết định đặt niềm tin vào người quản lý có tiếng trong lĩnh vực. “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, kết quả Hồng Ngọc nhận lại không khác gì các bạn, thậm chí có phần tệ hơn.
Bên cạnh việc không có lương, cô cũng chưa từng được hưởng trợ cấp ăn trưa, đi lại. Sau một quý làm việc không công ở vị trí này, Hồng Ngọc dự định xin nghỉ trong tháng tới.
“Đến tài xế cũng cần trợ cấp xăng xe, ăn uống. Tôi đành coi đây là ‘học phí’ để bớt xót ruột”, Ngọc bức xúc nói.
Đồng cảnh với Hồng Ngọc, Lam Hằng (19 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vô tình trở thành thư ký riêng cho một trưởng phòng truyền thông từ giữa năm ngoái. Khi nộp đơn vào vị trí nhân viên sáng tạo nội dung của một stratup, Hằng được gọi đến phỏng vấn, song không đạt do thiếu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, cô được trưởng phòng truyền thông giữ lại, mời vào vị trí thực tập sinh cá nhân cho quản lý cấp trung này. Theo đó, Lam Hằng có cơ hội cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm, chuẩn bị cho vị trí nhân viên chính thức.
Quản lý cũng hứa cân nhắc cho Hằng lên chính thức sau 6 tháng đến một năm cộng tác. Với những lời hứa hẹn này, cô gái trẻ chấp nhận đảm nhiệm công việc không lương.
Trong hơn một năm làm việc với trưởng phòng truyền thông trên, Lam Hằng liên tục nhận được những lời thúc đẩy cống hiến. “Còn trẻ đừng nghĩ nhiều đến tiền” là câu nói cửa miệng của người quản lý.
Song, Lam Hằng dần thất vọng khi “sếp” liên tục thất hứa, không cân nhắc cô lên vị trí nhân viên chính thức như hứa hẹn. Lý do quản lý này đưa ra là công ty chưa có vị trí trống, nỗ lực của Hằng trong thời gian qua chưa đủ.
“Chị liên tục giao nhiệm vụ khó hơn cho tôi, gọi đây là ‘thử thách’. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng chỉ có đến 3 vòng phỏng vấn tuyển dụng. Tôi nghĩ rằng chị muốn giữ tôi làm trợ lý riêng lâu dài”, Hằng chia sẻ.
Nhân sự trẻ thất vọng khi không được hướng dẫn tận tình hay cân nhắc xét tuyển vào vị trí nhân viên chính thức. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Lý do của chuyên viên, quản lý
Từng đăng tải bài viết chiêu mộ mentee trên mạng xã hội, trưởng nhóm phát triển sản phẩm công nghệ Đỗ Hiếu (30 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết có nhu cầu truyền dạy kiến thức và lắng nghe ý kiến sáng tạo của nhân sự trẻ.
“Song, đây không chỉ là nhu cầu từ phía tôi. Khi tham gia tổ chức một số chương trình ở trường cũ, tôi nhận thấy nhiều sinh viên mong muốn tìm mentor hỗ trợ định hướng sự nghiệp”, trưởng nhóm 30 tuổi chia sẻ.
Trước đây, anh cũng may mắn nhận được sự hướng dẫn, chỉ dạy nhiệt tình của một mentor trong lĩnh vực công nghệ, do đó muốn tiếp tục nâng đỡ người mới.
Hơn nữa, Đỗ Hiếu không chiêu mộ người lạ vào vị trí này, chỉ mở bài đăng cho bạn bè trên Facebook tiếp cận. Theo anh, danh sách này bao gồm nhiều sinh viên khoá dưới, hậu bối ở trường đại học.
Ngoài ra, Hiếu khẳng định không coi mentee là trợ lý riêng, do đó tránh nhờ các bạn hỗ trợ các công việc cá nhân. Anh cũng thẳng thắn chia sẻ không trả lương cho vị trí này trên bài đăng, đề phòng gây ra hiểu lầm.
Một số chuyên viên, quản lý cho biết xây dựng mối quan hệ hướng dẫn – hỗ trợ công bằng, đem đến lợi ích cho đôi bên. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tương tự, chuyên viên tài chính Thanh Tùng (29 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng có một mentee trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Tùng không chủ động tìm kiếm, mà được một hậu bối chung ngành nhờ hỗ trợ hướng dẫn.
Vì không phải người trả lương cho mentee, anh xây dựng mối quan hệ đôi bên đều có lợi. Cả 2 quy định thời gian gặp nhau cố định trong tuần, trao đổi về công việc, định hướng phát triển sự nghiệp.
Ngoài ra, Tùng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ mentee giải quyết một số đầu việc yêu cầu kinh nghiệm, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Ở chiều ngược lại, anh nhờ đối phương nghiên cứu một số vấn đề, đưa ra đánh giá cá nhân, đồng thời nhận xét về các dự án mà Thanh Tùng thực hiện.
“Cho đi là nhận lại. Trong quá trình làm việc, trao đổi, tôi có thể nhận về nhiều ý tưởng trẻ trung, góc nhìn mới mẻ từ bạn”, Tùng nói.