Mặt tối của trào lưu giữ ‘chuỗi lửa’ trên TikTok

Duy trì “chuỗi” khiến người dùng dành nhiều thời gian trên app, lên tới hàng trăm ngày, ngay cả khi không có nhu cầu. Điều này có thể gây nghiện và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý.

cach khoi phuc chuoi tiktok,  giu chuoi tiktok,  chuoi tiktok la gi,  chuoi lua tiktok la,  chuoi keo dai ngay,  an mung chuoi tiktok, mang xa hoi gay nghien, anh 1

Nhiều người liên tục sử dụng các ứng dụng trên điện thoại nhằm giữ chuỗi kéo dài. Ảnh minh họa: @baonam170598.

“Chuỗi tình bạn” trở thành một kiểu “chiến tích” mới của người trẻ thời gian gần đây. Đây thực chất là cách gọi sáng tạo của giới trẻ Việt dựa trên “Chuỗi” (Streak), một tính năng mới được TikTok triển khai vào mùa hè này, dùng để đếm số ngày tin nhắn liên tiếp giữa các người dùng với nhau.

Trên các trang mạng xã hội, trào lưu đăng bài khoe số lượng “đốm lửa”, thúc giục bạn bè “giữ chuỗi”, hay những câu đùa như “Lửa tắt, tình tan”, “Mất chuỗi là mất tình bạn” thu hút sự quan tâm. Một số người còn ví von đây là “thước đo tình bạn/tình yêu”, và bày tỏ sự buồn bã hoặc tức giận nếu “chuỗi” bị ngắt quãng.

Để duy trì “chuỗi” càng lâu càng tốt, người dùng phải duy trì tương tác qua lại với nhau hàng ngày, đòi hỏi sử dụng nền tảng này với tần suất đều đặn. Điều này làm dấy lên lo ngại về vấn đề sức khỏe tinh thần của người dùng, đặc biệt là Gen Z (sinh năm 1997-2012) và Gen Alpha (2012-2024), vốn là nhóm người dùng chính của TikTok.

Tích cực nhưng gây nghiện

Theo thông tin từ Trung tâm Trợ giúp của TikTok, “chuỗi” (streak) giúp theo dõi những người mà chúng ta nhắn tin nhiều nhất trên ứng dụng này. Huy hiệu “chuỗi”, được hiển thị dưới hình dạng đốm lửa, sẽ xuất hiện khi một tài khoản nhắn tin với tài khoản khác trong 3 ngày liên tiếp. Số lượng đốm lửa sẽ tăng lên khi chuỗi tin nhắn được duy trì mỗi ngày.

Trước khi hết ngày, nếu đôi bên không nhắn tin qua lại cho nhau, huy hiệu sẽ chuyển sang màu xám. Và sau 24 giờ mà không có tương tác mới, huy hiệu này sẽ biến mất. Nền tảng gần đây đã cung cấp tính năng khôi phục “chuỗi” đã hết hạn, song tính năng này hiện chưa được triển khai ở mọi nơi.

Thực chất, “chuỗi tình bạn” không phải tính năng hoàn toàn mới, từng xuất hiện trên Snapchat vào năm 2015 và gây bão một thời. Nhiều người tin rằng “chuỗi” đã trôi vào dĩ vãng, song tính năng này bất ngờ được TikTok “hồi sinh” sau gần 10 năm.

Ngoài ra, các ứng dụng smartphone khác, như app học ngoại ngữ Duolingo, ứng dụng theo dõi tập thể dục Strava và nền tảng học trực tuyến Quizlet, cũng áp dụng hệ thống “đếm lửa” nhằm khuyến khích người dùng duy trì thói quen học tập hay tập luyện.

Nhà tâm lý học lâm sàng Anastasia Hronis cho biết việc xây dựng một chuỗi hành động liên tiếp sẽ kích hoạt giải phóng dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khoái cảm, động lực và sự củng cố, The Sydney Morning Herald đưa tin.

“Các ứng dụng có tính năng ‘chuỗi’ có thể giúp mọi người đặt ra và tuân thủ mục tiêu của mình. Chúng chia nhỏ mục tiêu thành các nhiệm vụ để có thể đạt được. Ví dụ, chỉ cần một vài phút sử dụng không tốn nhiều công sức, chúng ta có thể duy trì một ‘chuỗi’ trên Snapchat”, bà chia sẻ.

Dù là ứng dụng mạng xã hội hay chăm sóc sức khỏe, “chuỗi” mang lại cho người dùng cảm giác được khen thưởng và tạo động lực. Sự ủng hộ tích cực này giúp họ cảm thấy tốt hơn về bản thân, cũng như khuyến khích sự phát triển cá nhân để họ trở nên kiên trì với mục tiêu của mình.

Dù vậy, về cơ bản, hoạt động giữ “chuỗi” vẫn là một chiến thuật tiếp thị để người dùng duy trì kết nối với các ứng dụng. Piers Howe, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Melbourne (Australia), cho biết nhiều người duy trì streak để tránh “ngụy biện chi phí chìm” (sunk cost fallacy).

cach khoi phuc chuoi tiktok,  giu chuoi tiktok,  chuoi tiktok la gi,  chuoi lua tiktok la,  chuoi keo dai ngay,  an mung chuoi tiktok, mang xa hoi gay nghien, anh 4

Streak còn khiến mọi người dễ dàng rơi vào áp lực so sánh với thành tích của người khác. Ảnh minh họa: Swipe Insight.

Thuật ngữ này, được phổ biến bởi người từng đoạt Giải Nobel Kinh tế Richard Thaler, dùng để chỉ trạng thái duy trì thực hiện một dự án chỉ vì chúng ta đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức hoặc thời gian vào đó, mặc dù việc tiếp tục không đem lại kết quả tốt.

Dựa trên thuật ngữ này, phó giáo sư Howe giải thích rằng mọi người thường rơi vào bẫy giữ “chuỗi” bởi cảm thấy bị ràng buộc với nỗ lực mình đã bỏ ra, thay vì đánh giá xem liệu những đốm lửa đó còn đáng để theo đuổi hay không.

Điều này giống với việc những người đánh bạc tiếp tục đặt cược, với hy vọng lấy lại số tiền đã mất, ngay cả khi lựa chọn hợp lý nhất lúc đó là dừng lại.

Đó là lý do rất nhiều người “nghiện” xây dựng “chuỗi tình bạn” và trở nên phụ thuộc vào chúng để có cảm giác thành tựu.

Áp lực so sánh

“Việc khiến nhiều người, đặc biệt là người trẻ, duy trì các cuộc trò chuyện mà họ không thể tận hưởng một cách đơn giản chỉ vì sợ mất ‘chuỗi’ là một điều không chỉ tệ, mà còn rất thao túng”, phó giáo sư Howe nói.

Chuỗi khiến việc tập luyện và các hoạt động xã hội trở nên giống như một trò chơi. Thay vì tận hưởng hoặc hưởng lợi ích thực sự, một số người chỉ đơn giản thực hiện một vài nhiệm vụ vì mục đích “giữ lửa”. Ví dụ, có người sử dụng ứng dụng thiền nhưng không thực sự thiền, mà chỉ mở app để tính ngày giữ “chuỗi”.

Tiến sĩ Kiki van Essen, chuyên gia về văn hóa kỹ thuật số tại Mỹ, cho biết việc giữ “chuỗi” nối tiếp này còn gia tăng xu hướng so sánh với người khác. Khi một người chia sẻ streak của mình với bạn bè, chúng còn có thể trở thành một cách để cạnh tranh và cố gắng bắt kịp hoặc vượt qua người khác.

Thêm vào đó, người dùng càng ngày cảm thấy áp lực phải duy trì chuỗi do “guilt marketing” (tiếp thị tội lỗi). Tiêu biểu, Duolingo sẽ thay đổi biểu tượng ứng dụng tùy thuộc vào tần suất sử dụng. Nếu nghỉ học một vài ngày, biểu tượng con cú Duolingo sẽ trông buồn bã, thậm chí tuyệt vọng, khiến người dùng cảm thấy tội lỗi và chọn tiếp tục sử dụng ứng dụng.

Tiến sĩ nói thêm: “Dù là một cách hiệu quả để thu hút mọi người quay lại ứng dụng, chúng cũng có thể khiến người dùng cảm thấy tệ hơn. Khi bỏ lỡ một ngày học trên Duolingo, người dùng có thể cảm thấy như một kẻ thất bại”.

Ngoài ra, tính năng giữ “chuỗi” còn có thể gây ảnh hưởng đến những cá nhân dễ phát triển hành vi thái quá hoặc không lành mạnh. Ví dụ, dù tập thể dục hàng ngày có thể có lợi, một người mắc chứng chán ăn có thể cảm thấy bị áp lực bởi những lời nhắc nhở liên tục. Hậu quả, họ dễ thực hiện các có những hành vi có hại để duy trì chuỗi tập luyện.

Andrew Campbell, Phó giáo sư về tâm lý học mạng tại Đại học Sydney (Australia), nhấn mạnh việc giữ cân bằng khi sử dụng các ứng dụng có tính năng chuỗi này.

Ông khuyên nên đặt ra các mục tiêu thực tế, mang tính cá nhân và tập trung vào mục đích rèn luyện thực sự của bản thân. Bằng cách làm như vậy và tránh so sánh với người khác, người dùng có thể sử dụng dữ liệu chuỗi hiệu quả để theo dõi và ăn mừng những thành tích của mình.


Cùng chuyên mục