“Ở đây người ta tin rằng mỗi người đàn ông đều có 3 trái tim. Một cái ở miệng cho cả thế giới biết. Một cái ở lồng ngực dành cho những người thân cận. Và một cái được chôn sâu trong lòng không ai hay. Đó là cái ông ta phải giấu kỹ nếu muốn sinh tồn”.
Đây là một câu thoại đã lột tả chính xác những gì diễn ra trong Shogun – tác phẩm truyền hình mới đây đã làm nên lịch sử với 18 giải Emmy.
Trái tim ở miệng là danh dự, rằng mỗi lời người Nhật nói ra sẽ gắn liền với sinh mệnh của họ. Trái tim thứ hai tượng trưng cho tấm lòng hiệp nghĩa. Cuối cùng, trái tim ở nơi sâu thẳm nhất, và cũng cần phải chôn giấu kỹ nhất, đại diện cho tham vọng.
Một tác phẩm lịch sử, chính kịch có tầm vóc
Shogun lấy mốc thời gian vào những năm 1600. Đây là một giai đoạn đầy nhiễu nhương của Nhật Bản, khi thế tử còn quá nhỏ để kế vị và quyền lực đang nằm trong tay một hội nhiếp chính gồm 5 vị đại lãnh chúa.
Bên cạnh đó, giai đoạn này còn đánh dấu việc đất nước mặt trời mọc bị xâu xé bởi các thế lực bên kia đại dương. Người Bồ Đào Nha đã sớm thâm nhập vào Nhật thông qua việc truyền bá Công giáo. Người Anh cũng muốn được chia phần tại mảnh đất béo bở này, khi đã cử đại diện đến đây truyền bá đạo Tin Lành.
Qua đó, Shogun vẽ nên một bức tranh vô cùng phức tạp, với những cuộc đấu tranh chính trị, những xung đột tôn giáo, và có cả những khác biệt về văn hóa.
Chuyện phim mở ra khi một chiếc tàu của phương Tây trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản. Tất cả những người trên tàu đều thiệt mạng, duy chỉ có John Blackthorne – một kẻ truyền đạo Tin Lành đến từ Anh quốc sống sót. Dù thoát chết, song hắn lại bị cuốn vào những màn đấu đá chính trị tại đất nước mặt trời mọc, phục vụ dưới trướng của lãnh chúa Toranaga – một trong 5 nhiếp chính.
Shogun đạt điểm gần như tuyệt đối (99%) từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes và 9,2/10 trên IMDb. |
Toranaga cần kiến thức của John Blackthorne để phục vụ cho những tham vọng của bản thân, cần súng thần công của người phương Tây, và cũng cần một quân cờ tôn giáo để đối chọi lại việc Công giáo và người Bồ Đào Nha ngày càng bành trướng tại Nhật Bản.
Không mang nặng tư tưởng Eurocentrism (chủ nghĩa trọng Âu) thường thấy như các phim có motif tương tự, khi để một người phương Tây đến “khai sáng” cho những nền văn hóa khác. Ngược lại, chính những nét đặc trưng trong văn hóa và tinh thần Nhật Bản đã thay đổi hoàn toàn John Blackthorne. Đây có lẽ là một trong những lý do giúp phim được đón nhận rộng rãi, khi đã tránh khỏi những lối mòn thường thấy.
Shogun cũng khác biệt với phần lớn những phim chiến tranh khác. Tác phẩm không có nhiều phân đoạn dấy binh chinh phạt, cũng ít có những màn chiến đấu ác liệt. Bộ phim mang nặng không khí chính kịch, với những âm mưu chính trị, những gã đàn ông thích thao túng người khác, và cả những màn đấu trí cực kỳ căng thẳng.
Để rồi đến cuối phim, khi người ta tưởng cuộc chiến chỉ mới bắt đầu thì thực ra, nó đã kết thúc. Có thể thấy, hầu hết người lựa chọn chia sẻ trái tim thứ ba của mình – thứ đáng lẽ phải được cất giấu kỹ nhất, đều có một kết cục bi thảm. Và lãnh chúa Toranaga – kẻ đến cuối cùng không ai có thể nhìn thấu, đã nắm chắc phần thắng dù máu vẫn chưa kịp đổ trên chiến trường.
“Hoa anh đào” Anna Sawai gây ấn tượng
Tại lễ trao giải Emmy vừa qua, Shogun đã làm nên lịch sử với 18 chiến thắng. Trong thành công lịch sử đó, đóng góp của “Hoa Anh đào” Anna Sawai không hề nhỏ. Trong phim, diễn viên gốc Nhật vào vai Lady Mariko, một nữ nhân có nội tâm đầy phức tạp song cũng vô cùng thông minh và dũng cảm.
Màn trình diễn của Anna Sawai được đánh giá là xuất sắc, qua đó đưa cô trở thành nữ diễn viên gốc Á đầu tiên giành Emmy ở hạng mục Nữ diễn viên chính phim truyền hình.
Sự phức tạp của Lady Mariko không chỉ ở nội tâm, mà còn là trong quan điểm, đức tin, và cả hoàn cảnh gia đình. Từ đó, nhân vật đòi hỏi cao ở người diễn viên về kỹ nghệ diễn xuất.
Mariko cùng lãnh chúa Toranaga. |
Mariko là người cuối cùng trong một dòng họ quý tộc đã bị thất sủng, bởi cha cô đã ra tay ám sát vị lãnh chúa mà ông phục vụ. Để rồi từ đó, nhân vật mang trong mình nỗi mặc cảm lớn lao, chỉ mong được chết để thoát khỏi bóng ma quá khứ.
Hôn nhân của Mariko với người chồng hiện tại cũng được xây dựng dựa trên sự thù hận. Gã quý tộc Nhật Bản với danh dự cao ngút trời đã luôn khinh miệt cô và gia đình cô. Hắn đày đọa tinh thần cô ngày qua ngày, dẫu Mariko đã luôn cầu xin được ban cho cái chết.
Cuối cùng, việc phụng sự trở thành mục tiêu sống duy nhất của nhân vật. Mariko như là một sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Cô vừa phục vụ cho Toranaga – vị lãnh chúa của mình, vừa là một tín đồ ngoan đạo.
Cái hay của nhân vật ở chỗ, dù số phận của Mariko đã luôn nằm trong tay những gã nam nhân, song bằng phẩm chất cá nhân kiệt xuất, cô vẫn có thể hoàn thành những tâm nguyện của bản thân song song với việc phụng sự cho những lời thề.
Hình ảnh cô gái cầm cây trường đao Naginata đối diện với hàng chục tên nam tử là một khoảnh khắc khó có thể quên của Shogun. Bởi lẽ, nó đã nói lên hành trình của Mariko – một nữ nhân can trường bất khuất, sẵn sàng chết vì lời thề và những người cô yêu thương.
Một trong những phân cảnh ấn tượng nhất của Mariko trong Shogun. |
Và chính cái chết của Mariko là bước ngoặt của cuộc chiến, khi nó đã khiến phu nhân Ochiba – người phụ nữ quyền lực nhất vương quốc đứng về phe Toranaga, từ đó giúp vị lãnh chúa mà Mariko phục vụ nắm chắc phần thắng trong cuộc chiến.
Nhân vật Mariko có thể xem là vai diễn xuất sắc trong sự nghiệp của Anna Sawai. Nữ diễn viên đã đem sự phức tạp của nhân vật đến gần khán giả, cái sâu thẳm mà chỉ có thể cảm nhận được chứ không cách nào hiểu rõ tường tận.
Trước đó, minh tinh gốc Nhật Bản cũng đã có những màn trình diễn tương đối ấn tượng trong series Pachinko (2022) và Fast & Furious 9 (2021). Song, Shogun mới là tác phẩm nâng tầm Anna Sawai, đánh dấu cô như một trong những cái tên sáng giá tại Hollywood.