Nhiều người trẻ hiện ưa chuộng miếng dán mụn màu sắc, đa hình thù hơn là những loại trong suốt truyền thống. Ảnh minh họa: @delliagraceb. |
Miếng dán mụn là sản phẩm bao bọc các nốt mụn trên da, giúp giảm đau và sưng tấy cũng như bảo vệ mụn khỏi các tác nhân ô nhiễm trong môi trường.
Hiện nay, không chỉ là những miếng dán tròn màu da, sản phẩm dán mụn còn được phát triển thành nhiều hình dáng như trái tim, ngôi sao… và có nhiều màu săsc. Chúng trở nên phổ biến hơn nhờ được các phương tiện truyền thông xã hội, cũng như những nhân vật có ảnh hưởng lăng xê.
Ngay cả những ngôi sao nổi tiếng, như diễn viên Florence Pugh, Anne Hathaway hay cặp vợ chồng Justin và Hailey Bieber, cũng từng xuất hiện với những miếng dán mụn bắt mắt, khiến chúng nhanh chóng trở thành xu hướng làm đẹp thịnh hành, theo SCMP.
Miếng dán mụn ngày càng trở nên bắt mắt và thời trang. Ảnh minh họa: @starface. |
Thời của miếng dán mụn ngôi sao
Nổi bật nhất, có thể kể đến miếng dán mụn của thương hiệu Starface, ra mắt vào tháng 9/2019. Chúng nhanh chóng trở thành một sản phẩm thời trang được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội.
Được thành lập bởi cựu biên tập viên làm đẹp Julie Schott, Starface theo đuổi các xu hướng chăm sóc da một cách tích cực, với những miếng dán hình ngôi sao màu sắc nổi bật hẳn so với các loại dán trong suốt truyền thống.
Hãng đã thành công trong việc khai thác thị trường Gen Z bằng cách tận dụng phương tiện truyền thông xã hội và quảng bá thông điệp “chấp nhận bản thân”.
Miếng dán mụn Starface không mất lâu để trở thành sản phẩm chăm sóc da được người tiêu dùng trẻ tuổi yêu thích, những người đánh giá cao cả hiệu quả và tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Hai diễn viên Anne Hathaway và Florence Pugh đăng tải hình ảnh có dùng miếng dán mụn hình ngôi sao lên trang mạng xã hội của mình. Ảnh: @annehathaway, @florencepugh. |
Trong khi đó, các miếng dán hydrocolloid truyền thống trong suốt, như miếng dán từ thương hiệu CosRX, vẫn được ưa chuộng như một lựa chọn tinh tế hơn để điều trị mụn đầu trắng và mụn viêm.
Trong khi đó, miếng dán vi kim (microneedle patches) là một lựa chọn tiên tiến hơn. Chúng có các kim nhỏ, không gây đau, có thể đưa trực tiếp các thành phần hoạt tính vào da.
Bộ miếng dán của ZitSticka cũng là một lựa chọn phổ biến trong danh mục này với các thành phần như axit hyaluronic và axit salicylic để nhắm vào mụn nang sâu hơn. Chúng có thể thâm nhập vào bề mặt da để đưa điều trị lõi của vết thâm mụn hiệu quả hơn.
Ngoài ra, miếng dán chữa mụn Rael’s Acne Healing Patch có chứa tinh dầu cây trà và cúc vạn thọ, có đặc tính kháng khuẩn và làm dịu. Miếng dán chữa mụn Peace Out’s Acne Healing Dots kết hợp axit salicylic, vitamin A và lô hội không chỉ giải quyết mụn mà còn hỗ trợ tái tạo da và giảm viêm.
Miếng dán mụn giúp mụn lành nhanh hơn. Ảnh minh họa: Skin Software. |
Xuất phát là sản phẩm y tế
Miếng dán mụn thực chất có nguồn gốc từ lĩnh vực y tế nơi băng hydrocolloid ban đầu được sử dụng để điều trị vết thương. Chúng hoạt động bằng cách tạo ra môi trường ẩm giúp chữa lành và giảm sẹo.
Không lâu sau, các chuyên gia trong ngành làm đẹp nhận thấy tiềm năng của băng hydrocolloid trong việc điều trị mụn trứng cá, và miếng dán mụn đã ra đời.
Ahmad Chaudhry, bác sĩ da liễu tại phòng thí nghiệm Scandinavian Biolabs có trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch), cho biết hydrocolloid tạo thành một chất tương tự gel khi tiếp xúc với chất lỏng (dầu thừa, dịch mụn) từ mụn.
Gel này giúp bảo vệ mụn khỏi bị kích ứng thêm và đẩy nhanh quá trình chữa lành. Bên cạnh đó, nhờ có miếng dán, người dùng cũng hạn chế lấy tay tiếp xúc hay nặn mụn.
Cách sử dụng miếng dán mụn cũng rất đơn giản. Đầu tiên, da mặt cần sạch sẽ và khô thoáng để sản phẩm bám chặt, hạn chế trượt hoặc rơi ra, Denisse Serrano, trợ lý bác sĩ, cho hay.
Tiếp đó, chúng ta đặt miếng dán trực tiếp lên vết mụn rồi ấn nhẹ để chúng cố định tại chỗ. Để nguyên miếng dán trong vài tiếng hoặc qua đêm để phát huy tác dụng sau đó mọi người có thể lột bỏ.
Cặp vợ chồng nổi tiếng Justin và Hailey Bieber cùng dán miếng dán mụn hình ngôi sao ra đường. Ảnh: BACKGRID, Thecelebrityfinder/MEGA. |
Với những ai thường xuyên trang điểm, miếng dán mụn vẫn có thể được sử dụng bình thường sau bước kem lót. Tuy nhiên, họ nên tiếp tục các bước trang điểm còn lại một cách nhẹ nhàng để tránh làm bong sản phẩm.
Bác sĩ Chaudhry lưu ý rằng thời điểm dùng miếng dán mụn là yếu tố quyết định hiệu quả trị mụn. Nhiều người mắc sai lầm xài sản phẩm quá muộn khi mụn đã vỡ hoặc bắt đầu lành. Ngoài ra, ông cảnh báo rằng miếng dán mụn không nên dùng trên vết thương hở hoặc mụn nhọt bị vỡ vì có thể làm chậm quá trình lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Miếng dán mụn có hiệu quả nhất khi sử dụng trên các nốt mụn đã thấy đầu mủ. Ông cũng khuyên không nên để miếng dán quá lâu vì điều này có thể dẫn đến kích ứng da hoặc khô da. Miếng dán mụn nên được để trong khoảng sáu đến tám tiếng là lý tưởng nhất.