Gen Z cần cân bằng tâm trạng để tránh cảm giác sợ hãi khi cuối tuần kết thúc. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi Talker Research và Pacific Foods với 2.000 ứng viên ở Mỹ, “nỗi sợ Chủ nhật” là cảm giác quen thuộc. Trong đó, Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) là thế hệ chịu đựng cảm giác này một cách nặng nề nhất.
74% Gen Z trải qua cảm giác này ít nhất một lần/tháng. Đây là tỷ lệ cao hơn tất cả nhóm tuổi khác. “Nỗi sợ Chủ nhật” là cụm từ quen thuộc, chỉ cảm giác lo lắng, bồn chồn khi cuối tuần kết thúc, theo Newsweek.
Nhiều Gen Z thường xuyên phải đối mặt với “nỗi sợ Chủ nhật”, lo lắng, bồn chồn khi thời gian nghỉ ngơi kết thúc, chưa sẵn sàng bắt đầu tuần mới. Ảnh minh hoạ: Pexels/Cottonbro Studio. |
Sợ Chủ nhật từ 6h
Theo khảo sát, “nỗi sợ Chủ nhật” thường bắt đầu vào khoảng gần 16h.
Tuy nhiên, đối với Gen Z, cảm giác này xuất hiện sớm hơn. Thậm chí, 10% người thuộc nhóm tuổi trên bắt đầu lo lắng, bất an từ 6h ngày Chủ Nhật.
Đây là tình trạng hoàn toàn khác biệt so với thế hệ Baby Boomers (sinh từ năm 1946-1964). 75% người thuộc thế hệ này hiếm khi, thậm chí không bao giờ trải qua sự bồn chồn vào cuối tuần.
“Nỗi sợ Chủ nhật” bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Khảo sát cho biết 33% Gen Z cảm thấy căng thẳng khi nghĩ đến những nhiệm vụ cần hoàn thành trước mắt.
28% lại lo lắng vì diễn biến khó lường của tuần tới. Đáng chú ý, 42% người trẻ sinh sau năm 1997 áp lực hoàn thành công việc trước khi tuần mới bắt đầu, từ đó nảy sinh cảm giác bồn chồn, sốt ruột.
20% Gen Z tham gia khảo sát thừa nhận cảm thấy kiệt sức, thiếu ngủ, cần nghỉ ngơi. 18% đơn thuần chưa sẵn sàng cho tuần mới. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở tất cả thế hệ tham gia khảo sát.
Dù có nguyên nhân khác nhau, phần lớn Gen Z đều phải đối mặt với nỗi sợ cuối tuần kết thúc thường xuyên. Đây là vấn đề đáng lo ngại với sức khỏe tinh thần của người trẻ, cần biện pháp cải thiện, khắc phục rõ ràng.
Giữ tâm lý bình tĩnh, dành thời gian suy ngẫm, chủ động kiểm soát thời gian biểu là lời khuyên của chuyên gia trong việc đối phó với “nỗi sợ Chủ Nhật”. Ảnh minh hoạ: Pexels/Cottonbro Studio. |
Đối phó với ‘nỗi sợ Chủ nhật’
Nhà trị liệu tâm lý Brooke Sprowl, người sáng lập My LA Therapy (Mỹ), cho biết “nỗi sợ Chủ nhật” liên quan đến sự chuyển đổi đột ngột từ cuối tuần thảnh thơi sang những ngày làm việc đầy căng thẳng, áp lực.
Theo Brooke Sprowl, cách hiệu quả nhất để chống lại cảm giác này là rèn luyện sự bình tĩnh, giữ tâm lý thăng bằng, tránh đẩy các cảm xúc vui, buồn lên đến cao trào trong cuối tuần.
“Thay vì coi Chủ nhật là sự kết thúc của thời gian nghỉ ngơi, bạn có thể chuẩn bị tinh thần cho tuần tới một cách nhẹ nhàng, đặt ra những mục tiêu nhỏ, đơn giản, dễ thực hiện hoặc tạo không gian để suy ngẫm”, Sprowl nói.
Để Chủ nhật bớt gây ra cảm giác sợ hãi, việc cần làm là dần chuyển trạng thái lo lắng sang tâm lý sẵn sàng, chủ động kiểm soát thời gian biểu cá nhân.
Để đối phó với “nỗi sợ Chủ nhật”, Gen Z có nhiều cơ chế phản kháng khác nhau, bao gồm nghe nhạc, xem phim và chơi game để thư giãn.
Mặc dù tạo ra cảm giác khó chịu, trạng này này không hoàn toàn phá hỏng cuối tuần của thế hệ này. 55% Gen Z cho biết vẫn yêu thích ngày Chủ nhật.
Tuy nhiên, tỷ lệ yêu thích này thấp hơn hẳn các thế hệ khác, bao gồm Millennials, X và Baby Boomers. Ứng viên ở các nhóm tuổi trên đều cho thấy sự thích thú với ngày cuối tuần này nhiều hơn Gen Z.