Chi phí sinh hoạt tăng cao ở TP.HCM ảnh hưởng đến lựa chọn của giới trẻ trong việc hẹn hò. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Minh Nghĩa vừa kết thúc một mối tình 2 năm. Anh và người cũ yêu xa, cách nhau 150 km từ Cần Thơ đến TP.HCM. Dù vậy, cả hai từng rất hạnh phúc. Nghĩa lên thăm người yêu ở TP.HCM mỗi tháng một lần và luôn gọi video khi có thời gian.
Vấn đề chỉ bắt đầu khi Minh Nghĩa hoàn thành việc học ở Cần Thơ và chuyển lên TP.HCM vào đầu năm 2024. Khoảng cách từ 150 km còn 7 km, Nghĩa và người yêu đi chơi thường xuyên hơn. Gặp nhau nhiều hơn nghĩa là tốn tiền nhiều hơn, lương của tháng đầu tiên thử việc cùng số tiền cha mẹ trợ cấp bị Minh Nghĩa tiêu sạch trong 20 ngày.
Áp lực tài chính, anh cáu gắt và thường nổi cáu vô cớ. Cặp đôi chia tay sau 2 tháng yêu gần. Chia sẻ với Tri Thức – Znews, Nghĩa cho biết mình sẽ hạn chế yêu đương đến khi thu nhập dư dả, giúp anh có khả năng lo cho người yêu.
Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy 5 địa phương có mức sinh hoạt cao nhất Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Hải Phòng và Bình Dương. Năm nay, TP.HCM đã vượt qua Quảng Ninh về chi phí sống đắt đỏ.
Không ít cặp đôi ở TP.HCM từ đó cũng bị ảnh hưởng. Có người ngại yêu đương và tập trung vào phát triển bản thân, sự nghiệp. Trong khi đó, một số cặp đôi quyết định dọn về ở cùng nhau để tiết kiệm chi phí thuê nhà, nấu ăn, hẹn hò.
Ngại yêu vì “tình phí” đắt đỏ
Sau nửa năm làm việc, thu nhập của Minh Nghĩa, 23 tuổi, đã tăng gấp đôi so với tháng đầu tiên. Song anh vẫn tránh yêu đương, thậm chí từ chối những lời giới thiệu từ bạn bè.
“Mời bạn ăn tô bún bò, đĩa cơm tấm cũng mất 100.000 đồng, một lần ngồi cà phê cũng 50.000 đồng/người. Nếu yêu nhau, những dịp kỷ niệm hoặc lễ lộc cũng phải tốn thêm cả triệu tiền quà, ăn uống sang trọng”, Minh Nghĩa nhẩm tính chi phí dự kiến nếu hẹn hò ở TP.HCM.
Nghĩa kể anh tiết kiệm được 3 triệu/tháng khi không yêu đương. Anh sẽ dành số tiền này để học Thạc sĩ và tham gia một số khóa học lập trình, kỹ thuật.
Theo khảo sát của Dating.com, 52% người được hỏi đã từ bỏ hẹn hò để tiết kiệm tiền. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Lập trình viên cho biết anh chỉ yêu đương khi thu nhập vượt mốc 20 triệu và hoàn thành chương trình Thạc sĩ. “Đó là lúc tôi có khả năng chăm sóc cho nửa kia”, anh tâm sự. “Nếu dành thời gian yêu đương lúc này, tôi sợ mình không tập trung vào sự nghiệp”.
Tương tự Minh Nghĩa, Hạnh Thảo, 22 tuổi, từ chối lời tỏ tình của không ít chàng trai vì ngại yêu. Cô đang dạy ở một trung tâm ngoại ngữ gần nhà với thu nhập khoảng 6 triệu/tháng.
“Với thu nhập hiện tại, tôi dư dả nhờ ở cùng cha mẹ, không tốn tiền thuê nhà, ăn uống. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa sẵn sàng yêu đương vì chắc chắn 6 triệu/tháng là không đủ để hẹn hò”, Thảo nói thêm cô muốn chia đôi “tình phí” thay vì để bạn trai trả hết.
Theo Hạnh Thảo, ngoài những chi phí về ăn uống, quà tặng người yêu, giới trẻ còn phải chịu những “chi phí chìm” khi bước vào một mối tình. “Tôi có vài mối tình trước khi độc thân như bây giờ. Mỗi khi yêu, tôi sẽ tốn nhiều tiền hơn để trang điểm, mua quần áo mới. Đó là chưa kể hao phí về thời gian nhắn tin, hẹn hò. Và khi cãi nhau với người yêu thì cũng không có hứng làm việc, học tập”, cô nói.
Hạnh Thảo hiện là giáo viên ở một trung tâm tiếng Anh và có thu nhập ổn định. Ảnh: NVCC. |
Minh Nghĩa, Hạnh Thảo không phải là những trường hợp đặc biệt khi muốn phát triển bản thân thay vì yêu đương. Khảo sát vào năm 2022 của ứng dụng hẹn hò Dating.com cũng cho thấy 52% người được hỏi đã từ bỏ hẹn hò để tiết kiệm tiền mua quần áo, xăng xe, đồ ăn và chi tiêu cho phương tiện giao thông.
Khảo sát về xu hướng lựa chọn giá trị sống của thanh niên tại TP.HCM năm 2017 cho thấy tài chính (59%) và tạo dựng sự nghiệp (55%) là hai vấn đề mà giới trẻ quan tâm nhiều nhất. Trong khi đó, chỉ có 14% người được hỏi chú ý đến việc tìm bạn đời.
Góp gạo thổi cơm chung
Sinh hoạt phí ngày càng đắt đỏ cũng ảnh hưởng đến các cặp đôi đang yêu nhau. Một số sớm quyết định “góp gạo thổi cơm chung” để tiết kiệm tiền thuê nhà, chi phí hẹn hò, ăn uống…
Năm 2023, Yến Nhi, nhân viên truyền thông của một công ty ở Tân Bình, và người yêu quyết định dọn về sống chung sau 1 năm hẹn hò. Việc sống chung giúp cặp đôi tiết kiệm ít nhất 2 triệu tiền thuê nhà.
“Chúng mình quyết định dọn về ở chung để tiết kiệm tiền xăng xe. Trước đó mình và yêu người cách nhau đến 20 km. Mỗi lần đi chơi thì bạn trai phải chạy khoảng 50 km, cứ 2 ngày phải đổ xăng một lần. Sau một năm yêu thì chúng mình quyết định dọn về ở chung cho tiết kiệm và được gần nhau”, Yến Nhi chia sẻ.
Nhi cho biết mức sinh hoạt của cô đã giảm từ 8 triệu xuống 6 triệu/tháng từ khi dọn về ở cùng người yêu. Cụ thể, Nhi bớt được tiền thuê nhà, ăn uống, xăng xe nhờ chia đôi các hoá đơn.
Không chỉ “cưa đôi” các loại chi phí, ở chung với người yêu còn giúp Hưng Long, 32 tuổi, và người yêu Thanh Ngân chi tiêu có kế hoạch và tiết kiệm chi phí “hẹn hò vặt”.
Tiếp viên hàng không 32 tuổi cho biết anh có thu nhập ổn định và tương đối cao so với bạn bè. “Ngặt nỗi mình không giỏi tính toán chi tiêu mà dùng tiền với tâm thái có việc là chi. Ở chung với Ngân, mình có thêm một kế toán bất đắc dĩ”, anh vừa nói vừa cười.
Thanh Ngân hiện kinh doanh cửa hàng túi xách trực tuyến đồng thời cùng người yêu sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Cô cho biết cả hai hạn chế những buổi hẹn hò vặt từ khi dọn về sống chung.
“Khi không ở cùng nhau, chúng tôi chỉ có thể gặp mặt trong những buổi hẹn hò. Về ở chung thì cứ đi làm về là gặp nên cả hai chỉ đi chơi trong những ngày kỷ niệm”, cô nói thêm việc này không làm giảm tình cảm mà còn giúp tình yêu thêm mặn nồng vì “chất lượng những buổi hẹn hò tăng đáng kể”.
Cả năm nhân vật trao đổi với Tri Thức – Znews đều xác nhận tình hình kinh tế có ảnh hưởng ít nhiều đến việc yêu đương. Với họ, đây là thử thách cần phải nghiêm túc đối mặt trước khi kết hôn – cột mốc quan trọng của tình yêu.
“Mình cũng sợ kết hôn, sinh con vì chưa đủ khả năng tài chính. Thôi thì cứ tập trung phát triển sự nghiệp rồi mới nghĩ đến yêu đương”, Hạnh Thảo tâm sự.