‘Cú đấm’ của Phúc Du

Trong EP mới nhất “Đăng xuất thằng em yêu”, Phúc Du vẫn có những punchline, chơi chữ ấn tượng, nhưng rõ ràng trọng tâm của sản phẩm không nằm ở ca từ.

Trong giới rap/hiphop từ underground cho đến mainstream, Phúc Du luôn là một cái tên nhận được nhiều sự “kính nể” từ người trong nghề bởi khả năng sử dụng ngôn ngữ ở trình độ rất cao. Kết hợp với màu giọng trầm cực “chiến”, Phúc Du luôn được mệnh danh là “Battle King” của Rap Việt.

Kể từ khi đặt chân vào địa hạt mainstream, Phúc Du đã rũ bỏ bớt những xù xì, thô ráp trong phong cách âm nhạc của mình, thay vào đó là những chủ đề tình yêu nhẹ nhàng, gần gũi hơn. Tuy nhiên, anh vẫn giữ được khả năng chơi chữ, nói lái như một dấu hiệu đặc trưng riêng mà ít ai trong rap Việt có.

Những phép chơi chữ của anh trong bài Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì như “tính anh hiền” – “hiến anh tình”, “gây cho em lú” – “gu cho em lấy” đã tạo được sự chú ý vào thời điểm ca khúc này ra mắt. Nó giúp anh củng cố vững chắc vị thế như là một trong những người dẫn đầu trường phái lyrical tại Vpop.

Tuy nhiên, ở EP Đăng xuất thằng em yêu được Phúc Du phát hành năm nay, mọi thứ đã được thay đổi, không còn một Phúc Du với những ca từ dày đặc vần, chơi chữ nữa, mà để nhiều khoảng thời gian hơn dành cho hook.

Dung lượng ngắn, cắt giảm ca từ

EP Đăng xuất thằng em yêu của Phúc Du có 4 ca khúc, nhưng độ dài chỉ vỏn vẹn có hơn 9 phút. Và trong cả 4 bài này, cũng không có bài nào có dung lượng hơn 3 phút cả. Điều này gần như trái ngược với EP Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì vào năm ngoái, khi có 3 bài nhưng bài nào cũng có độ dài hơn 3 phút 30 giây tiêu chuẩn, khiến cho dù ít hơn một bài nhưng tổng thời lượng của EP này lại dài hơn hẳn EP năm nay.

Việc phát hành album hay EP có dung lượng ngắn, các bài hát đều dưới 3 phút đã không còn là chuyện hiếm gặp, kể từ khi các nền tảng video ngắn trở nên thịnh hành. PinkPantheress hay NewJeans đều đã có những sản phẩm rất thành công bắt kịp theo xu thế này. Tuy nhiên, nếu như điều này áp dụng cho một lyrical rapper, có xuất thân underground như Phúc Du, thì lại là một điều khá lạ lẫm.

Cả 4 bài trong EP này của Phúc Du cũng tập trung vào việc tạo hook dày đặc. Cụ thể, trong bài Đăng xuất thằng em yêu, mỗi đoạn chorus Phúc Du lặp lại cụm từ là tiêu đề bài hát 4 lần, tổng cộng có 3 chorus trong thời lượng vỏn vẹn có 1 phút 46 giây.

Hay Next trên con Lexus có phần tương đồng với Replay với con Guây khi cái tên na ná và cũng có một giọng nữ của Đan Ni tham gia, nhưng Phúc Du dành phần lớn thời lượng chỉ 2 phút của bài để lặp đi lặp lại những âm thanh mô phỏng tiếng xe máy khởi động, thay vì dựng nên một câu chuyện bằng lyrics như bài hit năm 2022.

Tương tự, bài Ngủ đi bạn ơi sở hữu đoạn hook chỉ có đúng 2 câu “Đừng dậy ngủ đi bạn ơi” lặp lại 8 lần và “Việc bạn để tôi giúp hộ/ Tiền bạn để tôi húp hộ” lại lại 4 lần – và đoạn hook này xuất hiện 2 lần trong một dung lượng chưa đến 2 phút 30 giây.

Phúc Du không bỏ hoàn toàn cách viết lời đã làm nên thương hiệu của anh, tuy nhiên anh cũng giảm thiểu đáng kể độ phức tạp, chỉ để lại một vài phép liên tưởng dễ nghe dễ nhớ như “Em như chín cô gái trong một, em là SNSD”, “Cần gì yêu như phông bạt, cứ phải kéo căng lên”. Ngoài ra, Phúc Du vẫn nối dài chiến lược chinh phục mainstream giống như ở EP năm ngoái khi kết hợp với Xuân Ca – một nhà sáng tạo nội dung có độ phổ biến cao – trong ca khúc Vì em điện.

Sự thay đổi của “Battle King”

Phải khẳng định EP Đăng xuất thằng em yêu khác hẳn với Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì, khác từ cách triển khai bài hát, âm thanh, cho đến nội dung bài nhạc và cả dung lượng bài nhạc. Đăng xuất thằng em yêu ngắn hơn hẳn, “ít lời” hơn hẳn, nhưng điều đó không có nghĩa là đây là một sản phẩm có sự thua kém, mà nó cho thấy sự chuyển dịch trong định hướng của Phúc Du.

Rõ ràng, Phúc Du không hề đánh mất mình mặc dù phải triển khai ca từ của mình trong một thời lượng ít hơn khá nhiều. Anh vẫn có thời gian để đưa vào những phép so sánh, liên tưởng rất đậm chất Phúc Du mà ít có rapper nào sở hữu sự nhạy bén về ngôn ngữ tương tự với anh trong rap Việt. Chất giọng trầm cực “chiến” của anh vẫn không có sự thay đổi nhiều so với giai đoạn rap battle no beat làm nên tên tuổi của anh trong giới underground. Tuy nhiên, vì sự thay đổi trong chất liệu âm nhạc nên mọi thế mạnh của Phúc Du đều có sự điều chỉnh cần thiết cho phù hợp.

Không còn DuongK đảm nhiệm phần sản xuất nữa, người nắm giữ công việc xây dựng âm thanh cho EP lần này của Phúc Du là Kriss Ngo và CM1X. Đây không phải là những producer quá mới, họ đều đã tạo được tiếng tăm cho mình trong giới EDM/electronic trong những năm qua tại nhạc Việt, nhưng chưa thực sự phổ biến với công chúng.

Tham gia sản xuất cho Phúc Du, cả hai đều lựa chọn những âm thanh trầm, dày bass đóng vai trò chính. Nếu Kriss Ngo xây dựng bầu âm thanh cực “chiến” với những âm thanh nghiêng về trap, drill thì CM1X trong Ngủ đi bạn ơi lại làm dịu lại bầu không gian với EDM và những tiếng huýt sáo dễ nghe.

Phúc Du cũng thường được xem là một rapper quá tập trung vào mảng lyrics mà việc triển khai melody, hook không phải thế mạnh. Ở EP năm ngoái, tuy chỉ có 3 ca khúc nhưng Phúc Du phải cần 2 ca sĩ khách mời để thể hiện đoạn chorus cũng là hook của bài, anh chỉ tự mình thể hiện ca khúc Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì, nhưng cách anh trình bày phần melody còn nhiều gượng gạo.

Tuy nhiên, ở EP Đăng xuất thằng em yêu, Phúc Du đã có sự cải thiện đáng kể. Ngay cả ở hai ca khúc có thêm giọng nữ khách mời, phân đoạn bắt tai nhất của bài vẫn là do Phúc Du thể hiện. Việc lặp đi lặp lại chỉ 1-2 câu trong một dung lượng quá ngắn khiến cho các ca khúc không có được chiều sâu mà một lyrical rapper hay thể hiện, nhưng nó lại khiến các ca khúc bắt tai hơn và có thể đưa Phúc Du tới gần với đại chúng hơn.

Nhiều khán giả yêu thích Phúc Du từ những ngày đầu tiên có thể không thích sản phẩm mới này của anh, bởi anh đã có nhiều thay đổi đáng kể so với phong cách âm nhạc thường thấy của mình.

Tuy nhiên, trong EP này, Phúc Du đã làm được một điều mà ít lyrical rapper nào dám làm: Thử sức với việc viết lời ngắn, tập trung vào tạo hook, nhưng vẫn giữ được đặc trưng trong cách viết lời ở những thời điểm cần thiết. Anh vẫn là một lyricist hàng đầu của rap Việt, nhưng nay đã “tu luyện” thêm kỹ năng tạo hook không phải dạng vừa.


Cùng chuyên mục