Thế hệ quan tâm môi trường nhưng ‘nghiện’ thời trang nhanh

Dù ủng hộ thời trang bền vững, Gen Z Hà Lan vẫn bị thu hút bởi sự hấp dẫn của thời trang nhanh giá rẻ, đặc biệt là từ các nền tảng như Shein và Temu.

Trên thực tế, nhiều người trẻ vẫn tiếp tục lựa chọn thời trang nhanh, bất chấp những lo ngại về tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh minh họa: @shein_vn.

Vừa qua, một loạt cửa hàng pop-up đã xuất hiện tại các thành phố lớn của Hà Lan như Arnhem, Utrecht và Rotterdam. Những cửa hàng này ngay lập tức thu hút sự chú ý bởi các mặt hàng quần áo với mức giá rẻ đến khó tin.

Tuy nhiên, “cơn sốt” nhanh chóng chuyển thành làn sóng phản đối khi các cửa hàng này bị cho là giả mạo thương hiệu Shein, “ông lớn” thời trang nhanh đến từ Trung Quốc. Shein vốn tai tiếng với những bê bối về vi phạm nhân quyền và ô nhiễm môi trường.

Mặc cho những chỉ trích, sức hút từ mức giá rẻ vẫn khiến người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, đổ xô đến các cửa hàng này, theo ghi nhận của tờ NRC (Hà Lan) ngày 23/10.

Thực trạng này cho thấy một nghịch lý trong thói quen tiêu dùng của giới trẻ hiện đại: một mặt đề cao trách nhiệm xã hội với thời trang bền vững, mặt khác lại dễ dàng bị “hạ gục” bởi các thương hiệu thời trang siêu nhanh như Shein hay Temu, theo Fashion United UK.

thoi trang nhanh,  Shein,  Temu,  Gen Z Ha Lan,  thoi trang ben vung,  tranh cai thoi trang anh 1

Shein hiện là một trong những thương hiệu thời trang nhanh phổ biến nhất trên thế giới. Ảnh: Shein.

Tiêu dùng xanh vẫn ‘nghiện’ thời trang nhanh

Nghiên cứu của ThredUp vào năm 2022 đã chỉ ra rằng 72% sinh viên đại học đã mua sắm thời trang nhanh trong năm trước đó. Hơn 2/5 trong số họ cho biết mua quần áo cho những sự kiện mà có thể chỉ mặc một lần. 50% sinh viên thường xuyên xem các video “đập hộp” thời trang nhanh trên mạng xã hội hàng tuần và 40% thường xuyên truy cập các trang web thời trang nhanh hàng ngày.

Giới trẻ luôn chịu áp lực phải ăn mặc thời thượng, đặc biệt là trong bối cảnh các nền tảng trực tuyến ngày càng phát triển. Xu hướng “outfit of the day” trên Instagram hay những trào lưu biến đổi không ngừng trên TikTok khiến giới trẻ luôn phải chạy theo để bắt kịp.

thoi trang nhanh,  Shein,  Temu,  Gen Z Ha Lan,  thoi trang ben vung,  tranh cai thoi trang anh 2

Ngành công nghiệp thời trang nhanh đang khiến người tiêu dùng khó xây dựng một tủ đồ bền vững hơn. Ảnh minh họa: Shein.

Nắm bắt được tâm lý này, Shein và Temu đã tận dụng triệt để các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị và giảm giá hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng tiềm năng. Lời hứa hẹn về một tủ đồ thời thượng mà không tốn kém đã “đốn gục” không ít người trẻ.

Không có gì ngạc nhiên khi những “ông lớn” Trung Quốc này lại có sức hút mạnh mẽ đến vậy. Hiện tại, Shein là một trong những nền tảng thời trang phổ biến nhất trên thế giới.

Hành trình dài của thời trang bền vững

Một nghiên cứu gần đây của Zimand-Sheiner và Lissitsa (2024), hai tác giả của một nghiên cứu về ý định mua hàng của thế hệ Z sau khi nhận được thông tin tiêu cực về môi trường, đã mang đến tia hy vọng cho những người ủng hộ thời trang bền vững. Nghiên cứu cho thấy sau khi đọc những thông tin tiêu cực về tác động môi trường của Shein, người trẻ có xu hướng “quay lưng” với thương hiệu này.

Điều này chứng tỏ tính minh bạch và thông tin đáng tin cậy về tác động của thời trang nhanh là rất quan trọng để giúp giới trẻ đưa ra những lựa chọn có ý thức hơn.

Tuy nhiên, thời trang luôn tồn tại những nghịch lý. Bên cạnh cuộc chiến giữa “bền vững” và “nhanh”, ta còn thấy những mâu thuẫn khác như “cá tính” và “đồng phục”, “sáng tạo” và “thương mại”, “tối giản” và “thừa thãi”.

thoi trang nhanh,  Shein,  Temu,  Gen Z Ha Lan,  thoi trang ben vung,  tranh cai thoi trang anh 3

Việc liên tục lăng xê các xu hướng mới và khuyến khích mua sắm quần áo mới đang là chiến lược chủ đạo của ngành công nghiệp thời trang nhanh. Ảnh minh họa: @shein_vn.

Ellen Haeser, chuyên gia thời trang và giảng viên người Hà Lan, nhận thấy nhận thức xã hội về thời trang bền vững đang ngày càng tăng, nhưng “chúng ta cần kiên nhẫn”.

Gần đây, bà đã hỏi các sinh viên của mình rằng liệu họ có sẵn sàng giảm một nửa tủ quần áo của mình nếu nửa còn lại bao gồm những món đồ chất lượng, tốt và có thể mặc trong nhiều năm hay không. Chỉ có 2 trong số 20 sinh viên trả lời có. Những người còn lại lo ngại về việc thiếu sự đa dạng trong trang phục và cảm thấy nhàm chán.

Trong các cuộc thảo luận tại Tuần lễ Thiết kế Hà Lan vừa qua, câu hỏi tương tự cũng được đặt ra và nhận được những câu trả lời tương tự.

“Đối với một số chuyên gia thời trang, đây là một phát hiện đáng chú ý, cho thấy sự khác biệt lớn về nhận thức về tính bền vững giữa ‘bong bóng’ ngành thời trang và những người khác”, Haeser nói.

Tóm lại, tính minh bạch và giáo dục chắc chắn là rất quan trọng. Người tiêu dùng cần được cung cấp đầy đủ thông tin về tác động của thời trang nhanh để có thể đưa ra những lựa chọn thông thái hơn.

Tuy nhiên, nhận thức thôi thì chưa đủ. Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi khi chúng ta thay đổi hành vi tiêu dùng. Nói cách khác, nhận thức phải được chuyển thành hành động.

Rõ ràng, cuộc chiến giữa thời trang nhanh và tính bền vững, giữa tiêu dùng và trách nhiệm sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Đây là một thách thức lớn mà ngành thời trang cần phải vượt qua để hướng đến một tương lai bền vững hơn.


Cùng chuyên mục