Nhiều nhân viên văn phòng Trung Quốc chia sẻ hình ảnh mặc trang phục “xấu xí” khi đi làm trên mạng xã hội. Ảnh: The New York Times. |
Vào tháng 12, khi thời tiết trở lạnh, Cindy Luo (30 tuổi, Hồ Bắc, Trung Quốc) mặc đồ ngủ ấm áp kết hợp với áo hoodie đến công sở, vẻ ngoài trông cô như vừa mới lăn ra khỏi giường.
“Tôi chỉ muốn mặc những gì mình thích. Tôi không nghĩ việc tốn tiền ăn mặc đẹp để ngồi cả ngày ở văn phòng là cần thiết”, nhà thiết kế nội thất chia sẻ.
Không riêng Luo, hàng nghìn nhân viên trẻ tuổi tại Trung Quốc đang tham gia trào lưu “mặc xấu” này. Các nhân viên văn phòng tự hào đăng ảnh đi làm với áo liền quần, quần thể thao và dép xỏ ngón đi kèm tất, lên các nền tảng mạng xã hội khác nhau, The New York Times đưa tin.
Người dùng Kendou S- chia sẻ trong video trang phục bị gọi là “thô kệch” khi đi làm của mình. Ảnh: Kendou S-. |
Trào lưu mặc xấu
Trên ứng dụng Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), video của người dùng Kendou S- chia sẻ outfit đi làm, gồm váy len dài màu nâu kết hợp với quần pajama họa tiết caro, khoác ngoài áo khoác nhẹ màu hồng và đi dép bông.
Trong video, Kendou S- cho biết sếp của cô nhiều lần phàn nàn rằng trang phục của cô quá “thô kệch”, yêu cầu cô ăn mặc lịch sự hơn “để giữ hình ảnh cho công ty.”
Đoạn video đã nhanh chóng nổi tiếng, nhận được hơn 735.000 lượt thích và 1,4 triệu lượt chia sẻ. Hashtag “gross outfits at work” (tạm dịch: “trang phục đi làm xấu xí”) lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, tạo nên một cuộc thi xem ai là người có bộ đồ đi làm “xấu” nhất.
Trên Weibo, chủ đề này đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem, làm dấy lên cuộc thảo luận về lý do tại sao giới trẻ ngày nay không muốn “mặc đẹp” đi làm.
“Đó là sự tiến bộ của thời đại”, Xiao Xueping, nhà tâm lý học ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết. Theo cô, giới trẻ Trung Quốc lớn lên trong một môi trường cởi mở hơn so với các thế hệ trước, họ ưu tiên cảm nhận cá nhân và thoải mái thể hiện bản thân.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng đây có thể là một hình thức phản kháng mang tính xây dựng. Giới trẻ vẫn hoàn thành công việc, đồng thời thể hiện mong muốn được thoải mái và tự do hơn. Điều này cũng phản ánh tình trạng một quốc gia khi đạt đến mức độ thịnh vượng cao hơn sẽ có sự thay đổi về giá trị và ưu tiên.
Nhà thiết kế nội thất Cindy Luo đang làm việc tại văn phòng trong bộ đồ ngủ. Ảnh: Dundun. |
“Mặc đẹp để làm gì?”
Đối với phiên dịch viên Joanna Chen (32 tuổi), sự thoải mái là ưu tiên hàng đầu.
Lựa chọn cho mình một outfit phong cách “bà ngoại”, Chen mặc outfit áo khoác phao dài màu vàng, đội mũ len trắng che kín tai, đi kèm với bộ bọc tay áo màu xanh và be không đồng nhất có hình bò. Bên dưới là quần đe, đi cùng đôi giày lông thú và tất kẻ caro hồng xanh.
Chen thừa nhận bộ trang phục này không hợp thời trang, nhưng cô không quan tâm vì nó thoải mái, quan trọng hơn cả, mỗi món đồ đều có ý nghĩa đặc biệt với Chen.
Bộ bọc tay áo do bà ngoại cô làm, áo len được mẹ truyền lại, còn chiếc mũ từng thuộc về con trai cô. Nhân viên phiên dịch chia sẻ sếp cô từng yêu cầu mặc thứ gì đó nữ tính và “đàng hoàng” hơn đến văn phòng, nhưng cô đã phớt lờ yêu cầu đó.
Trải qua nhiều năm phong tỏa, cách ly và nỗi sợ nhiễm bệnh trong đại dịch, giờ đây, những gì Chen mong muốn là được sống trong hiện tại với một công việc ổn định và cuộc sống bình yên. Cô không quan tâm đến việc thăng chức hay thăng tiến.
“Hãy sống vui vẻ mỗi ngày và đừng áp đặt mọi thứ lên bản thân”, cô nói.
Đối với Jessica Jiang (36 tuổi), nhân viên bán hàng thương mại điện tử tại một công ty quần áo ở Thượng Hải (Trung Quốc), vẻ ngoài “thô thiển” của cô chủ yếu là do mái tóc rối bù và gương mặt không trang điểm.
Jessica Jiang cho biết cô không có đủ thời gian để chuẩn bị đi làm vì thời gian di chuyển đến công ty quá lâu. Ảnh: Jessica Jiang. |
Vì mất cả tiếng đồng hồ di chuyển, Jiang không có nhiều thời gian để chuẩn bị trang phục, cô chỉ chọn đồ ngẫu nhiên rồi đi làm.
“Mọi người đều tập trung vào công việc của họ, không ai quan tâm đến việc ăn mặc đẹp. Tôi nghĩ chỉ cần hoàn thành công việc tốt là đủ”, nhân viên văn phòng chia sẻ.
Trái ngược với Joeanna Chen và Jessica Jiang, Lulu Mei (30 tuổi), nhân viên ngân hàng ở Wuhu, lại phải mặc đồng phục nghiêm chỉnh mỗi ngày, áo vest xanh navy, quần dài cùng màu và áo sơ mi sáng màu. Cô cho rằng nếu không có yêu cầu về đồng phục, có lẽ cuối cùng cô cũng sẽ ăn mặc xuề xòa vì công việc nào cũng mệt.
Cindy Luo, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng với phong cách mặc đồ ngủ đi làm, cho biết cô cũng có những ngày ăn mặc lịch sự hơn, chẳng hạn khi đi chơi với bạn bè sau giờ làm hoặc khi bộ đồ ngủ đã được mang đi giặt.
3 năm trước, khi mới vào công ty, Luo thường mặc áo khoác để trông trưởng thành hơn và chuẩn bị trang phục từ tối hôm trước. Nhưng theo thời gian, cô cảm thấy mệt mỏi và bắt đầu đặt câu hỏi về vấn đề ăn mặc này.
“Tôi tự hỏi không biết mình ăn mặc đẹp để làm gì. Tôi chỉ muốn sống theo cách của riêng mình thôi”, cô nói.