Hội nghị lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM (HIFF 2024) diễn ra vào ngày 8/4. Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia điện ảnh, nhà làm phim trong nước và quốc tế.
Tại đây, các chuyên gia phân tích, dự đoán về tương lai của điện ảnh Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hội nghị lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM (HIFF 2024). |
“Nhà làm phim Việt phải cẩn thận”
Hội nghị lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á gồm 3 chủ đề trọng tâm: Xây dựng hệ sinh thái điện ảnh bền vững tại Đông Nam Á; Bồi dưỡng tài năng mới: Chương trình cố vấn và liên hoan phim; Tương lai của nguồn tài trợ phim ở Đông Nam Á.
Các chủ đề thu hút sự thảo luận, đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà làm phim quốc tế lẫn trong nước. Đặc biệt, các chuyên gia đều chung nhận định thị trường điện ảnh của Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đang phát triển sôi động, giàu tiềm năng.
Ông Anderson Lê, giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim Hawaii, cho biết Việt Nam có nhiều nhân tài trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là đạo diễn và dàn diễn viên. Song các nhân tài phải được bồi dưỡng, đầu tư để có cơ hội “sải cánh” khỏi biên giới Việt Nam, vươn xa tầm quốc tế.
Các chuyên gia nhìn nhận về tương lai thị trường điện ảnh Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. |
Các nhà làm phim Việt cần được trao cơ hội để có thể kể câu chuyện của họ một cách chân thật và ý nghĩa nhất. Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM là một trong số những cánh cửa để các tài năng trẻ, nhà sản xuất phim Việt có thể tìm kiếm cơ hội kể trên.
“Hiện tại, cả Đông Nam Á đang đổ dồn sự chú ý về TP.HCM, nơi đang diễn ra liên hoan phim quốc tế. Thị trường điện ảnh Việt có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tôi hy vọng sự phát triển đó là bền vững và lâu dài”, ông nói.
Chung quan điểm, ông Raymond Phathanavirangoon, người đứng đầu tổ chức South East Asia Fiction Film Lab (Chương trình đào tạo dành cho các nhà làm phim Đông Nam Á) cho rằng những năm qua, điện ảnh Việt xuất hiện những đạo diễn tài năng. Nhiều phim Việt tạo được tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế, có thể kể đến như Cu li never cries (Cu li không bao giờ khóc) của đạo diễn Phạm Ngọc Lân thắng giải Phim dài đầu tay xuất sắc (GWFF Best First Feature) tại LHP Berlin lần thứ 74; Inside the Yellow Cocoon Shell của Phạm Thiên Ân thắng giải Camera D’or tại LHP Cannes 2023…
“Tôi sống ở Thái Lan và quan sát điện ảnh của nước này. Giống như Việt Nam, khán giả của Thái Lan đang già đi. Những năm qua, phim thương mại của Thái Lan khai thác lặp lại những câu chuyện buồn thảm, không có gì mới mẻ. Người dân xem mãi những cảnh đau khổ, khóc lóc dần trở nên chán ngán. Từ đó, ấn tượng về phim bản địa ngày càng tồi tệ trong mắt người xem”, ông Raymond Phathanavirangoon chia sẻ.
Ông Raymond Phathanavirangoon nói thêm điện ảnh Việt nên tránh đi vào vết xe đổ của Thái Lan. Các nhà làm phim phải tìm hướng đi mới, đừng tập trung làm phim hài nhảm, hay những câu chuyện buồn bã, nhằm câu kéo nước mắt khán giả.
“Các nhà làm phim Việt phải cẩn thận. Đó là điều rất tệ hại”, ông nhấn mạnh.
Tương lai của nguồn tài trợ phim
Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia cũng bàn về sự bền vững trong ngành công nghiệp điện ảnh. Theo các chuyên gia quốc tế, các yếu tố đảm bảo sự bền vững của điện ảnh gồm giá trị xã hội của tác phẩm, tính kết nối cộng đồng; thị hiếu khán giả, nguồn vốn đầu tư, sản xuất phim ảnh và quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.
Trong đó, việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực là chủ đề nhận được sự quan tâm của các nhà làm phim. Liên hoan phim quốc tế là bệ phóng vững chắc cho các nhà làm phim trẻ.
Đề cập về vấn đề tìm kiếm nhà tài trợ, đầu tư cho phim điện ảnh, bà Joanne Gon, Chủ tịch Liên hoan phim MIFFest (Malaysia), cho rằng Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực tài năng nhất Đông Nam Á. Điều quan trọng nhất là chính phủ cần tăng cường sự hỗ trợ thông qua các chính sách thúc đẩy phát triển điện ảnh, tạo ra cơ sở hạ tầng bền vững. Tuy nhiên, việc điện ảnh Việt không có quỹ hỗ trợ cho các nhà làm phim là điều đáng tiếc.
Nhà sản xuất Hằng Trịnh chia sẻ trong những năm qua, các nhà làm phim Việt đã có những buổi thảo luận về vấn đề nói trên. Đạo diễn, nhà sản xuất mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn từ chính phủ, cơ quan ban ngành.
Để giải quyết khó khăn về vấn đề huy động nguồn vốn cho dự án điện ảnh, ông Si En Tan, Giám đốc quản lý Momo Film, đề xuất phương án đồng sản xuất và chia sẻ nguồn vốn, nhân lực, giúp quản trị rủi ro.