Cuộc đối đầu giữa Gen Z và sao mạng AI

Ngày càng nhiều influencer “ảo” được tạo bằng AI nhưng kiếm được vài chục triệu USD mỗi năm, “đe dọa” trực tiếp đến khát khao thành sao mạng của Gen Z.

Một cuộc thăm dò gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Morning Consult cho thấy hơn 50% Gen Z muốn trở thành người có sức ảnh hưởng (influencer).

Thế hệ này lớn lên với việc xem những người nổi tiếng sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, từ làm đẹp, du lịch, thể thao đến tài chính. Có thể nói Internet là nơi Gen Z sống và tìm hiểu thế giới.

Thêm vào đó, việc trở nên nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn một công việc truyền thống là mơ ước của nhiều người, chỉ cần họ giỏi thể hiện mình trước ống kính. Câu chuyện thành công của những influencer kiếm được hàng triệu USD đã tiếp thêm động lực cho thế hệ này, theo Business Insider.

“Thế hệ Z khao khát trở nên nổi tiếng. Họ được đào tạo, được học hỏi và lập chiến lược chỉ để trở thành người có sức ảnh hưởng”, Angèle Christin, giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ), nhận xét.

Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đem lại mối đe dọa mới với ước mơ nổi tiếng của nhiều người trẻ.

Cái khó của influencer truyền thống

10 năm trước, nhiều người nhận được sự chú ý chỉ vì thường chia sẻ cuộc sống, hay thể hiện một khía cạnh, kỹ năng của bản thân trên mạng và đột nhiên có một lượng khán giả khổng lồ. Các nhãn hàng đua nhau tìm đến họ để hợp tác. Bất cứ ai cũng có thể gặp vận may này.

Nhưng các chuyên gia khẳng định “thời kỳ vàng” này đã qua.

Giờ đây, việc trở thành một người có sức ảnh hưởng không còn đơn giản. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng bởi ai cũng muốn là người nổi tiếng. Tệ hơn nữa, con người không chỉ cạnh tranh với nhau, mà họ còn sớm phải đối đầu với trí tuệ nhân tạo.

“Thị trường influencer đã bão hòa. Trong số 2 tỷ tài khoản hoạt động hàng tháng của Instagram, chỉ có 800.000 tài khoản sở hữu hơn 100.000 người theo dõi, chiếm 1% tổng số người dùng”, Nikita Baklanov, nhà phân tích của công ty quảng cáo HypeAuditor, chia sẻ.

Theo Baklanov, hiện hầu hết influencer đều cần có nhiều nguồn doanh thu khác nhau để duy trì khả năng tài chính. Họ cung cấp dịch vụ đăng ký, tạo ra sản phẩm của riêng mình hoặc bán khóa học. Họ cần tồn tại ngoài phương tiện truyền thông xã hội.

Giáo sư Christin cũng có chung nhận định: “Các nền tảng và thuật toán liên tục thay đổi. Và đến một lúc nào đó, những người có sức ảnh hưởng nhận ra rằng họ phải có lượng khán giả trung thành. Quan trọng nhất, họ phải đưa tệp fan của mình ra khỏi các nền tảng mạng xã hội”.

Thời đại của sao mạng ‘ảo’

Năm 2016, Miquela Sousa, hay còn gọi là Lil Miquela, một cô gái người Mỹ gốc Brazil 19 tuổi, xuất hiện trên mạng xã hội.

Đến nay, cô nhanh chóng thu hút hơn 2,6 triệu người theo dõi trên Instagram và kiếm được hơn 10 triệu USD/năm từ hợp đồng với các thương hiệu đình đám, điển hình như Prada và Calvin Klein.

Tuy nhiên Miquela không phải là người thật. Cô nằm trong khoảng 200 influencer ảo được tạo ra, theo Virtual Humans, một trang web cung cấp thông tin và theo dõi các nhân vật AI trên mạng xã hội.

Miquela đã chứng minh rằng người xem sẵn sàng để tương tác với một AI. Cô nhận được hàng triệu lượt xem trên TikTok và Shudu cho mỗi video, hình ảnh được đăng tải.

Thời điểm đó, Miquela đã thành công đáng kể trong vai trò một influencer ảo, nhưng được đánh giá là chưa đủ để tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do chi phí. Thời điểm đó, báo giá của những influencer người thật vẫn rẻ hơn hơn.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, sự tiến bộ trong ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo khiến việc tạo ra và vận hành các influencer AI trở nên dễ dàng hơn. Chi phí không còn là vấn đề lớn, dẫn đến sự cạnh tranh giữa AI và con người trong lĩnh vực influencer ngày càng cam go hơn.

Chẳng hạn, Meta đã công bố “vũ trụ ảo” Metaverse, với các nhân vật đại diện (avatar) được tạo ra bởi AI.

Năm 2023, công ty AI 1337 cũng đã xây dựng hàng chục thực thể AI, mỗi thực thể có sở thích riêng, cốt truyện phức tạp và thậm chí là danh sách phát Spotify của riêng chúng. AI sẽ tạo các bài đăng và video và bắt đầu tương tác với khán giả của mình. AI học hỏi từ mỗi lần tương tác và sử dụng dữ liệu thu thập được để trở nên hấp dẫn hơn.

Đối với các thương hiệu, việc có thể sử dụng những nhân vật nổi tiếng với chi phí thấp là một lời mời chào hấp dẫn. Một số nhãn hàng đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, AI vẫn mang lại nhiều rủi ro cùng với rất nhiều tranh cãi. Nhiều người cho biết họ có thể bấm follow một nhân vật AI, nhưng lại không tin những gì mà người nổi tiếng ảo này giới thiệu.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng nếu trí tuệ nhân tạo vẫn tiếp tục phát triển như hiện nay, thế hệ Z và Alpha sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trong lĩnh vực influencer.


Cùng chuyên mục