AI ‘xâm chiếm’ âm nhạc: Cuộc chiến bản quyền chưa có hồi kết

Trí tuệ nhân tạo đang đe dọa ngành công nghiệp âm nhạc với hàng loạt sản phẩm giả mạo, khiến nghệ sĩ và hãng thu âm đau đầu.

Ngành công nghiệp âm nhạc đang đối mặt với một thách thức chưa từng có: sự xâm nhập của trí tuệ nhân tạo (AI) vào mọi ngóc ngách sáng tạo. Từ những bản nhạc giả mạo đến giọng hát “deepfake”, AI đang khiến ranh giới giữa thật và giả trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Sony Music, một trong những ông lớn của làng nhạc, đã phải gỡ bỏ hơn 75.000 video deepfake chỉ trong thời gian ngắn. Những sản phẩm này không chỉ sao chép hình ảnh mà còn “đánh cắp” cả giọng hát của các nghệ sĩ, tạo ra những màn trình diễn ảo đến khó tin.

Trí tuệ nhân tạo gây sức ép lớn lên ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu Ảnh 1

Theo Pindrop, một công ty bảo mật âm thanh, các bản nhạc AI dù có thể nghe rất thật nhưng vẫn để lộ những lỗi nhỏ về nhịp điệu hoặc tần số. Thế nhưng, đối với người nghe bình thường, chúng vẫn tràn ngập trên các nền tảng như YouTube hay Spotify, từ rap giả của 2Pac đến cover K-pop của Ariana Grande.

Spotify và YouTube đang chạy đua để phát triển công cụ phát hiện nội dung AI, nhưng theo nhà phân tích Jeremy Goldman, họ luôn ở thế bị động. “Công nghệ AI tiến nhanh hơn bất kỳ quy định nào,” ông nhận định.

Trí tuệ nhân tạo gây sức ép lớn lên ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu Ảnh 2

Không chỉ dừng lại ở deepfake, các hãng thu âm còn đối mặt với việc AI sử dụng trái phép bản ghi âm để đào tạo mô hình. Vụ kiện giữa các hãng thu âm và Udio, Suno vẫn đang giằng co tại tòa án, xoay quanh khái niệm “sử dụng hợp lý” – một vùng xám pháp lý đầy tranh cãi.

Giáo sư luật Joseph Fishman từ Đại học Vanderbilt cho rằng, dù có phán quyết, ngành âm nhạc vẫn khó kiểm soát được làn sóng AI. “Các mô hình mới xuất hiện quá nhanh, khiến mọi quyết định của tòa án trở nên lỗi thời ngay lập tức,” ông nói.

Trí tuệ nhân tạo gây sức ép lớn lên ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu Ảnh 3

Trong khi đó, chính trường Mỹ cũng chưa thể tìm ra tiếng nói chung. Các dự luật về AI và bản quyền vẫn đang bế tắc, và với khả năng Donald Trump trở lại Nhà Trắng, tương lai của cuộc chiến này càng thêm mờ mịt.

Tại Anh, hơn 1.000 nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối việc chính phủ cho phép AI tự do sử dụng nội dung sáng tạo. Album im lặng “Is This What We Want?” của họ là một thông điệp mạnh mẽ, nhưng liệu có đủ để thay đổi cục diện?

“Ngành âm nhạc quá phân mảnh,” Goldman nhận xét. “Và chính điều đó khiến họ yếu thế trong cuộc chiến bảo vệ nghệ thuật.”

Tin liên quan



Tin mới