Amazon ‘khai tử’ chế độ làm việc từ xa

“Gã khổng lồ công nghệ” yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng 5 ngày/tuần từ đầu năm 2025, chấp nhận đối mặt với nguy cơ mất nhân sự và khó khăn trong quá trình tuyển dụng.

Amazon trở thành doanh nghiệp công nghệ lớn đầu tiên kết thúc chế độ làm việc tại nhà sau đại dịch sau khi CEO Andy Jassy yêu cầu nhân viên đến văn phòng làm việc 5 ngày/tuần.

Quy định mới này được áp dụng từ ngày 2/1/2025, với nhân sự ở tất cả bộ phận. Trước đó, nhân viên của Amazon chỉ phải có mặt tại văn phòng 3 ngày/tuần, theo The Washington Post.

Theo CEO Jassy, phía công ty không nhận thấy lợi ích của chế độ làm việc linh hoạt không gian, thời gian sau một năm.

“Chúng tôi cho rằng việc đến văn phòng tạo điều kiện cho quá trình dạy và học, phát triển văn hoá công sở, làm việc nhóm và kết nối”, Jassy nói.

Amazon la gi, Amazon lam viec tu xa, ga khong lo cong nghe,  van phong,  cong ty cong nghe,  hybrid la gi,  work from home anh 3

Amazon yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng 5 ngày/tuần, kết thúc chế độ làm việc linh hoạt không gian, thời gian. Ảnh: Amazon.

Kết thúc chế độ làm việc từ xa

Không chỉ Amazon, nhiều doanh nghiệp trên thế giới bắt đầu siết chặt chính sách làm việc từ xa, yêu cầu nhân sự trở lại văn phòng. Một số công ty công nghệ nhỏ như SAP, AT&T và Dell đã áp dụng quy định có mặt ở công sở đối với toàn bộ nhân viên.

Một số thể hiện sự phản đối gay gắt bằng cách đình công, thậm chí nghỉ việc. Nhiều nhân sự tại Amazon cũng chia sẻ kế hoạch xin nghỉ khi chính sách mới được áp dụng.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, các công ty công nghệ đồng loạt xây dựng văn hoá làm việc từ xa, khẳng định ưu điểm vượt trội của phương pháp này. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm, nhiều doanh nghiệp lần lượt đưa nhân viên trở lại văn phòng.

Thậm chí, Zoom, ứng dụng họp online được ưa chuộng trong giai đoạn đại dịch, cũng yêu cầu hàng chục nghìn nhân sự làm việc tại văn phòng bán thời gian.

Các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như Disney hay Goldman Sachs cũng nhanh chóng thay đổi chính sách, đưa đội ngũ nhân sự trở lại công sở.

Ông Jassy cho biết quy định mới của Amazon được áp dụng như thời kỳ trước đại dịch. Nhân viên vẫn có thể làm việc tại nhà nếu con bị ốm, ở trong trường hợp khẩn cấp hoặc được cấp trên phê duyệt. Tuy nhiên, nhân sự không được phép làm việc từ xa 2 ngày/tuần mà không có lý do thuyết phục.

CEO của Amazon cũng dự định gia tăng tỷ lệ nhân viên so với quản lý, tránh trường hợp “thừa người chỉ đạo, thiếu người làm”. Kế hoạch này góp phần tăng hiệu quả làm việc.

Amazon la gi, Amazon lam viec tu xa, ga khong lo cong nghe,  van phong,  cong ty cong nghe,  hybrid la gi,  work from home anh 6

Quyết định của Amazon có thể dẫn đến nguy cơ mất nhân sự, khó khăn trong quá trình tuyển dụng. Ảnh minh hoạ: Mikhail Nilov/Pexels.

Bước đi lùi

Theo Prithwiraj Choudhury, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ), động thái của Amazon luôn đi kèm với hậu quả tất yếu. Các công ty có nguy cơ mất đi nhiều nhân sự có thành tích cao, đồng thời gặp khó trong quá trình tuyển dụng.

Đó cũng có thể là phương pháp cắt giảm nhân sự mà không cần sa thải. “Tôi không đánh giá cao hướng đi này. Đó giống như một bước lùi trong lãnh đạo”, Choudhury nói.

Theo một khảo sát do các nhà nghiên cứu ở Đại học Chicago, MIT, Đại học Stanford và Instituto Tecnológico Autónomo de México thực hiện, khoảng 41% nhân sự làm việc theo mô hình hybrid (kết hợp làm ở nhà và đến văn phòng) đến ngày 1/9. Tỷ lệ này luôn dao động trong khoảng từ 40-50% từ tháng 1 năm nay.

“Chúng ta đang sống trong thời đại kết hợp linh hoạt. Bài toán đặt ra là tìm phương pháp kết hợp phù hợp với doanh nghiệp”, Choudhury chia sẻ.

Trong khi Amazon đi đến quyết định loại bỏ chế độ làm việc tại nhà, công ty tìm kiếm và giới thiệu việc làm Glassdoor đã đóng cửa 2 văn phòng tại Mỹ vì ưu tiên làm việc từ xa.


Cùng chuyên mục