Mukbanger Fume ở Hàn Quốc sở hữu thân hình thon gọn dù thường xuyên ăn nhiều. Ảnh: @fume_yamyam. |
Mukbang là từ ghép của “mukja” (ăn uống) và “bangsong” (phát sóng), tức là nghề vừa ăn, vừa quay trực tiếp. Các mukbanger thường được biết đến với khả năng tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ trước máy quay.
Nhờ độ phổ biến và được ưa thích của các video “ăn thùng uống vại” cùng lợi nhuận đem lại từ lượt xem khủng, không ít người lựa chọn trở thành mukbanger như công việc chính.
Tuy nhiên, việc liên tục ăn lượng thực phẩm khổng lồ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người phát sóng, một trong những tác hại dễ thấy nhất là tăng cân.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh YouTube AYO mới đây, Lee Hye Min và Park Shin Yong – hai người có ảnh hưởng về ẩm thực trên Instagram đã tiết lộ bí mật về cách duy trì vóc dáng khi nhận được câu hỏi: “Tại sao những người làm review ẩm thực, ăn uống đều gầy vậy?”.
Lee Hye Min (trái) và Park Shin Yong cho biết nhiều mukbanger phải tập luyện đều đặn để giữ dáng. |
Theo Lee Hye Min, sự thật là hầu hết người làm việc trong ngành này đều tăng cân. Để không bị phá dáng và duy trì hình ảnh đẹp khi lên sóng, phần lớn phải nỗ lực tập thể dục thường xuyên nhất có thể.
Park Shin Yong đồng tình và cho biết sau khi bắt đầu làm vlog ăn uống, anh đã tăng ít nhất 10 kg. Khi biết bản thân sẽ ăn nhiều vào cuối ngày, anh bỏ một bữa và đi đến phòng tập thể dục.
“Tôi đã tăng khoảng 10-15 kg. Nếu tôi đến một nhà hàng ngon sau khi làm việc ở công ty, tôi phải dùng toàn bộ thời gian ăn tối của mình. Vì thế, tôi không ăn trưa ở công ty mà chỉ đến phòng gym tập luyện khoảng 1 tiếng”, Park nói.
Nếu buông thả bản thân và bỏ bê việc tập thể dục, Park tin rằng phần mỡ bụng của mình to lên là điều chắc chắn. Vì vậy, anh luôn tự nhủ nếu muốn thoải mái ăn ngon cần tập luyện đều đặn.
Trong khi đó, một số mukbanger Hàn Quốc từng cho biết họ vẫn không bị tăng cân dù chẳng hề tập luyện. Bác sĩ y khoa Seo Jae Gul từng giải thích hiện tượng này dưới góc nhìn khoa học. Seo so sánh dạ dày con người như quả bóng, có thể căng lên gấp khoảng 50 lần kích thước ban đầu. Tuy nhiên, nếu dạ dày căng trong một thời gian dài sẽ mất dần khả năng co lại.
Theo vị bác sĩ, các mukbanger không tăng cân dù liên tục ăn nhiều nhờ họ không giữ thức ăn ở dạ dày trong thời gian dài. Anh giải thích rằng con người tăng cân khi cơ thể tích trữ thức ăn dưới dạng chất béo. Song nếu thức ăn được đưa ra ngoài ngay lập tức, nó sẽ không biến thành chất béo dự trữ.
Seo so sánh phương pháp này với việc đổ nước vào một cái lọ có vết nứt ở đáy. “Mọi người có thể ăn thức ăn không ngừng nếu họ liên tục thải mọi thứ ra ngoài để nhanh chóng làm rỗng dạ dày”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo nếu thức ăn được tống ra ngoài quá nhanh, cơ thể sẽ không hấp thụ tốt thức ăn, kể cả chất dinh dưỡng. Ngoài ra, kiểu cơ thể mỗi người cũng khác nhau, cần hiểu về cơ thể mình và tìm ra chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để không gây hại tới sức khỏe.