Alex Moeller, doanh nhân kiêm nhà sáng tạo nội dung, luôn muốn chia sẻ cuộc sống tuyệt vời của mình với 2 triệu người theo dõi trên Instagram.
Trong một bức ảnh từ tháng 10/2022, Moeller tạo dáng trên chiếc máy bay riêng, bên trong là những chiếc ghế bọc da sang trọng có thêu logo doanh nghiệp đang rất nổi tiếng của anh – WiFi Money. Doanh nghiệp được quảng bá là cung cấp các cơ hội tạo thu nhập thụ động liên tục, được hỗ trợ bởi công nghệ.
Trong một bức ảnh khác, tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở miền nam Mexico, Moeller đang thả mình trong hồ bơi vô cực nhìn ra vùng biển Caribe. Đôi lúc, anh khoe những siêu xe đắt đỏ của mình, gồm một chiếc Lamborghini Huracán và một chiếc McLaren 650.
“Nhiều năm làm việc chăm chỉ đã được đền đáp xứng đáng. Trong 24 tháng tới, chúng tôi sẽ giúp đỡ hơn 100.000 doanh nghiệp”, trích chú thích bên dưới bức ảnh.
Trong khi Moeller đang hưởng thụ cuộc sống, nhiều nạn nhân của WiFi Money đang điêu đứng vì mất trắng tất cả, theo Business Insider.
Alex Moeller thường xuyên khoe khoang cuộc sống giàu có của anh ta để khuyến khích mọi người đầu tư vào các dự án của WiFi Money. Ảnh: @amoeller/IG. |
WiFi Money là gì?
Hiện có 2 kiểu influencer (người có sức ảnh hưởng) chính trên các nền tảng mạng xã hội.
Một là những người đăng tải nội dung theo phong cách sống, như Kim Kardashian. Cô quảng bá địa điểm, cộng với sự quyến rũ của mình để bán sản phẩm.
Hai là những “thoughtfluencer”. Họ truyền bá tư duy kinh doanh cho những người muốn tìm lối tắt trong cuộc đua kiếm tiền.
Alex Moeller kết hợp cả 2 phong cách này.
Người đàn ông đăng ảnh kỳ nghỉ sang trọng, cùng với những câu châm ngôn về “văn hóa cố gắng làm việc”. Moeller hứa hẹn rằng nếu đầu tư vào các kế hoạch, tham gia các buổi hội thảo và theo đuổi triết lý kinh doanh mà anh đưa ra, mọi người cũng có thể đạt được cuộc sống xa hoa tương tự.
Siêu xe, những chuyến nghỉ dưỡng đắt đỏ của đội ngũ đứng sau WiFi Money khiến nhiều người mờ mắt. Ảnh: @wmoeller85/IG. |
Cùng với Moeller, thế giới WiFi Money bao gồm một nhóm những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Họ cùng quảng bá thương hiệu và rao bán các cơ hội đầu tư của nhóm.
Nhóm gồm anh trai của Alex Moeller là Billy Moeller (1,6 triệu người theo dõi) và Chris Casey (624.000 người theo dõi), một chuyên gia tiếp thị đa cấp, giữ chức vụ giám đốc điều hành.
Tiếp đến là Todd Cahill (383.000 người theo dõi), một “cố vấn viên” của WiFi Money, từng bị vướng cáo buộc nợ thuế trong 5 năm, hay Liz Friesen (465.000 người theo dõi), một “cố vấn truyền thông xã hội” và là người ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ…
Với sức cộng hưởng từ những người có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội, doanh nghiệp đã tiếp thị một loạt các chương trình làm giàu nhanh chóng thông qua tiền điện tử, cửa hàng thương mại điện tử, giảm thuế thời đại dịch…
Doanh nghiệp này hứa hẹn với những người theo dõi rằng “khả năng kiếm tiền ở bất cứ đâu trên thế giới, bằng cách thực hiện một hành động đơn giản là kết nối với Wi-Fi”.
Cuộc sống sang chảnh mà mỗi ngày Moeller đăng tải lên MXH. Ảnh: @amoeller/IG. |
Công ty tận dụng cảm xúc đố kỵ, lòng tham cùng với sức hấp dẫn từ sự giàu có của những người có ảnh hưởng để thuyết phục nhiều người Mỹ rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ một chút, họ sẽ có thể đạt được cuộc sống thoải mái và dễ dàng.
WiFi Money rất khó để xác định. Đó là một triết lý, một doanh nghiệp quảng cáo, một tập thể truyền thông xã hội và một công ty tiếp thị đa cấp, tất cả được hợp thành một.
Khách hàng và nhà đầu tư được tuyển dụng từ khắp nơi – không chỉ trên mạng xã hội mà còn từ bạn bè, hàng xóm và những doanh nhân tiềm năng khác.
Những người đầu tư vào WiFi Money thường được khuyến khích tuyển thêm người khác để nhận phần trăm lợi nhuận và lời hứa có thể một ngày nào đó, họ sẽ trở thành thành viên của đội ngũ WiFi Money.
Cái bẫy
Trong quá trình đó, Moeller và đối tác của anh ta đã tích lũy được hàng triệu USD cho mình, quảng bá lối sống hào nhoáng của họ khắp nơi từ Instagram đến kênh tin tức Fox News.
Khi mọi người dần mất niềm tin vào cách truyền thống để gây dựng tài sản, doanh nghiệp hứa hẹn đem đến cho họ một cách nhanh chóng để đạt được tự do tài chính. Tuy nhiên, thay vì mang lại sự thành công như mong đợi, nó đã đẩy nhiều “tín đồ” vào hoàn cảnh khốn khổ.
Jasmine Sadry và Joey Martin chỉ là 2 trong rất nhiều nạn nhân của WiFi Money. Cặp vợ chồng người Texas (Mỹ) đang phải gánh khoản nợ hơn 100.000 USD, phần lớn trong số đó đã đổ vào doanh nghiệp. Khi Moeller còn bận tổ chức tiệc tùng, vợ chồng Sadry và Martin đang chuẩn bị phải rời khỏi ngôi nhà ở Dallas vì không còn đủ khả năng chi trả.
Kể từ khi thành lập vào năm 2020, công ty đã để lại hàng loạt vụ kiện cáo buộc gian lận, phá sản, khiến khách hàng suy sụp tinh thần và tàn phá tài chính của họ.
Nhiều người đã mất trắng vì tin vào những hào nhoáng trên MXH do đội ngũ WiFi Money tạo ra. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
WiFi Money đã lừa đảo bằng cách tạo ra những cơ hội đầu tư và kinh doanh hứa hẹn mang lại lợi nhuận dễ dàng và nhanh chóng, nhưng thực tế không màu hồng như thế.
Một trong những cách mà WiFi Money đã kêu gọi nhà đầu tư là thông qua các dự án tiền điện tử như Nobility. Họ hứa rằng các nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận khủng từ việc đổ tiền vào dự án, nhưng thực tế là giá trị của token đã giảm từ 0,0014 USD/token xuống còn 0,000039 USD, tức giảm 97% so với mức cao nhất.
Công ty cũng đã tham gia vào các dự án khác như việc tạo ra các cửa hàng trên Amazon. Họ đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ nhận lợi nhuận cao ngất ngưởng từ việc tự động hóa quy trình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử này.
Tuy nhiên, nhiều người sau khi xuống tiền đã gặp phải các vấn đề như việc cửa hàng bị đóng cửa trên Amazon do vi phạm các quy định, dẫn đến thiệt hại tài chính nghiêm trọng.
WiFi Money cũng vướng cáo buộc kêu gọi các khách hàng vay tiền hoặc sử dụng vốn lớn để đầu tư vào các dự án của họ mà không cung cấp thông tin trung thực và rõ ràng về những rủi ro liên quan.