‘Chuyện ma giảng đường – năm 3’ – thảm họa điện ảnh

“Haunted Universities 3” thuộc thể loại hợp tuyển, dựa trên 3 chuyện ma đô thị được giới sinh viên Thái truyền tai nhau. Phim gây thất vọng vì kịch bản non vụng, nội dung hời hợt.

Genre: Kinh dị
Director:
Aussada Likitboonma, Sorawit Meungkeaw, Nontawat Numbenchap, Aroonakorn Pick
Cast:
Siwat Jumlongkul, Pisitpol Ekaphongpisit, Awat Ratanapintha, Ponchanan Chantra…
Rating: 4/10
* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Thuộc thể loại hợp tuyển (Anthology), Chuyện ma giảng đường – năm 3 mang tới 3 câu chuyện kinh dị độc lập xoay quanh những sinh viên đại học.

Mở đầu, The Procession theo chân đôi bạn thân Tae và Koy. Họ đều cố gắng học tập nhưng năm nay, khoa chỉ cấp đúng 1 suất học bổng. Không muốn tranh giành, cả hai tới ngôi đền công chúa để cầu nguyện phép màu xảy ra, bất chấp quy tắc “cặp đôi tới cầu nguyện phải là tình nhân”. Điều ước cuối cùng đã trở thành sự thật, thế nhưng họ bị công chúa lùng bắt để trừng phạt vì vi phạm quy tắc.

Tiếp đến, The Caretaker dựa trên truyền thuyết đô thị nổi tiếng khác tại một Đại học Mỹ thuật. Những sinh viên năm cuối theo thông lệ được phân công làm người hướng dẫn cho lứa sinh viên mới nhập học. Năm nay, Earth theo kết quả bốc thăm trở thành người hướng dẫn cho Sun. Song, chính sự thiếu trách nhiệm của anh vô tình đẩy cậu em năm nhất rơi vào bẫy của một linh hồn bí ẩn.

Cuối cùng, The Invisible Shrine lấy bối cảnh tại đêm hội Halloween, nơi các sinh viên tổ chức cuộc thi văn nghệ và tiệc tùng. Cô gái Mint không mang theo vòng hoa nên phải nhờ cậu bạn Wan đi mua giúp. Ai ngờ, Wan lại lấy phải chiếc vòng hoa treo trên ngôi đền thờ kỳ lạ thoắt ẩn thoắt hiện. Điều này đẩy cả hai vào một rắc rối nguy hiểm.

Kịch bản non vụng

Dù kể lại những mẩu truyện độc lập, một phim hợp tuyển hấp dẫn cần phải đảm bảo tính nhất quán của chủ đề, bằng những liên kết tinh tế giúp trải nghiệm xem phim không bị ngắt quãng.

Với Haunted Universities, chủ đề này được thể hiện ngay từ tựa phim – những truyền thuyết đô thị được sinh viên đại học truyền tai nhau. Sức bí ẩn của nó tăng lên theo cấp số nhân khi gắn kèm cụm từ “dựa trên câu chuyện có thật” – vốn là đặc sản dòng phim kinh dị xứ chùa Vàng. Khai thác triệt để thủ thuật này, các nhà sản xuất dễ dàng biến ma Thái trở thành món ăn tinh thần đậm vị, gieo rắc nỗi ám ảnh lên tâm trí khán giả.

chuyen ma giang duong,  Haunted Universities 3,  phim ma thai lan anh 1

Phim được chia làm 3 câu chuyện tách biệt.

Không nằm ngoài “công thức” này, Chuyện ma giảng đường – năm 3 tiếp tục sử dụng tín ngưỡng văn hóa tâm linh đậm chất Á Đông làm công cụ thuật lại những câu chuyện kinh dị lan truyền trong giới sinh viên Thái.

Song, tác phẩm lại mất điểm trong mắt người xem vì nội dung lan man, mơ hồ với những cái kết bỏ lửng. Điều này khiến thông điệp hiện lên xuyên suốt 3 mẩu truyện trở nên mông lung, gây khó hiểu.

Với The Procession, đó là bài học về việc không được đùa giỡn, nhạo báng tâm linh. Chính việc Tae và Koy bất chấp quy tắc, thậm chí nói dối trong khi cầu nguyện khiến cả hai phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp. Thế nhưng, ngay cả khi bộ đôi ăn năn hối cải và thành tâm chuộc lỗi, cái kết dành cho họ vẫn khiến người xem bất bình. Hay như chi tiết những sinh viên vô tội cũng bị trừng phạt chỉ vì không tin vào tâm linh tỏ ra chưa thỏa đáng.

Trong khi đó, nội dung The Caretaker có chiều sâu hơn khi lồng ghép vấn đề bạo lực học đường. Song dù có ý tưởng, cách diễn giải câu chuyện còn vướng mắc nhiều hạn chế. Nổi bật là diễn biến tâm lý đầy mâu thuẫn của nam chính Earth, vốn là người vô trách nhiệm, thờ ơ trước đàn em song lại dốc lòng điều tra vụ việc bí ẩn liên quan đến Sun, bất chấp nguy hiểm. Các nhân vật thường xuyên hành động ngớ ngẩn, bất chấp những quy tắc ứng xử thông thường.

Chưa kể, nút thắt bạo lực học đường cuối cùng chỉ được gỡ rối chóng vánh, khiến thông điệp truyền tải chưa đủ mạnh mẽ, thuyết phục.

chuyen ma giang duong,  Haunted Universities 3,  phim ma thai lan anh 2

The Caretaker có sự đầu tư về ánh sáng, kỹ xảo.

Còn với mẩu truyện cuối, thể loại phim lúc này dường như lại trở thành hài với những mảng miếng chọc cười dày đặc, từ hài tình huống, hình thể cho tới lời thoại… The Invisible Shrine dẫu có phần lạc lõng so với chủ đề chung, song lại là câu chuyện “trọn vẹn” nhất khi đẩy nhân vật vào hành trình khám phá thế giới tâm linh, để rồi trưởng thành, vượt qua ranh giới bản ngã trước khi thước phim cuối cùng khép lại.

Thế nhưng, những tình tiết lố bịch quá mức và cách dàn dựng kém hiệu quả khiến phim khó tạo thiện cảm.

Yếu tố kinh dị cũ kỹ

Công bằng mà nói, Chuyện ma giảng đường – năm 3 vẫn mang tới một số thước phim kinh dị đủ để chinh phục những người xem yếu tim. Từ tạo hình man rợ của những người lính rước kiệu bị chặt đầu, hồn ma với dáng đi bẻ khớp vặn vẹo cho tới những cảnh chém giết, máu me…

Các đạo diễn thường xuyên lợi dụng bóng tối hay góc khuất, để cho những khung hình của mình phủ ngập sắc xám tro hay tối đen gây cảm giác lo lắng, bất an. Đi kèm với đó là âm nhạc rùng rợn, kích thích nỗi sợ của khán giả.

Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ để biến Chuyện ma giảng đường – năm 3 trở thành một tác phẩm kinh dị hấp dẫn và hiệu quả.

Thiếu hấp dẫn vì những chất liệu được sử dụng đã quá cũ kỹ và nhàm chán, dễ đoán.

Thiếu hiệu quả vì phim chưa thể “moi móc” hậu vị của nỗi sợ hãi. Bởi thành công của một phim kinh dị không dừng lại ở việc hù dọa, mà là làm sao đánh thức nỗi sợ từ những điều tưởng chừng giản đơn nhất, để những thông điệp được truyền tải tự nhiên, không xa vời.

chuyen ma giang duong,  Haunted Universities 3,  phim ma thai lan anh 3

The Invisible Shrine mất điểm vì sự hỗn loạn trong cách dựng.

Chuyện ma giảng đường – năm 3 gây thất vọng ở những cảnh jump-scare, thứ vốn rất được mong đợi trong phim ma Thái. Chúng xuất hiện tẻ nhạt và nhẹ đô, hoàn toàn chưa đủ thỏa mãn “cơn khát nỗi sợ” của người xem.

Ngoài ra, việc liên tục lạm dụng hiệu ứng âm thanh ma quái với âm lượng lớn ở nhiều phân cảnh khiến trải nghiệm xem phim càng thêm mất điểm.

Diễn xuất của dàn cast khá trồi sụt, thiếu đồng đều. Tác phẩm gây chú ý khi quy tụ nhiều gương mặt trẻ triển vọng của làng giải trí Thái Lan. Tuy nhiên, một số vai diễn quá “kịch” và lố, khó tạo đồng cảm.

Một vài diễn viên có phần trình diễn khá tự nhiên như Nichaphat Chatchaipholrat hay Awat Ratanapintha lại chưa có nhiều đất thể hiện khi nhân vật của họ bị xây dựng hời hợt, thiếu chiều sâu và sự đấu tranh cảm xúc cần thiết.

Chuyện ma giảng đường – năm 3 nhìn chung là một bước lùi của điện ảnh kinh dị xứ chùa Vàng. Thiếu sáng tạo, thiếu sự tìm tòi trong câu chuyện và cách tiếp cận nỗi sợ, tác phẩm chỉ như một phiên bản tổng hợp nhiều lỗi của những tựa phim kinh dị lỗi thời, với tuổi đời cả vài thập kỷ.


Cùng chuyên mục