Chuyện tình của ‘thiếu gia miền núi’ Chải với Pu gây sốt

“Đi giữa trời rực rỡ” gây sốt với bối cảnh miền núi và chất liệu văn hóa của người Dao. Hai nhân vật Chải và Pu đang được yêu thích.

Đi giữa trời rực rỡ lấy bối cảnh miền núi Cao Bằng, nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc thiểu số. Chuyện phim xoay quanh Pu, một cô gái người Dao khát khao tri thức và mong muốn được xuống Hà Nội học tập. Dù đã trúng tuyển đại học, song con đường để Pu thực hiện ước mơ vẫn hết sức khó khăn, bởi gia đình cô không đủ điều kiện và cũng bởi cô đã được hứa hôn với Chải (Long Vũ), quý tử của gia đình giàu có nhất vùng.

Đến hiện tại, tác phẩm đang gây sốt trên mạng xã hội cũng như sở hữu lượt xem cao. Tập 9 được chiếu vào ngày 12/8 chứng kiến 260.000 lượt theo cùng lúc trên kênh YouTube dù phát sóng song song trên hai nền tảng.

Sự lan tỏa mạnh mẽ của tác phẩm là điều tương đối bất ngờ bởi trước đó, phim vướng nhiều tranh cãi do khắc họa sai văn hóa của đồng bào người Dao. Song, nhờ một câu chuyện tình yêu mang màu sắc tươi sáng, dễ tiếp cận, tác phẩm dần lấy lại thiện cảm trong mắt khán giả, trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên khắp các diễn đàn.

Chất liệu văn hóa vừa là điểm cộng…

Ngay từ tập đầu tiên, Đi giữa trời rực rỡ đã thu hút khán giả nhờ bối cảnh vùng núi Cao Bằng hiểm trở, với những khu ruộng bạt ngàn và những ngọn đồi mênh mông. Đó vừa là sự hùng vĩ của tự nhiên, nhưng cũng vừa là lớp rào ngăn cách, tách biệt cộng đồng dân tộc thiểu số với thế giới bên ngoài.

giai tri anh 1

Bối cảnh vùng núi Cao Bằng của tác phẩm.

Tác phẩm như một cánh cửa bước vào không gian văn hóa đặc sắc mà ít người biết đến. Từ đó, những câu chuyện đời sống, cách mà cộng đồng người Dao duy trì bản sắc qua thời gian, hay những khó khăn do kinh tế và địa lý cũng được khai thác trên màn ảnh. Với quy mô một phim truyền hình, Đi giữa trời rực rỡ khó lòng tái hiện được hoàn toàn đời sống của cộng đồng người Dao, nhưng về mặt ý tưởng, đây vẫn là một trải nghiệm xem phim tương đối thú vị, dễ thu hút khán giả.

Chính chất liệu văn hóa đặc sắc là điểm tươi mới, tách biệt Đi giữa trời rực rỡ với phần lớn phim truyền hình những năm qua, khi mà biên kịch dường như đã khai thác đề tài gia đình đến cạn kiệt, thậm chí sa đà vào yếu tố “tiểu tam”, ngoại tình.

Thêm vào đó, trong những năm qua, các nội dung giải trí đại chúng cũng dần khai thác nhiều hơn các chất liệu văn hóa của đồng bào miền cao. Ở phim ảnh, Kẻ ăn hồn (2023) và đặc biệt là Tết ở làng Địa Ngục (2023) của đạo diễn Trần Hữu Tấn đã gây tiếng vang khi khai thác nét văn hóa của dân tộc Mông. Trong âm nhạc, rapper Double2T cũng đưa chất liệu của người miền núi vào các ca khúc rap, nhận về nhiều phản hồi tích cực của khán giả.

Điểm chung là tất thảy chúng đều tạo ra những hiệu ứng rất tốt, cho thấy sự quan tâm của khán giả đối với văn hóa của đồng bào thiểu số tại Việt Nam. Và trước làn sóng đó, Đi giữa trời rực rỡ cũng không phải ngoại lệ.

Nhưng cũng là điểm trừ

Rõ ràng, Đi giữa trời rực rỡ đã vướng không ít tranh cãi, đặc biệt là những sai sót trong việc khắc hoạ văn hóa người Dao.

giai tri anh 2

Phim gây tranh cãi về trang phục.

Khai thác chất liệu văn hóa chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tại Việt Nam, những đạo diễn từng làm tốt mảng này như Trần Hữu Tấn với Kẻ ăn hồn, Tết ở làng Địa Ngục hay Victor Vũ với Người vợ cuối cùng (2023) đều cho thấy sự kỹ lưỡng trong việc nghiên cứu.

Đơn cử như mỗi bộ quần áo trong Kẻ ăn hồn đều phải qua 5 vòng kiểm duyệt, trong đó có một vòng từ cố vấn lịch sử. Hay những chiếc áo dài trong Người vợ cuối cùng đều được thiết kế dựa trên những tư liệu lịch sử, chi tiết đến từng lớp áo.

Với Đi giữa trời rực rỡ, do nguồn lực tương đối hạn chế của một bộ phim truyền hình cũng như việc sở hữu thời lượng rất dài (110 tập), những sai sót là điều khó tránh khỏi. Thêm nữa, sự thiếu cẩn trọng của đoàn làm phim trong việc tìm hiểu, đào sâu văn hóa người Dao còn dẫn đến việc tác phẩm có nhiều chi tiết sai lệch, chưa phản ánh đúng thực tế.

Đứa con tinh thần của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn bị chỉ trích vì để các nhân vật mặc trang phục truyền thống sai cách, cả những chi tiết về không gian sống, không gian thờ cúng cũng không đúng với văn hóa người Dao. Từ đó, bộ phim đánh mất đi phần nào thiện cảm của khán giả.

Câu chuyện tình yêu “gà bông” nhẹ nhàng, hợp xu hướng

Dù vướng không ít tranh cãi, song Đi giữa trời rực rỡ vẫn gây sốt và có không ít khoảnh khắc viral trên mạng xã hội. Tất cả là nhờ chuyện tình yêu “gà bông” hài hước, dễ theo dõi, dễ có cảm tình của Chải và Pu. Cách cặp đôi tương tác vừa nhẹ nhàng mà cũng vừa đáng yêu, trở thành lý do chính giúp tác phẩm của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn trở nên nổi tiếng.

Xuất hiện trong những tập đầu như một người cản bước con đường học vấn của Pu, song Chải lại không khiến người xem có cảm xúc tiêu cực. Ngược lại, nhờ tình yêu sâu đậm, đôi khi ích kỷ, ngây ngô nhưng luôn nghĩ cho người mình yêu, “thiếu gia miền núi” nhanh chóng được khán giả yêu thích, trở thành đề tài thảo luận trên mạng xã hội.

Phía đối diện, một Pu bướng bỉnh nhưng tốt bụng, luôn khát khao con chữ và luôn muốn bảo vệ những người xung quanh cũng dễ lấy được cảm tình của khán giả.

giai tri anh 3

Chuyện tình Chải – Pu trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.

Chuyện tình “thiếu gia miền núi” say đắm cô gái mang nhiều hoài bão cũng là ý tưởng tương đối thú vị, khác xa cảm giác nặng nề đó nay của các bộ phim truyền hình gia đình. Tác phẩm do đó cũng mang không khí nhẹ nhàng, không quá drama, phù hợp với việc giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng.

Diễn xuất của cặp diễn viên chính đến lúc này tương đối tròn vai dù chưa thực sự ấn tượng. Thu Hà Ceri vẫn giữ nguyên lối diễn có phần phô trương, thừa năng lượng như trong Món Quà Của Cha (2023) và Lật mặt 7 (2023). Ở phía còn lại, cách Long Vũ thể hiện nhân vật Chải còn pha chút kịch nghệ, dẫn đến thiếu tự nhiên. Tuy nhiên, cả hai vẫn là những diễn viên trẻ giàu tiềm năng và còn nhiều thời gian để phát triển.

Đi giữa trời rực rỡ đã thu hút số lượng người xem lớn, đặc biệt là các khán giả trẻ nhờ sự táo bạo trong ý tưởng và thú vị trong câu chuyện. Song rõ ràng, để trở thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, bộ phim vẫn cần sự chính xác và tinh tế hơn khi thể hiện các nét văn hóa của đồng bào thiểu số.


Cùng chuyên mục