Vàng đang dần thoát khỏi định kiến lỗi thời, trở thành lựa chọn đầu tư thu hút giới trẻ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Sixth Tone. |
Wang Heying (26 tuổi, Liêu Ninh, Trung Quốc) đang rục rịch chuẩn bị cho đám cưới của mình. Trong danh sách mua sắm của Gen Z, vàng là món trang sức không thể thiếu.
“Hiện nay, các thiết kế của vàng đã thời trang hơn nhiều. Hơn nữa, đây cũng là khoản đầu tư an toàn không lo bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Vì vậy mua vàng đã trở thành thói quen của tôi”, cô gái chia sẻ.
Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, việc tiêu thụ vàng trên toàn quốc gia đạt gần 1.090 tấn vào năm 2023, tăng 8,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một bước ngoặt trong việc tiêu thụ vàng tại xứ tỷ dân, theo Xinhua.
Từ lâu, trong văn hoá Trung Quốc, vàng là biểu tượng của sự vương giả và may mắn. Thứ kim loại quý này từng bị giới trẻ Trung Quốc cho là lỗi thời, trong khi kim cương và các loại đá quý khác là vật liệu trang sức được ưa chuộng hơn.
Trong tương lai, những người tiêu dùng dưới 25 tuổi được kỳ vọng sẽ trở thành lực lượng mua vàng chủ lực. Ảnh minh họa: VCG. |
Số liệu khảo sát của Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho thấy nhóm người tiêu dùng 25-34 tuổi đã trở thành động lực chính cho sự gia tăng tiêu thụ vàng. Tỷ lệ này tăng từ 16% lên 59% tổng số người tiêu dùng trong năm 2023. Hiệp hội dự báo, người tiêu dùng dưới 25 tuổi sẽ là lực lượng mua vàng mới tiềm năng trong tương lai.
Xu hướng trên cho thấy vàng đang dần thoát khỏi định kiến cũ, trở thành lựa chọn đầu tư thu hút giới trẻ Trung Quốc. Bên cạnh giá trị văn hóa và thẩm mỹ, vàng còn được đánh giá cao về khả năng chống lạm phát.
“Vàng liên tục tăng giá trong những năm gần đây. Nhiều người mua vàng như một hình thức quản lý tài chính”, Di Ke, Giám đốc công ty Vàng bạc Kim hoàn Shenyang Cuihua (Liêu Ninh), cho biết. Phần lớn khách hàng của công ty là người trẻ 25-35 tuổi, và con số này đang tăng lên hàng năm.
Quan điểm này cũng được chuyên gia phân tích vàng Liu Yuning, Giáo sư tại ĐH Địa chất Trung Quốc, đồng tình. Ông nhận định Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, thế hệ trẻ tại đây đang xem vàng là kênh đầu tư thay thế cho bất động sản và cổ phiếu.
Vàng “hạt đậu” có trọng lượng khoảng 1 g, đang là món đầu tư thu hút người trẻ. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg. |
Dữ liệu từ Sàn giao dịch Vàng Thượng Hải (Trung Quốc) cho thấy giá vàng đạt mức cao mới vào 20/5, với giá 578 NDT/g (khoảng 81 USD) đối với vàng tinh khiết 99,99%.
Nắm bắt biến động giá vàng, Wang Heying cũng như nhiều người trẻ khác, thực hiện các giao dịch mua vàng định kỳ, trung bình mỗi lần từ 1.000-2.000 NDT (khoảng 140-281 USD).
“Giao dịch này tương tự với việc tiết kiệm. Thay vì bỏ tiền lẻ vào heo đất như hồi bé, chúng tôi bỏ vào hũ những hạt vàng”, Wang Heying nói. Gen Z cho biết vàng dạng hạt đậu đang được người trẻ ưa chuộng, ưu điểm là phí gia công thấp, dễ dàng chế tác thành trang sức.
Khác với Wang Heying, Jiang Xue (29 tuổi, Bắc Kinh, Trung Quốc) chỉ mới bắt đầu mua vàng vài năm gần đây.
Cô từng ưa chuộng trang sức từ các thương hiệu lớn, đính ngọc trai, kim cương và đá mã não. Nhưng sau một lần đem dây chuyền vàng đi sửa tại trung tâm thương mại, quan điểm của cô đã thay đổi.
“Tôi rất ngạc nhiên khi biết giá vàng hiện tại lên tới 540 NDT/gram, cao hơn so với giá mua 500 NDT/gram trước đó. Điều này khiến tôi nghĩ đến việc tích trữ vàng, sau khi đeo trang sức chán, việc bán lại vừa dễ lại vừa lời”, cô chia sẻ.
Thiết kế trang sức vàng ngày càng được cải tiến cũng là lý do khiến vàng được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh minh họa: Chan Long Hei/Bloomberg. |
Bên cạnh khả năng giữ giá, các mẫu thiết kế trang sức và vật phẩm vàng được cải tiến cũng là một lý do lý giải cho “cơn sốt vàng” trong giới trẻ
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã tung ra loạt sản phẩm vàng nghệ thuật lấy cảm hứng từ Harry Potter để thu hút người hâm mộ bộ phim.
Tương tự, thương hiệu trang sức hàng đầu Chow Tai Fook cũng đưa hình ảnh Disney và Hello Kitty vào các sản phẩm của mình.
Nhiều nhà bán lẻ khác còn cung cấp lắc tay với “hạt may mắn” để thu hút những người trẻ tin vào tâm linh trong xã hội đầy áp lực.
Di Ke tin rằng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phổ biến của vàng.
“Hơn nữa, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ yêu thích trang phục mang yếu tố văn hóa truyền thống, hay phong cách Trung Hoa mới. Những mẫu trang sức vàng họa tiết hoa văn và kỹ thuật chế tác cổ xưa sẽ phù hợp với xu hướng này”, ông chia sẻ thêm.
Hiện mẫu trang sức vàng yêu thích nhất của Wang Heying có họa tiết hình bướm được khắc tinh xảo. Gen Z khẳng định “vàng sẽ không bao giờ lỗi mốt”.