Vương Chí Hân nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ vai diễn “má Vương”. Ảnh: Wild Culture. |
Được biết đến với biệt danh “má Vương”, Vương Chí Hân (sinh năm 2000, Hồ Bắc, Trung Quốc) sở hữu 16 triệu người theo dõi trên mạng xã hội.
Cô vào vai bảo mẫu trong một series trực tuyến mang tên Tôi trùng sinh thành bảo mẫu trong phim tổng tài, được xem như phát ngôn viên của tầng lớp lao động, lên tiếng cho những người lao động bị áp bức.
Tuy nhiên gần đây, công ty mạng đa kênh Wild Culture do cô điều hành bị tố bóc lột nhân viên. Doanh nghiệp này thừa nhận cáo buộc, đồng thời hứa thay đổi, theo SCMP.
Công ty của “má Vương” thu lợi lớn từ series đòi quyền bình đẳng cho tầng lớp lao động. Ảnh: Wild Culture. |
Tiếng nói của người lao động
Trong series nổi tiếng Tôi trùng sinh thành bảo mẫu trong phim tổng tài, nhân vật của Vương Chí Hân vạch trần sự bất công trong môi trường làm việc và thúc đẩy sự bình đẳng cho người lao động. Cô xây dựng những tình huống chủ lao động bóc lột, áp bức nhân viên, thể hiện thái độ chế giễu qua các cảnh phim này.
Nhiều người lao động Trung Quốc coi “má Vương” là người phát ngôn, giúp họ đưa những mảng tối ra ánh sáng. Series kịch tính này mô phỏng cuộc sống thực của họ với nhiều khó khăn, thách thức.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 3, series này đã phát hành 21 tập. Tôi trùng sinh thành bảo mẫu trong phim tổng tài nhanh chóng trở nên thịnh hành, giúp Vương Chí Hân khẳng định vai trò người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, thu về 1 triệu người theo dõi trong tháng đầu ra mắt.
Sự thịnh hành của series này cũng góp phần thúc đẩy lợi nhuận cho công ty mạng đa kênh Wild Culture của “má Vương”.
Theo dữ liệu từ nền tảng tiếp thị người có sức ảnh hưởng Xingtu của Trung Quốc, các video quảng cáo dài 20 giây của Wild Culture có giá 63.000 USD. Các clip dài từ 21-60 giây được định giá khoảng 68.000 – 82.000 USD.
Công ty Wild Culture thừa nhận cáo buộc bóc lột nhân viên. Ảnh: Wild Culture. |
Thừa nhận bóc lột người lao động
Tuy nhiên, công ty này mới bị tố bóc lột nhân viên. Các vị trí quan trọng như giám đốc được tuyển dụng trực tuyến, nhận mức lương 560 USD/tháng. Doanh nghiệp này cũng từ chối cung cấp bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc.
Ngoài ra, nhân sự của công ty phải mang theo máy tính cá nhân, không được cung cấp thiết bị làm việc.
Những diễn viên quần chúng, đóng thế trong các video ngắn không nhận được thù lao. Công ty của Vương Chí Hân cũng bị cho là yêu cầu nhân viên làm việc cả cuối tuần.
Ngày 26/5, Wild Culture chính thức thừa nhận cáo buộc, đồng thời tuyên bố tìm cách khắc phục tình hình, nâng cao chất lượng môi trường làm việc.
Công ty cho biết sẽ tái xây dựng hệ thống ca làm việc để những nhân sự đi làm vào thứ Bảy và Chủ nhật có 2 ngày nghỉ trong tuần. Họ cũng đảm bảo cung cấp bảo hiểm xã hội cho nhân viên trong thời gian thử việc, đồng thời thông báo tăng lương cho tất cả vị trí.
“Đối với nhân sự hiện tại, mức lương tối thiểu không dưới 850 USD. Ngoài ra, từ bây giờ, chúng tôi chỉ tiến hành tuyển dụng qua các kênh chính thức, đảm bảo người lao động nhận lương đúng hạn”, đại diện Wild Culture cho biết.
Trước sự việc này, khán giả thể hiện sự phẫn nộ đối với hành động của Vương Chí Hân. Một bộ phận công chúng lên án hành vi bóc lột sức lao động của KOL Trung Quốc.
“Cô ấy đóng vai người lao động bị bóc lột để khơi gợi sự đồng cảm từ công chúng, nhưng lại là chủ lao động đạo đức giả ở ngoài đời”, người dùng mạng xã hội để lại bình luận.
Ngoài ra, một số khán giả cũng cho rằng việc cung cấp 2 ngày nghỉ cuối tuần và bảo hiểm xã hội là đáp ứng quyền cơ bản của người lao động. Việc đưa 2 tiêu chí này vào mục quyền lợi là điều vô lý.