Thị trường hàng hoá xa xỉ tại Việt Nam “lao dốc” trong năm 2023. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Theo báo cáo Thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam năm 2023 của Vietdata, phần lớn công ty phân phối ghi nhận mức doanh thu sụt giảm đáng kể. Sự giảm sút này xảy ra ở cả doanh nghiệp phân phối độc quyền và phân phối đa thương hiệu.
Công ty cổ phần quốc Tế Tam Sơn đại diện cho nhiều thương hiệu cao cấp tại Việt Nam là đơn vị hiếm hoi tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, củng cố vị thế đầu ngành.
Lợi nhuận của công ty phân phối đa thương hiệu sụt giảm
Tam Sơn là đại diện cho các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng như Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard,… Bất chấp những khó khăn của lĩnh vực trong năm 2023, Tam Sơn vẫn ghi nhận doanh thu tăng.
Tuy nhiên, lợi nhuận của đơn vị này giảm 25% theo xu thế toàn ngành.
Trong khi đó, công ty cổ phần Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và công ty TNHH Thời Trang & Mỹ Phẩm Âu Châu (ACFC) thuộc tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn lại ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2023.
Phân phối các thương hiệu nổi tiếng như Levi’s, Calvin Klein, Tommy Hilfiger,…, ACFC sở hữu hệ thống 278 cửa hàng tọa lạc tại các trung tâm thành phố lớn. Song, doanh thu của đơn vị này trong năm 2023 chỉ đại 2.700 tỷ đồng, giảm 5,6% so với số liệu của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty thậm chí còn giảm đến 39%.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp phân phối hàng xa xỉ đa thương hiệu tại Việt Nam đồng loạt giảm trong năm 2023. Nguồn: Vietdata. |
Được biết đến là đơn vị đại diện cho các thương hiệu xa xỉ danh tiếng như Rolex, Versace, Dolce & Gabbana,…, DAFC chứng kiến sự sụt giảm về số lượng nhãn hàng phân phối trong năm nay. Mức giảm được ghi nhận là 37%, tương đương với 38 thương hiệu. Số lượng cửa hàng trên toàn quốc cũng bị cắt giảm 22%, xuống con số 47.
Về hiệu quả kinh doanh, doanh thu của DAFC trong năm 2023 giảm 16,5% so với năm trước đó, chỉ đạt 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng, giảm sâu so với mức lợi nhuận 135 tỷ đồng của năm trước.
Maison International Retail cũng là đơn bị phân phối thời trang cao cấp lâu năm tại Việt Nam, sở hữu 172 cửa hàng trên toàn quốc, phân phối 38 thương hiệu danh tiếng như Puma, Coach, Nike,…
Trong năm 2023, Maison cũng ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình ảm đạm chung, chứng kiến doanh thu giảm 4,2%. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 47% so với năm trước.
Ngành hàng thời trang xa xỉ “lao dốc”, tạo ra bức tranh ảm đạm trong năm 2023. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Khó khăn của đơn vị phân phối độc quyền
Bên cạnh các doanh nghiệp phân phối đa thương hiệu, đơn vị phân phối độc quyền một nhãn hàng cao cấp cũng ghi nhận sự sụt giảm doanh số trong năm 2023.
Sau 2 năm thống trị thị trường xa xỉ Việt Nam, Louis Vuitton Việt Nam bất ngờ nhường ngôi cho Chanel Việt Nam. Doanh thu của thương hiệu quốc tế này giảm 22,5%, chỉ đạt dưới 1.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến 38%.
Mặc dù vươn lên vị trí dẫn đầu trong năm 2023 với doanh thu đạt gần 1.900 tỷ đồng, Chanel Việt Nam vẫn chứng kiến sự suy giảm ở mức 13,6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế giảm sâu đến 51%.
Christian Dior Việt Nam có hoạt động kinh doanh ổn định hơn nhiều doanh nghiệp phân phối độc quyền khác. Doanh thu năm 2023 của nhãn hàng đạt 1.500 tỷ đồng, chỉ giảm 9,5% so với năm 2022. Hãng cũng có mức lợi nhuận sau thuế cao nhất trong ngành phân phối độc quyền thương hiệu, song vẫn giảm 30% so với năm 2022.
Gucci Việt Nam sở hữu quy mô nhỏ hơn 3 “ông lớn” trên. Doanh thu của đơn vị này trong năm 2023 chỉ đạt 750 tỷ đồng, giảm đến 30% so với mức 1.000 tỷ đồng vào năm 2022. Đáng chú ý, Gucci Việt Nam chứng kiến mức giảm lợi nhuận 77% sâu nhất thị trường xa xỉ.
Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng kinh doanh ảm đạm này còn được phản ánh trên cả thị trường khác.
Tại châu Âu, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng cao cấp cũng đang đối mặt với thách thức khi chi phí mặt bằng cao, doanh số trên cửa hàng liên tục sụt giảm. Theo báo cáo của Bain & Company, doanh thu từ thị trường xa xỉ phẩm ở châu Âu đã giảm từ mức 112 tỷ USD vào năm 2022 còn khoảng 105 tỷ USD năm 2023.
Hai thị trường chủ lực Mỹ và Trung Quốc cũng không còn sôi động trong những năm gần đây. Sức mua giảm sút ảnh hưởng mạnh đến các thương hiệu xa xỉ yếu.
Tháng 8, nhà mốt Burberry thay thế giám đốc điều hành và đưa ra cảnh báo lợi nhuận. Cổ phiếu của công ty giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Lợi nhuận của hãng đồng hồ Swatch giảm 70% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2023. Thương hiệu thời trang Hugo Boss cũng đưa ra cảnh báo lợi nhuận và cho biết số lượng khách hàng tại các cửa hiệu Trung Quốc giảm mạnh.
Theo Wall Street Journal, một số khó khăn của ngành công nghiệp này do họ tự tạo ra. Do tập trung phục vụ khách hàng siêu giàu, tăng giá sản phẩm lên mức cao, các thương hiệu xa xỉ đánh mất người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu lại là những người tiêu dùng góp phần lớn vào doanh thu nhãn hàng.