Các thương hiệu tầm trung như Zara và Pandora phát triển mạnh trong khi các thương hiệu xa xỉ gặp khó khăn suốt năm nay. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Năm 2024 ghi nhận những thách thức chưa từng có đối với ngành hàng xa xỉ. Cổ phiếu các ông lớn như Burberry lao dốc không phanh, trong khi Gucci xuất hiện tràn lan trên các kệ hàng giảm giá.
Hàng tồn kho chất đống trong các cửa hàng sang trọng, cùng với sự suy yếu của thị trường Trung Quốc, vốn là nguồn thu đáng tin cậy. Tất cả đã tạo nên một bức tranh ảm đạm cho ngành công nghiệp này.
Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng, vốn đã quen với việc vung tay mua sắm hàng hiệu, buộc phải thắt chặt hầu bao và tìm đến những lựa chọn “bình dân” hơn, theo Business Insider.
Người tiêu dùng đang chuyển sang những lựa chọn thiết thực và tiết kiệm chi phí hơn do áp lực lạm phát. Ảnh minh họa: @Glowrah. |
Khó khăn chồng chất
Theo Claire Tassin, nhà phân tích bán lẻ và thương mại điện tử tại Morning Consult, người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng có thu nhập trung bình, đang có xu hướng chuyển dịch sang các thương hiệu tầm trung như Zara và Pandora.
“Áp lực lạm phát đối với nhà ở và chi phí sinh hoạt đã khiến nhiều người không còn khả năng chi tiêu mạnh tay như trước đây”, bà Tassin nói.
Những người tiêu dùng này từng sử dụng tiền tiết kiệm trong đại dịch để mua sắm những chiếc túi xách hay đồ trang sức hàng hiệu trị giá hàng nghìn USD.
“Các thương hiệu cung cấp sản phẩm ‘hàng hiệu giá rẻ’ hoặc thời trang có giá thành phải chăng đang nắm bắt cơ hội thành công khi người tiêu dùng điều chỉnh thói quen chi tiêu”, Federica Levato, đối tác cấp cao tại Bain & Company, chia sẻ đồng quan điểm.
Pandora mở rộng danh mục sản phẩm sang các dòng trang sức khác như kim cương nhân tạo và ngọc trai nhằm đa dạng hóa đối tượng khách hàng. Ảnh: Pandora Malaysia Official. |
Cơ hội cho ‘hàng hiệu giá rẻ’
Không chỉ đơn thuần là hưởng lợi từ thời cuộc, các thương hiệu tầm trung như Zara và Pandora đã có những bước đi chiến lược bài bản trong nhiều năm qua để củng cố vị thế và tối đa hóa lợi nhuận.
Cổ phiếu của Inditex, công ty mẹ Tây Ban Nha của Zara, và Pandora của Đan Mạch đều tăng 26% trong năm nay. Doanh thu hàng quý lần lượt tăng 11% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cổ phiếu niêm yết của chủ sở hữu Gucci, và LVMH, chủ sở hữu Louis Vuitton, lại đang giảm.
“Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ở phân khúc bình dân và phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc tầm trung ngày càng mất đi sức hút”, Jelena Sokolova, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại Morningstar, nhận định.
Bà cho rằng thị trường đang trong thời điểm chuyển giao. Người tiêu dùng đang tìm kiếm những thương hiệu đáp ứng được nhu cầu của họ, những người không quá eo hẹp về tài chính nhưng cũng không còn đủ khả năng chi trả cho những món đồ xa xỉ. Đây là cơ hội vàng cho các thương hiệu tầm trung.
Sau cuộc suy thoái năm 2008, các thương hiệu như Michael Kors và Coach cũng đã tận dụng thời cơ để vươn lên mạnh mẽ. Hiện tại, Zara và Pandora đang đi theo đúng con đường đó, tận dụng sự suy yếu của thị trường xa xỉ để mở rộng thị phần.
Các thương hiệu cung cấp hàng hiệu giá rẻ đang gặt hái thành công khi người tiêu dùng điều chỉnh thói quen chi tiêu. Ảnh minh họa: Bloomberg. |
Zara đã khẳng định vị thế của mình nhờ chuỗi cung ứng linh hoạt và chiến lược sản xuất gần thị trường tiêu thụ chính là châu Âu.
Thương hiệu thời trang tầm trung nổi tiếng với khả năng nắm bắt và tái hiện nhanh chóng các xu hướng thời trang cao cấp dù có mức giá thấp hơn các thương hiệu xa xỉ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, là một yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Tại đây, người tiêu dùng có thể tìm thấy áo khoác da với giá 349 USD bên cạnh blazer 70 USD và bốt da thật 229 USD, đáp ứng nhu cầu thời trang đa dạng của khách hàng.
Pandora cũng mở rộng tầm nhìn ra khỏi thị trường ngách này để hướng tới đối tượng khách hàng rộng lớn hơn, những người tìm kiếm trang sức cao cấp với giá thành phải chăng. Thương hiệu từng được biết đến với dòng sản phẩm vòng tay charm đặc trưng, tự định vị là “thương hiệu toàn cầu duy nhất trong thị trường trang sức xa xỉ giá rẻ”.
Dù những người mua nhẫn đính hôn Cartier có thể không tìm đến Pandora, với các sản phẩm quà tặng nhỏ hơn, thương hiệu này vẫn thành công mở rộng cơ sở khách hàng nhờ quy mô vượt trội so với đối thủ chính là Swarovski.
Cả Zara và Pandora đều đã tận dụng tốt thời cơ thị trường xa xỉ suy giảm để gia tăng thị phần. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho họ là làm thế nào để duy trì sức hấp dẫn khi người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cho hàng xa xỉ trở lại.