Cú lừa ở liên hoan phim

“Joker 2” gây tranh cãi nội dung vẫn được tán dương hơn 11 phút. Trong khi đó, “Maria” và “Babygirl” nhận mưa lời khen nhưng tràng vỗ tay chỉ dừng ở 7, 8 phút.

Liên hoan phim Venice hay Cannes từ lâu đã nổi tiếng với những tràng vỗ tay kéo dài. Hành động này nhằm tôn vinh các tác phẩm ở sự kiện. Phim nào càng xuất sắc, ấn tượng, giới chuyên môn và khách mời sẽ dành sự hoan nghênh kéo dài nhiều phút, đỉnh điểm là Pan’s Labyrinth từng nhận được 22 phút tán thưởng vào năm 2006.

Tuy nhiên, tại Liên hoan phim Venice năm nay, công chúng cảm thấy khó hiểu khi nhiều bộ phim gây tranh cãi lại được vỗ tay lâu hơn các tác phẩm sở hữu kịch bản tốt, dàn diễn viên diễn xuất ổn định.

Tranh cãi Joker 2 được vỗ tay kéo dài 11 phút

Hôm 4/9 (giờ địa phương), Joker: Folie à Deux được giới thiệu ở Liên hoan phim Venice. Ngay sau khi bộ phim kết thúc, khán giả đồng loạt đứng dậy và bắt đầu tràng vỗ tay 11 phút dành cho đạo diễn Todd Phillips cùng đoàn phim. Điều này khiến các cây bút phê bình phim cảm thấy khó hiểu vì tác phẩm vốn tồn tại nhiều lỗ hỏng, nội dung dài lê thê, gây thất vọng.

Phim đạt số điểm 60% trên Rotten Tomatoes, sát rìa “cà thối”. Chuyên trang IGN chỉ chấm 5/10 điểm, đánh giá phim làm uổng phí tiềm năng yếu tố nhạc kịch và chính kịch, tình tiết rời rạc, không bổ sung ý nghĩa cho phần đầu. Lady Gaga trong vai Harley Quinn, bị cho là thiếu đất diễn.

vo tay o LHP anh 1

11 phút tán thưởng được cho là quá lố đối với bộ phim gây tranh cãi như Joker 2. Ảnh: Variety.

The Room Next Door do Pedro Almodóvar đạo diễn, được tán thưởng trong 17 phút, gần bằng 1/6 thời lượng phim. Đây là tràng pháo tay dài nhất mùa giải. Tác phẩm sau đó thắng luôn cúp Sư tử Vàng, nên The Guardian cho rằng sự hưởng ứng của người xem là xứng đáng, hợp lý.

Trái lại, dấu chấm hỏi lớn được đặt ra cho Babygirl. Bộ phim 18+ đầy khiêu khích với sự tham gia của Nicole Kidman nhận 90% điểm “tươi” từ 20 bài đánh giá trên chuyên trang Rotten Tomatoes.Metacritic chấm phim 81/100 điểm, cho rằng tác phẩm “xứng đáng được hoan nghênh toàn cầu”.

Dẫu minh tinh Australia có biểu diễn đẳng cấp, lột tả xuất sắc hình tượng nữ CEO lẳng lơ có nội tâm phức tạp như thế nào, bộ phim cũng chỉ được 7 phút vỗ tay.

Khá khẩm hơn một chút, 8 phút là thời gian các khách mời đã dành để tán dương Angelina Jolie cùng bộ phim Maria. Trong phim này, Jolie hóa thân thành biểu tượng opera Maria Callas, vai diễn mà The Telegraphkhẳng định là “vai hay nhất của Angelina trong 15 năm qua”. Variety đánh giá cô có khả năng trở thành ứng viên trong cuộc đua Nữ chính xuất sắc ở mùa giải Oscar 2025.

Với sự thể hiện đó, Kidman và Jolie được nhận định xứng đáng với sự tôn vinh dài hơi hơn ở sự kiện.

Trong khi đó, The Guardian dùng từ “ngạc nhiên” để nói về việc Wolfs chỉ được vỗ tay 4 phút dù phim có 2 tên tuổi đình đám là Brad Pitt và George Clooney – một công dân danh dự thực sự của Venice. “Có lẽ đôi khi một tràng pháo tay bị cắt ngắn đi là cách lịch sự để khán giả tập trung đưa ra nhận xét chung về những gì họ vừa xem”, tờ báo dùng lời lẽ châm biếm.

Đằng sau sự phô trương kéo dài

Việc đứng dậy vỗ tay, dù nhẹ nhàng hay nồng nhiệt, luôn là truyền thống ở các lễ hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có vẻ điều này đã trở thành một trò quảng cáo lố lăng.

Các hãng tin tức phim liên tục đưa tin về việc đứng dậy vỗ tay vì đây là cách dễ dàng và hấp dẫn để truyền tải sự phấn khích của lễ hội đến độc giả. Thế nhưng, những khán giả yêu phim thực thụ đã chế giễu chuyện này, ngụ ý rằng số liệu về những tràng vỗ tay chỉ giúp tăng lượng truy cập trên báo.

Không chỉ hãng tin, các chuyên viên PR và hãng phim cũng nhắm vào thời lượng tán dương để đẩy truyền thông cho tác phẩm của họ. Tại Cannes, cây bút Guy Lodge của The Guardian từng nhận được email thông cáo báo chí từ công ty điện ảnh hàng đầu thế giới The Match Factory, với nội dung quảng cáo về độ dài của tràng pháo tay dành cho bộ phim kinh dị khiêu dâm Motel Destino.

vo tay o LHP anh 2

Motel Destino bị chê bai khi ra mắt ở Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5. Ảnh: Variety.

Đây không phải lần đầu tiên Lodge nhận những email như vậy. Ông cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy các hãng phim chỉ ngày càng chú trọng vào việc tác phẩm của họ được tán dương nhiều đến mức nào ở liên hoan phim, nhưng đôi khi những tràng vỗ tay đó đã “đánh lừa” chất lượng phim thực tế.

Đơn cử, Motel Destino mặc dù được PR rầm rộ về hiệu ứng khán giả, song nhận nhiều ý kiến trái chiều ở liên hoan phim và không giành được bất kỳ giải thưởng nào.

“Tràng pháo tay tại các liên hoan phim có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong các bối cảnh khác nhau, nhưng không ý nghĩa gì đối với triển vọng dài hạn hay chứng minh được rằng bộ phim đó có chất lượng hay không”, The Guardian kết luận.

Trước đó, tờ báo này cũng đăng bài viết bài viết Clapped out: do film festival standing ovations really mean anything? (tạm dịch: Vỗ tay: Sự hoan nghênh nhiệt liệt tại liên hoan phim có thực sự có ý nghĩa gì không?).

Hay Esquire Middle East với bài Why Cannes ‘standing ovation’ reporting has gotten out of hand? (tạm dịch: Tại sao tường thuật vỗ tay nhiệt liệt tại Cannes đã vượt quá tầm kiểm soát) để nói về việc những tràng pháo tay ngày càng trở nên vô nghĩa.


Cùng chuyên mục