Cuộc chạm trán nghẹt thở với quái vật ngoài hành tinh

“A Quiet Place: Day One” mở rộng bức tranh về cuộc đối đầu căng thẳng giữa con người và lũ quái vật ngoài hành tinh mang tên Death Angels.

A Quiet Place, như nhiều cây bút phê bình nhận định, là một nét chấm phá đặc sắc của thể loại kinh dị/giật gân giữa rừng phim cùng thể loại. Ý tưởng độc đáo cùng công thức pha trộn hài hòa giữa nỗi bức bối, ngột ngạt và sự ám ảnh, đã tạo ra trải nghiệm điện ảnh mới lạ, làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn của khán giả về dòng phim kinh dị “hạng B”.

6 năm kể từ khi phần phim đầu tiên ra đời, A Quiet Place đã thành công lan truyền nỗi sợ hãi trước những con quái vật ngoài hành tinh sở hữu siêu thính giác. Sự trở lại của Day One không chỉ tiếp nối hành trình khám phá cuộc đối đầu giữa chúng và nhân loại, mà còn đưa người xem về điểm khởi nguồn của chuỗi ngày cả thế giới chìm trong im ắng.

Đối mặt với tận thế

Tiền truyện Vùng đất câm lặng theo chân nữ chính Sam vào thành phố New York, cùng ngày lũ quái vật đổ bộ Trái đất. Chuyện phim tái hiện hồi cáo chung của một trong những đô thị nhộn nhịp, sầm uất với mức tiếng ồn cao nhất thế giới. Nhưng đồng thời, nó cũng mở ra một hành trình mới cho Sam, cô nàng mắc ung thư giai đoạn cuối đang dần trở nên héo mòn tại một bệnh viện điều dưỡng tại vùng ngoại ô.

Đồng hành cùng cô là chú mèo hỗ trợ trị liệu Frodo và anh chàng sinh viên ngành Luật tên Eric. Mắc kẹt giữa thành phố lúc nhúc quái vật, họ phải tìm đường thoát thân, giữ mạng trước những kẻ săn mồi có thể kết liễu mình bất cứ lúc nào.

Vung dat cam lang,  A Quiet Place,  Day One anh 1

Day One có ngân sách 67 triệu USD.

Trong Day One, Lupita Nyong’o, chủ nhân tượng vàng Oscar lần thứ 86, hóa thân Sam, người đang kiệt quệ vì căn bệnh vô phương cứu chữa. Không khó để nhận ra sự tuyệt vọng, mất phương hướng nhấn chìm cô nàng ngay từ khi những thước phim đầu tiên hé mở. Nhân vật lựa chọn sống khép mình, không ngần ngại thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của bản thân theo cái cách thô lỗ, cộc cằn và xấu tính nhất.

Chuyến đi tới New York để xem kịch rối cùng những bệnh nhân khác chẳng ngờ lại là thảm kịch. Trước mắt cô là cảnh tượng cả thành phố chìm trong hỗn loạn khi trận mưa thiên thạch trút xuống, kéo theo bầy đàn quái vật khát máu.

Giữa hiện thực thảm khốc, giữa cả triệu người nháo nhào tìm nơi trú ẩn, Sam lại chọn tìm về quán nhạc từng lưu giữ kỷ niệm của mình và người cha quá cố. Cô cũng muốn thưởng thức món pizza yêu thích từng ăn cùng ông khi xưa.

Sam không phải nguyên mẫu nhân vật (archetype) ngu ngốc thường thấy trong dòng phim kinh dị. Cô có ý định, có mục tiêu rõ ràng. Đích đến của cô giữa bối cảnh tận thế lại vô cùng đơn giản, đó là thưởng thức một miếng pizza tại cửa hàng mình yêu thích, tới quán nhạc chất chứa những hồi ức mà khoảng thời gian vật lộn với bệnh tật khiến cô không ngừng nhung nhớ.

Bước chân đi ngược với dòng người của Sam ban đầu có chút gì đó thanh thản và bất cần.

Bởi cô dường như chẳng còn động lực để tiếp tục tồn tại: không gia đình, bạn bè, cũng không phải nữ anh hùng khoác lên mình trọng trách bảo vệ thế giới. Căn bệnh ung thư giai đoạn cuối triệt tiêu hầu hết khao khát tồn tại của nhân vật. Vì từng có khoảng thời gian dài chống chọi với bệnh tật, tác động của nỗi sợ hãi trước cái chết không còn quá lớn trong tâm trí cô.

Thế nhưng, sự hiện diện của Frodo và anh chàng sinh viên ngành Luật khiến Sam thay đổi. Khao khát sống trỗi dậy trong nhân vật, dù chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi, song đủ mạnh mẽ. Đó cũng là khi cô tìm lại được sự kết nối với những khoảnh khắc tươi đẹp mình từng có. Sam muốn sống thêm dù chỉ một chút, muốn cái chết của mình không buông xuôi, vô nghĩa.

Diễn ra trong bình lặng tuyệt đối, hành trình ngắn ngủi này đẹp đẽ và đầy thổn thức, về cách mỗi cá nhân tìm lại ánh sáng trong bối cảnh tối tăm, tuyệt vọng nhất. Đó cũng là điều khiến người xem đồng cảm với nhân vật, thấy thanh thản khi tiếng nhạc Feeling Good vang lên trong iPod khi Sam bước trên phố vắng, mỉm cười chấp nhận số phận sau khi đã cứu một mạng người.

Vung dat cam lang,  A Quiet Place,  Day One anh 2

Màn trình diễn xuất thần của Lupita Nyong’o.

Từng cung bật cảm xúc, từ nỗi sợ hãi, bất lực, tuyệt vọng, chán nản, đau đớn cho tới khi lấy lại động lực và đầy sự quyết tâm đều được tái hiện tròn trịa qua diễn xuất của Lupita Nyong’o. Trong bóng tối mịt mờ, giữa khói bụi phủ ngập thành phố, đôi mắt mở to, ầng ậng nước của Sam để lại những ám ảnh, day dứt vô hạn.

Giữ miệng, giữ mạng

Vượt ra khỏi bối cảnh hai phần hậu truyện, A Quiet Place: Day One đưa khán giả từ vùng ngoại ô hẻo lánh tới siêu đô thị New York.

Vẫn là màn trình diễn của sự im lặng, với những thước phim dài im ắng bóp nghẹt người xem khi chứng kiến nhân vật phải đè nén cảm xúc để đổi lấy sự an toàn. Quy tắc sinh tồn quan trọng này vẫn được giữ lại, là chất liệu chủ đạo tạo nên bầu không khí căng thẳng trong tác phẩm của Michael Sarnoski.

Nếu như gia đình Abbott trong hai phần phim tiền nhiệm đã hoàn thiện kỹ năng để sống sót qua thời gian dài lẩn trốn, thì những cư dân New York trong “ngày đầu tiên” phải trả giá rất đắt mới biết được quy tắc sinh tồn.

Đặc điểm về lũ quái vật ngoài hành tinh (Death Angels) cũng hiện rõ trong Day One. Không ít thước phim lột tả hình dạng lũ quái vật bí ẩn ở cự ly gần. Những thực thể đáng sợ với kích cỡ gấp nhiều lần con người, dù bị mù nhưng lại sở hữu đôi tai siêu thính.

Death Angel cũng rất nhạy cảm với âm thanh tần số cao, sẵn sàng lao tới với tốc độ chóng mặt và dùng cặp móng sắc nhọn xé xác con mồi bất hạnh lỡ phát ra tiếng động lớn.

Song, những chi tiết về nguồn gốc và nguyên nhân chúng lựa chọn Trái đất là mục tiêu vẫn chưa được hé lộ cụ thể. Người xem không biết được điều gì khiến chúng quyết định tấn công và nán lại hành tinh này.

Dẫu vậy, một đặc điểm quan trọng được khẳng định về Death Angels là chúng không biết bơi. Trước đó trong phần 2, nhóm người sống sót đã di tản đến những hòn đảo nhỏ vì lũ quái vật không thể theo họ. Còn với Day One, người dân New York nhận lệnh sơ tán khẩn cấp đến bến cảng, nơi những chiếc thuyền cứu nạn sẵn sàng đựa họ trốn khỏi thành phố đang bị lũ quái vật chiếm đóng.

Nguyên nhân Death Angels không trực tiếp xơi tái các nạn nhân của chúng cũng đã được hé mở ở phần phim này. Trong cảnh Eric liều mạng đi tìm thuốc giảm đau cho Sam, anh chứng kiến lũ quái vật chia sẻ thức ăn còn sót lại trong các vật thể lạ hình nấm. Theo tiết lộ từ tác giả, đó chính là nguồn thức ăn dự trữ mà Death Angels sử dụng xác của con người làm “phân bón”.


Cùng chuyên mục