Đám cưới xa hoa ở Trung Quốc trên đà biến mất

Giới trẻ Trung Quốc đang nỗ lực tổ chức đám cưới theo ý mình, hạn chế những nghi thức rườm rà và xa hoa mà đám cưới truyền thống thường có.

Khi quyết định kết hôn vào tháng 2, A Kang và bạn đời không muốn tổ chức một đám cưới truyền thống. Với họ, những nghi lễ, hình thức tổ chức vốn phổ biến ở Trung Quốc, như dàn xe limousine, nhẫn kim cương, bữa tiệc xa hoa và người dẫn chương trình chuyên nghiệp, là lãng phí và vô nghĩa.

Vì vậy, cặp đôi quyết định đi theo một hướng hoàn toàn khác. Họ thuê một phòng tiệc đơn giản, nhờ gia đình giúp đỡ việc phục vụ ăn uống và tự mình tổ chức buổi lễ. Hai vợ chồng A Kang đến địa điểm tổ chức bằng một chiếc xe tải nhỏ mà anh thuê.

Cặp đôi không phải là những người duy nhất làm điều này. Giới trẻ Trung Quốc đang ngày càng muốn từ bỏ những đám cưới truyền thống và đón nhận những nghi lễ tối giản, cá nhân hóa hơn. Hành động này được thúc đẩy bởi sự thay đổi giá trị xã hội và mong muốn tiết kiệm tiền của những người trẻ, theo Sixth Tone.

dam cuoi xa hoa,  dam cuoi Trung Quoc, san khau dam cuoi dep, loi dan mc dam cuoi anh 1

Người trẻ Trung Quốc đang muốn bỏ những nghi lễ phức tạp trong đám cưới. Ảnh minh họa: The Knot.

Ngày tàn của đám cưới xa hoa

Nhiều năm qua, các đám cưới ở Trung Quốc trở nên quá xa hoa, lãng phí và không còn phản ánh đúng bản chất của tình yêu và hôn nhân. Khi kinh tế đất nước bùng nổ, các gia đình bắt đầu chi khoản tiền lớn để tổ chức những buổi lễ đắt đỏ hơn bao giờ hết. Họ thường cạnh tranh với nhau xem ai có thể chi tiêu nhiều nhất cho đám cưới.

Chi phí trung bình cho một đám cưới ở Trung Quốc hiện vượt quá 330.000 NDT (45.600 USD), gấp hơn 8 lần thu nhập khả dụng trung bình hàng năm của một hộ gia đình Đám cưới càng đặc biệt cầu kỳ ở các thành phố giàu có như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Phúc Kiến.

Nhưng các cặp đôi trẻ thường ghét những sự kiện quá lố này.

Trong một cuộc khảo sát về giới trẻ Trung Quốc do China Youth Daily công bố gần đây, 80% trong số 1.500 người được hỏi cho biết họ muốn tổ chức một đám cưới đơn giản.

Trước đây, hầu hết cặp vợ chồng đều làm theo mong muốn của cha mẹ, ngay cả khi họ không hài lòng về điều đó.

Nhưng giới trẻ Trung Quốc ngày nay cứng đầu hơn thế hệ trước. Ngày càng có nhiều người như A Kang và vợ của anh ấy nhất quyết tổ chức đám cưới mà họ muốn.

Khi A Kang tải một video ghi lại đám cưới tối giản của mình lên Bilibili vào tháng 4, nó đã tạo ra phản ứng rất lớn từ những người dùng Gen Z trên nền tảng này.

Với tiêu đề “Những phần nào của đám cưới có thể được bỏ qua? Câu trả lời của tôi là: Tất cả”, video nhanh chóng thu hút hơn 2,6 triệu lượt xem và 3.600 bình luận.

Đám cưới tối giản

Người dùng dành nhiều lời khen ngợi cho A Kang và vợ vì cách tiếp cận của họ. Nhiều người đồng ý rằng đám cưới truyền thống gây quá nhiều áp lực cho các cặp đôi và gia đình hai bên.

Ngoài ra, một số bình luận cũng chia sẻ câu chuyện đám cưới do chính họ tự tay chuẩn bị.

Một người dùng kể lại việc cô tổ chức tiệc cưới tại một nhà hàng gần nhà, chỉ mời 20 người. Cô mua một chiếc váy với giá 200 NDT, trong khi đó chồng cô mua một bộ vest đen với giá 1.000 NDT. Cô dâu này cũng tự trang điểm tại nhà.

“Không nghi lễ, không dẫn chương trình, không cúi đầu, không trà đạo, không lời thề, không quay video hay chụp ảnh chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ cùng ăn tối và bắt taxi về nhà. Từ nhỏ, tôi đã luôn mơ ước được kết hôn mà không lãng phí tiền vào những thứ không cần thiết trong bữa tiệc. May mắn thay, tôi đã gặp được người hiểu và tôn trọng tôi”, người phụ nữ viết.

Ngoài yếu tố tài chính, giới trẻ Trung Quốc phản đối những đám cưới xa hoa vì những căng thẳng và rắc rối liên quan đến chúng.

dam cuoi xa hoa,  dam cuoi Trung Quoc, san khau dam cuoi dep, loi dan mc dam cuoi anh 6

Tất cả những nghi thức rườm rà khiến các cặp đôi mới cưới mệt mỏi. Ảnh minh họa: Senica Productions.

Tất cả nghi thức như rước dâu, dâng trà, chụp ảnh ngoài trời, diễn tập cho buổi lễ cùng phù dâu, phù rể, trao nhẫn, phát biểu, nâng ly và tung hoa… có thể khiến các cặp đôi mới cưới mệt mỏi.

Đặc biệt, hủ tục náo hôn khiến nhiều người bất bình, gần 65% thanh niên nói với China Youth Daily rằng họ phản đối tục lệ này. Náo hôn (naohun) là tục lệ xuất hiện từ thời nhà Hán và tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm nay. Theo tục này, những khách bên nhà trai sẽ khuấy động hôn lễ bằng cách trêu chọc cô dâu, chú rể và cả các phù dâu.

Theo Huang Xiaojiang, Giám đốc khoa Quản lý và Dịch vụ đám cưới của trường Cao đẳng Hành chính Xã hội Bắc Kinh, giới trẻ Trung Quốc hiện có xu hướng ưu tiên sự đơn giản và cá nhân hóa khi tổ chức đám cưới. Sính lễ cho cô dâu quá cao và những trò chơi đám cưới ồn ào cũng trở nên kém phổ biến hơn.

Chen Siyu (29 tuổi, Thượng Hải) nói với Sixth Tone rằng khi tổ chức đám cưới, anh quyết tâm làm điều gì đó độc đáo.

“Tôi hy vọng đám cưới có thể thực sự phản ánh mong muốn và phong cách của riêng tôi chứ không chỉ đơn giản là đáp ứng những kỳ vọng từ truyền thống gia đình hay xã hội”, anh nói.

Chen đã tổ chức tiệc cưới vào tháng 4 tại một nhà hàng trên Bến Thượng Hải, chỉ mời 18 người bạn và gia đình. Không có đồ trang trí cầu kỳ nhưng mỗi vị khách đều có thể lên sân khấu gửi lời chúc phúc cho cặp đôi mới cưới và chia sẻ những kỷ niệm thú vị về họ.

Tiệc cưới giản tiện đã giúp vợ chồng Chen chi tiêu cho một thứ xa hoa khác mà họ mong đợi, đó chính là tuần trăng mật.

“Chúng tôi bay ở khoang hạng nhất, ở trong những khách sạn sang trọng, tự chụp ảnh cưới bên bờ biển. Đây mới là những điều chúng tôi muốn làm và là cách ăn mừng tuyệt vời nhất”, Chen nói.

  • Áo chống nắng đã bớt xấu

    Vượt qua định kiến về sự thiếu thẩm mỹ, trang phục chống nắng ngày càng trở nên thời thượng hơn, tạo thành thị trường tỷ USD tại Trung Quốc.

  • Sự biến mất của mức lương triệu USD tại Trung Quốc

    Giới phân tích tài chính Trung Quốc không còn là “ngôi sao” được săn đón với mức lương triệu USD. Ngành nghề này đang chứng kiến làn sóng cắt giảm nhân sự sau nhiều năm mở rộng.


Cùng chuyên mục