Mister Vietnam 2024 (Người mẫu nam Việt Nam) được tổ chức với mục đích “giúp các thí sinh có hình thể, kỹ năng chưa hoàn thiện trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình”. Cuộc thi đã đi hơn nửa chặng đường, các gương mặt sáng dần lộ diện. Tuy nhiên, sân chơi này vấp tranh cãi trong cách tổ chức.
Thí sinh khoe body quá nhiều
Từ vòng sơ tuyển đến các tập phát sóng và hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi, dàn thí sinh liên tục khoe body với đồ bơi, áo trong suốt hoặc ôm sát, trang phục xuyên thấu. Họ để lộ nhiều % cơ thể khi chụp ảnh, thậm chí phỏng vấn trước giám khảo.
Trên kênh TikTok Mister Vietnam cũng không ngừng đăng tải video hậu trường các chàng trai tạo dáng gợi cảm. Điều này cho thấy cuộc thi tập trung nhiều vào việc khai thác ngoại hình của thí sinh để gây chú ý, khiến sân chơi phần nào trở nên “xôi thịt”.
Bên cạnh bình luận khen body thí sinh săn chắc, có nhiều người tỏ ra ngán ngẩm vì tần suất các ứng viên tạo dáng khoe cơ bắp quá dày dặc. Một người viết: “Vẫn chưa hiểu thi gì và để làm gì, suốt ngày chỉ thấy các anh khoe thân”. Người khác đồng tình, nói thêm: “Vẻ đẹp nam giới chỉ nằm ở đó thôi sao?”.
Đến lúc này, mặc dù đã trải qua các vòng thể hiện kỹ năng nói, song thí sinh vẫn được nhớ đến nhiều hơn ở câu chuyện show hình thể. “Nhìn các đoạn video, tôi liên tưởng đến quán bar ở Thái Lan”, “Một số thí sinh nên dùng phụ kiện hỗ trợ để tiết chế vùng nhạy cảm khi chụp ảnh”… là ý kiến khác của khán giả.
Mister Vietnam bị phản ứng vì lạm dụng việc khoe body của thí sinh. |
Đối với phiên bản gốc, Mister International cho phép thí sinh tự tin thể hiện vẻ đẹp cơ bắp ở phạm vi chừng mực vì muốn tôn vinh sự phấn đấu, nỗ lực tập luyện cũng như nét nam tính của phái mạnh. Tuy nhiên, tại Mister Vietnam, ban tổ chức đang cho thấy họ đi xa mục đích đó.
Từ tình trạng lạm dụng khoe body ở Mister Vietnam, những cuộc thảo luận về tiêu chuẩn chọn đại diện cho vẻ đẹp của nam giới nổ ra. Đa số ý kiến đồng tình quan điểm rằng một cơ thể 6 múi, săn chắc chỉ là điều kiện cần, chứ không đủ đối với một nam vương, hay người mẫu nam. Thêm nữa, Mister Vietnam không phải cuộc thi thể hình, do đó các tiêu chí khác cần được chú trọng hơn.
Diễn ra cùng thời điểm với một cuộc thi dành cho nam giới khác, Mister Vietnam không tránh khỏi bị so sánh. Trái ngược sự “bội thực” khoe thân của thí sinh Mister Vietnam, cuộc thi kia tổ chức nhiều hoạt động thể thao, từ thiện, trồng cây, phần thi đối đầu, phản biện… và ở chặng nước rút mới tung bộ ảnh thể hình của dàn ứng viên.
Ngoài tranh cãi khoe thân, Mister Vietnam sau khi phát sóng cũng bị chỉ trích vì giám khảo bình phẩm tiêu cực về hình thể, xoáy vào giới tính thí sinh.
Nam giới tìm kiếm điều gì khi thi sắc đẹp?
So với sân chơi hoa hậu, cuộc thi dành cho nam “lép vế” về độ nổi tiếng, sức ảnh hưởng, song cũng được tổ chức bài bản, đều đặn mỗi năm. Trên thế giới hiện có các đấu trường lớn gồm Mister World (Mr World), Manhunt International, Mister International, Mister Global và Mister Supranational.
Trong đó, tổ chức Mister International giới thiệu mục đích cụ thể của họ là “trao quyền cho nam giới đạt được các mục tiêu cá nhân, nghề nghiệp và từ thiện thông qua những trải nghiệm giúp xây dựng sự tự tin và đóng vai trò là chất xúc tác cho thành công trong tương lai”.
Trái lại, một số sân chơi vừa và nhỏ không nêu tiêu chí rõ ràng. Những vòng thi chủ yếu tập trung vào việc phô diễn body thí sinh, gây ngán ngẩm. Theo Fashionlawjournal, xu hướng nam giới cạnh tranh ngôi vương có phát triển nhưng vẫn gây tranh cãi vì nguyên nhân trên.
Các cuộc thi sắc đẹp dành cho nam ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: Mister International. |
“Tổ chức sự kiện hoặc cuộc thi mà người tham gia khoe khoang cơ bắp không sai. Nhưng cuộc thi nam vương cần đánh giá dựa trên trí thông minh của quý ông. Nếu chỉ đơn giản cởi áo khoe múi bụng thì chẳng khác nào giống sự kiện thể thao hơn là thi sắc đẹp”, tờ báo viết.
Fashionlawjournal cho rằng rất nhiều chàng trai khéo léo, dí dỏm và tài năng dù không sở hữu thân hình quá chuẩn, và việc giám khảo chỉ chấm điểm họ dựa trên hình thể là không công bằng.
Trong cuộc phỏng vấn cách đây không lâu, Muhammad Hayatmin Bin Redwan – Mr Supranational Singapore 2021 – cho biết anh vượt định kiến “đàn ông chỉ biết khoe cơ bắp” để thi sắc đẹp. Thông qua cuộc thi, anh muốn thể hiện tiếng nói và sức ảnh hưởng trong việc ủng hộ các vấn đề xã hội, chẳng hạn sức khỏe tâm thần, lòng tự trọng và nhận thức về nạn bắt nạt trên mạng.
Anh bày tỏ: “Danh hiệu nam vương không làm tôi kém nam tính hơn. Chỉ những người đàn ông can đảm mới dám tham gia sân chơi sắc đẹp và không sợ thất bại trước khán giả”.
Trong khi đó, Iqmal Muhammad, người sở hữu nhiều sân chơi sắc đẹp ở Indonesia, bao gồm cả ManHunt Indonesia, cho biết nhu cầu tham gia cuộc thi nam vương ngày càng cao vì đàn ông cũng khao khát “đổi đời” như phụ nữ.
Muhammad nói: “Có thể có một cuộc thi diễn ra hàng tuần trên khắp Indonesia hoặc Philippines. Cái tên chiến thắng sẽ thu hút lượng người theo dõi đáng kinh ngạc trên phương tiện truyền thông, từ đó họ có nhiều cơ hội theo đuổi sự nghiệp người mẫu, diễn viên và nghệ sĩ giải trí”.