Lê Tuấn Khang phải đối mặt với những hệ lụy của sự nổi tiếng nhanh chóng. Ảnh: FB/Lê Tuấn Khang. |
Khi Lê Tuấn Khang (sinh năm 2022, đến từ Sóc Trăng) bất ngờ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, cuộc sống của nhà sáng tạo nội dung này bị xáo trộn ít nhiều.
Đáng chú ý, hình ảnh của anh và người yêu cũ bị cộng đồng mạng đào bới. Chuyện tình cảm riêng tư của TikToker này lập tức trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội.
Đỉnh điểm, một số tài khoản giả mạo đăng tải hình ảnh, clip của Tuấn Khang và bạn gái cũ nhằm “câu like”, khiến công chúng hiểu lầm.
Theo nghiên cứu mang tên Hiện tượng độc hại trên phương tiện truyền thông xã hội do Đại học Colorado Boulder (Mỹ) thực hiện vào năm nay, các hành vi như quấy rối trực tuyến, lan truyền thông tin sai lệch, bình luận tiêu cực và gây chia rẽ ngày càng phổ biến trên mạng xã hội.
Những người có sức ảnh hưởng trên không gian mạng nhanh chóng trở thành nạn nhân của sự độc hại này.
Bạn gái cũ liên lụy
Sau khi cái tên Lê Tuấn Khang được nhắc đến liên tục trong tuần qua, những hình ảnh, clip của anh và bạn gái cũ Tôn Nữ Tiểu Phụng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
Ngày 2/12, TikToker sinh năm 2002 phải đăng tải thông tin đính chính, cảnh báo về một tài khoản giả mạo người yêu cũ anh.
“Em và chị này đã chia tay 2 năm rồi, giờ ai cũng có hướng đi và hạnh phúc riêng”, Tuấn Khang chia sẻ trên kênh chính thức.
Bạn gái cũ Lê Tuấn Khang lên tiếng đính chính về thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Ảnh: @tieuph_. |
Ngay sau đó, bạn gái cũ của nhà sáng tạo nội dung này cũng lên tiếng giải thích: “Có một nick tự nhận tên mình, đăng lại những video mà mình đã đăng 2 năm trước, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của cả 2. Mong mọi người chọn lọc thông tin để xem!”.
Mặc dù cả 2 nhân vật trong câu chuyện đều đính chính về tài khoản giả mạo, thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội, một bộ phận người dùng vẫn tiếp tục đào sâu vào chuyện tình trong quá khứ.
Thậm chí, một số để lại bình luận kém duyên trên trang cá nhân của Tôn Nữ Tiểu Phụng, hỏi cô “Tiếc chưa?” khi người yêu cũ trở thành hiện tượng mạng, gặt hái thành công. Nhiều người khác bày tỏ sự tiếc nuối dành cho cuộc tình trên, “khóc thuê” cho người trong cuộc.
Tuy nhiên, Lê Tuấn Khang không phải trường hợp duy nhất. Hồi đầu năm nay, đời sống cá nhân trong quá khứ của hiện tượng mạng Ninh Dương Story (Ninh Anh Bùi – Nguyễn Tùng Dương) cũng bị đào bới sau khi bộ đôi nổi tiếng một cách bất ngờ.
Có thể thấy, đây là tiến trình sự việc xảy ra đối với tất cả người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, người của công chúng.
Sự độc hại của cộng đồng mạng
Theo chuyên gia truyền thông Huỳnh Lê Khánh, học giả Chevening 2024 (Anh), thuật toán “echo chamber” của nền tảng mạng xã hội thúc đẩy nội dung được nhiều người quan tâm, giúp clip của Tuấn Khang, về Tuấn Khang trở nên dày đặc. Ở thời điểm hiện tại, video liên quan đến chàng trai 22 tuổi này liên tục được đề xuất khi người dùng lướt nền tảng TikTok.
Những video liên quan đến chuyện tình cũ của Lê Tuấn Khang cũng vì thế mà xuất hiện liên tục, dễ dàng tiếp cận người dùng.
Hơn nữa, theo Shahzeen Shivdasani, chuyên gia tâm lý và tác giả cuốn Love, Lust and Lemons, chuyện tình của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội ít nhiều tác động đến thái độ của công chúng đối với tình yêu.
Lê Tuấn Khang và người yêu cũ là nạn nhân của đám đông độc hại trên mạng xã hội. Ảnh: FB/Lê Tuấn Khang. |
Mối tình đẹp của các sao mạng tạo ra tâm lý ngưỡng mộ, khao khát, được một bộ phận khán giả coi là mục tiêu cuộc sống. Ngược lại, những cuộc chia tay lại đem đến tâm lý thất vọng, tiếc nuối.
Điều này phần nào lý giải thái độ nuối tiếc, hành động “khóc thuê” của một bộ phận công chúng dành cho Tuấn Khang và bạn gái cũ.
Về những bình luận kém duyên, mang tính quấy rối mà người yêu cũ của Lê Tuấn Khang nhận được, đây được xem là tình trạng khó tránh. Cũng theo nghiên cứu do Đại học Colorado Boulder thực hiện, 91% người Mỹ cho rằng bắt nạt trên mạng (cyberbullying) và quấy rối trực tuyến (online harassment) là vấn nạn của kỷ nguyên số.
56,6% người dùng có xu hướng để lại bình luận tiêu cực trên không gian mạng, bao gồm 31,2% đưa cả thông tin độc hại và không độc hại; 25,4% bình luận cực đoan và ngày càng trở nên độc hại hơn.
Đây là vấn nạn khó giải quyết trong thời gian ngắn, cần cả động thái quyết liệt từ phía nền tảng và sự văn minh của cộng đồng người dùng. Trước khi vấn đề được xử lý, những hiện tượng mạng như Lê Tuấn Khang tiếp tục trở thành nạn nhân của một đám đông độc hại.