Diễn viên Mã Trung sinh năm 1953, bắt đầu đóng phim vào giữa thập niên 1980 khi hợp tác với đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Một trong những vai đầu tiên của ông là viên sĩ quan trong phim Ván bài lật ngửa. Đến nay, Mã Trung ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua dạng vai phản diện từ giang hồ, ông chủ gian ác đến ông trùm.
Trò chuyện cùng nghệ sĩ Xuân Hương trong chương trình Người kể chuyện đời, Mã Trung cho biết ông là dân tay ngang, bắt đầu từ những vai diễn quần chúng nhưng rất đam mê theo nghề. Thời gian đầu, Mã Trung không được vợ ủng hộ vì thấy nghề này không thể lo được cơm áo gạo tiền.
“Thật sự giai đoạn đó đi đóng phim nhưng anh em chẳng ai nói đến thù lao, chỉ thích thì làm thôi. Thậm chí, tôi còn lén nhà đem vàng đi bán để đi tỉnh rồi tiêu xài vì cát-sê không đủ. Sau một thời gian, tôi thấy không ổn vì con cái còn nhỏ, vợ lại không vui nên quyết định không đi đóng phim nữa mà làm kinh tế nuôi con. Tôi ngưng cũng gần 10 năm, đến năm 2002 mới quay trở lại cho tới bây giờ”, ông cho hay.
Diễn viên Mã Trung. |
Trong gần 10 năm tạm gác lại đam mê nghệ thuật, Mã Trung rất nhớ nghề, luôn trăn trở khi có đạo diễn mời làm phim. Dù vậy, nam diễn viên kiên quyết từ chối, muốn hoàn thành trách nhiệm với gia đình.
Đến khi các con đã lớn, vấn đề kinh tế gia đình được giải quyết, ông mới trở lại toàn tâm toàn ý cho nghề. Năm 2008, nhờ vai diễn ông trùm Hai Đương trong phim Vật chứng mong manh, Mã Trung mới khẳng định được tên tuổi.
Sau khi đóng phim này, Mã Trung hay bị nhận nhầm là trùm xã hội đen. “Hôm đó, tôi ghé ăn cơm tấm đêm ở chợ Tân Định (TP.HCM), một người bán vé số nhìn thấy, la lớn lên ông này là trùm xã hội đen, buôn người, bán ma túy. Tôi phải giải thích rằng đó chỉ là đóng phim thôi. Tôi cũng vui vì khán giả nhận ra, còn tố cáo mình nữa”, Mã Trung chia sẻ.
Sau hơn 20 năm theo nghề, Mã Trung ghi dấu ấn với hàng trăm vai diễn, có đến 80% nhân vật ông đảm nhận thuộc tuyến phản diện.
Bên cạnh những kỷ niệm vui, ông cũng trải lòng về biến cố bị đột quỵ ngay trên phim trường. Đó là giai đoạn tham gia bộ phim Giọt nước mắt hận thù (2015), khi đang quay cảnh trong bệnh viện, ông bất ngờ đổ gục, ôm ngực và than khó thở.
Mã Trung kể: “Cảnh quay đó nhân vật của tôi cũng bị hấp hối, thở oxy rồi chết. Tôi thở không được mà đồng nghiệp còn tưởng mình nhập vai tốt. Tới hồi nghe hô cắt, tôi đã tái mặt, than khó thở và được đưa xuống cấp cứu ngay. Tôi bị tắc nghẽn mạch máu, phải phẫu thuật đặt stent tại đoạn mạch bị tắc để tránh những biến chứng. Đoàn phim buộc phải ngưng hết, không quay nữa để chờ tôi khoảng 1 tuần. May mà tôi quay ở bệnh viện chứ trong rừng chắc cũng xong rồi”.
Mã Trung bị đột quỵ thật nhưng đồng nghiệp tưởng ông diễn. |
Nói về những vai phản diện, theo Mã Trung, gương mặt ông phù hợp để thể hiện dạng vai này. Dù vậy, ông vẫn cố gắng học hỏi, nghiên cứu các vai chính diện, vai bi lấy nước mắt khán giả.
“Khi nhận kịch bản, tôi đều tránh để nhân vật bị trùng lặp. Mỗi vai phản diện, ông trùm, giang hồ đều có hoàn cảnh khác nhau. Ông này có học hay không, xuất thân từ đâu… thì phản ứng, hành xử của họ sẽ khác. Người có trí tuệ sẽ ác khác với người chợ búa, du côn. Tôi không ngại khi liên tục được mời các vai đó vì tự mình phải biết làm mới nhân vật cho đúng kịch bản”, Mã Trung tâm sự.