Gần 1/2 người lớn vẫn ngủ với gấu bông

Sự lên ngôi của thú nhồi bông, như Labubu, Capybara hay Jellycat, trong những năm gần đây cho thấy ranh giới ngày càng mờ nhạt giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành.

Thú nhồi bông góp phần xoa dịu trạng thái căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Ảnh minh hoạ: @kyduyen1311.

Thú nhồi bông Labubu, Jellycat hay Capybara trở nên đặc biệt thịnh hành trong những năm gần đây. Khi tham gia chương trình The Late Late Show With James Corden, diễn viên Margot Robbie nói đùa rằng: “Tôi đã 30 tuổi nhưng vẫn ngủ với một chú thỏ bông hàng đêm”.

Theo cuộc khảo sát 2.000 người lớn được thực hiện bởi Atomik Research, do Build-A-Bear Workshop ủy quyền, 4/10 người Mỹ ngủ với thú nhồi bông mỗ tối. Erica Kanesaka, giáo sư chuyên nghiên cứu về sự dễ thương tại Đại học Emory (Mỹ), cho biết thú nhồi bông ngày càng phổ biến với người trưởng thành, theo The Atlantic.

Thị trường đồ chơi người lớn nở rộ

Thị trường “Kidult” (tạm dịch: “đồ chơi cho người lớn”) được cho là tạo ra khoảng 9 tỷ USD doanh số mỗi năm. Squishmallows và Jellycat là 2 thương hiệu thú nhồi bông phổ biến nhất hiện nay.

Labubu,  Jellycat,  Capybara,  Hello Kitty,  Pikachu,  Squishmallows,  gau bong anh 1

Jellycat là thương hiệu thú bông cho người lớn phổ biến. Ảnh minh hoạ: @_whynotchao_.

Gen Z dẫn đầu trong việc đón nhận và sử dụng đồ chơi lông lá. 65% khách hàng của Squishmallows ở trong độ tuổi từ 18-24.

Một số ý kiến cho rằng sự phổ biến của thú nhồi bông một phần đến từ mạng xã hội, nơi sự dễ thương và hoài niệm lên ngôi. Những nhân vật kawaii Nhật Bản nổi tiếng toàn cầu như Hello Kitty và Pikachu cũng góp phần lớn vào xu hướng này.

Tuy nhiên, một số lại cho rằng sự mong manh của thế hệ trẻ tạo điều kiện cho gấu bông lên ngôi. Trong thời kỳ đại dịch, nhiều người lớn tìm đến những món đồ chơi nhồi bông thời thơ ấu để xoa dịu trạng thái căng thẳng, cô đơn và bất ổn.

Không phân biệt trẻ con, người lớn

Simon May, một triết gia tại King’s College London (Anh), khẳng định đại dịch không phải lý do duy nhất dẫn đến sự phổ biến của thú bông cho người lớn. Sự căng thẳng và áp lực vốn luôn tồn tại trong cuộc sống.

Theo triết gia này, trào lưu trên đến từ sự xoá bỏ ranh giới giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành.

Labubu,  Jellycat,  Capybara,  Hello Kitty,  Pikachu,  Squishmallows,  gau bong anh 2

Sưu tầm thú bông giúp quá trình trưởng thành trở nên nhẹ nhàng hơn. Ảnh minh hoạ: @rimathanhvy.

Gần đây, trẻ em có cơ hội tiếp xúc với những nội dung trên mạng xã hội giống người lớn, theo dõi những người có sức ảnh hưởng trưởng thành, từ đó bắt đầu quy trình chống lão hoá da từ khi còn nhỏ.

Ngược lại, người lớn ngày càng tin tưởng vào khả năng chi phối, quyết định cuộc sống của những ký ức trong tuổi thơ. Vì vậy, trong khi tuổi thơ được người lớn hóa, thì tuổi trưởng thành cũng được trẻ con hóa.

Simon May cho rằng ranh giới bị xoá mờ giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành thuận theo quá trình phát triển tư duy tự nhiên của con người. Cuộc sống phát triển kéo theo nhiều hệ thống nhị phân sụp đổ, trong đó có phạm trù giới tính.

Điều tương tự cũng đang xảy ra với các giai đoạn của cuộc đời con người. Trong tương lai, tuổi thơ và tuổi trưởng thành chỉ được coi là các điểm trên một đường thẳng liên tục, thay vì những phần tách biệt với những đặc trưng đối lập.

Khi người lớn quan tâm đến ‘đứa trẻ bên trong’

“Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ đang đau khổ”, nhà giáo dục Phật giáo Thích Nhất Hạnh từng viết. Khái niệm “đứa trẻ bên trong” lần đầu được nhà tâm lý học Carl Jung giới thiệu đến công chúng, dần trở thành một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực tâm lý.

Ngày nay, nhiều người lớn ý thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng, ngày càng nâng niu, đối xử dịu dàng và bảo vệ “đứa trẻ bên trong”. Sở hữu thú nhồi bông ấm áp bên cạnh là một trong những cách thức được áp dụng.

Theo giáo sư Erica Kanesaka, sự dễ thương lên ngôi góp phần tái định nghĩa khái niệm “người lớn” trong xã hội. Trở thành người lớn không có nghĩa là làm thủ tục thuế, uống rượu scotch hay ngồi văn phòng đến khi phố lên đèn.

Việc sưu tầm thú nhồi bông giúp quá trình trưởng thành trở nên mềm mại, nhẹ nhàng và dịu dàng hơn.

  • ‘Chị gái hàng hiệu’ Trung Quốc gây sốt

    Được biết đến với biệt danh “chị gái hàng hiệu”, một KOL tại Trung Quốc bán thành công hơn 1 triệu chiếc quần dài trên MXH, tiếp thị sản phẩm bình dân là hàng thời trang cao cấp.

  • Thấy gì từ lối sống ‘phông bạt’ bị bóc mẽ?

    Lối sống hào nhoáng giả tạo bị lên án mạnh mẽ trên MXH Việt Nam gần đây. Trung Quốc cũng có động thái ngăn chặn tình trạng này mạnh mẽ khi hạn chế toàn bộ nội dung khoe của.


Cùng chuyên mục