Gen Z đưa băng cassette trở lại

Thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z tại Mỹ, đang đưa băng cassette trở lại. Định dạng âm thanh tưởng chừng như lỗi thời này được cải tiến về thiết kế và tính năng, mang hơi thở hiện đại.

Phần lớn khách hàng tìm kiếm băng cassette là Gen Z. Ảnh minh họa: @taeyeon_ss.

Trong suốt 16 năm kinh doanh, cửa hàng bán đĩa than Breakaway Records (Texas, Mỹ) đã chứng kiến sự trở lại của định dạng vinyl. Đặc biệt hơn cả, định dạng âm nhạc tưởng chừng đã lỗi thời khác cũng đang được hồi sinh mạnh mẽ – băng cassette.

“Một số người lớn tuổi tìm mua băng cassette, nhưng phần lớn khách hàng của sản phẩm này lại là Gen Z”, chủ cửa hàng Joshua LaRue cho biết. Thế hệ trẻ đang quan tâm đến những món đồ hoài cổ.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất thấp và tính chất DIY (do it yourself, tạm dịch: “tự mình làm”) cũng thu hút các nghệ sĩ trẻ với các sản phẩm âm nhạc ít tên tuổi.

Không chỉ vậy, cassette vẫn đóng vai trò nhất định đối với các nghệ sĩ tên tuổi. Sau một tuần ra mắt, album The Tortured Poets Department của Taylor Swift đã bán được 1,64 triệu bản vật lý, bao gồm 759.500 CD, 859.000 đĩa than vinyl và khoảng 21.500 băng cassette.

Với người hâm mộ, sở hữu băng cassette là cách thể hiện sự yêu thích cuồng nhiệt dành cho thần tượng.

znews,  Breakaway Records,  sony walkman,  cassette player,  The Tortured Poets Department,  Taylor Swift anh 1

Cassette album Radical Optimism của Dua Lipa. Ảnh: Caroousell.

Giá bán lẻ của băng cassette thường chỉ bằng 1/3 so với đĩa than vinyl, trong khi vẫn mang đến trải nghiệm analog tương tự. Mặc dù chất lượng âm thanh có thể thấp hơn, nhưng băng cassette lại nhỏ gọn và tiện lợi hơn.

“Thay vì bỏ ra 30-40 USD cho một đĩa than, cassette có mức giá lý tưởng cho những bạn trẻ muốn ủng hộ nghệ sĩ yêu thích”, Shelly Worcel, Giám đốc chiến lược của Secretly Distribution, chia sẻ.

Andy Osborn, CEO mảng nghệ sĩ và nhãn hiệu của nền tảng âm nhạc Bandcamp, cho biết đại dịch đóng vai trò thúc đẩy trào lưu này. Khi nhu cầu về đĩa than tăng cao nhưng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, nghệ sĩ và người hâm mộ đã tìm đến băng cassette như một giải pháp thay thế.

Theo Luminate Data LLC, đơn vị theo dõi doanh số ngành công nghiệp âm nhạc, năm 2023, doanh số băng cassette đạt 436.400 đơn vị, tương đương với năm 2022. Con số này vẫn chưa thể sánh với 450 triệu đơn vị được bán ra tại Mỹ vào năm 1988, nhưng đã tăng đáng kể so với 81.000 đơn vị của năm 2015.

znews,  Breakaway Records,  sony walkman,  cassette player,  The Tortured Poets Department,  Taylor Swift anh 2

Định dạng tưởng chừng đã lỗi thời này đang quay trở lại, có được sự đón nhận mạnh mẽ từ nghệ sĩ và người hâm mộ cuồng nhiệt. Ảnh minh họa: Naila Ruechel.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường, Romain Boudruche, cựu sáng tạo nội dung quảng cáo đã thành lập We Are Rewind chuyên sản xuất máy nghe nhạc cassette cầm tay thiết kế hiện đại.

Thành công của We Are Rewind là minh chứng cho nhu cầu về những sản phẩm mang âm hưởng hoài cổ nhưng được cập nhật về mặt thiết kế. Các công ty điện tử lớn như Guangzhou FiiO Electronics Technology Co. cũng đang tham gia thị trường này với các sản phẩm mang hơi hướm hoài niệm.

Tuy chất lượng âm thanh không hoàn hảo, nhưng chính điều đó lại tạo nên sức hút riêng của băng cassette. Rod Thomas, người từng biểu diễn cùng Cher và Elton John, cho biết ông yêu thích âm thanh đặc biệt của băng cassette. Nghệ sĩ khẳng định sẽ tiếp tục phát hành album mới nhất trên định dạng này, giống như tất cả các album trước đó.

Tại cửa hàng Breakaway Records, loại sản phẩm bán chạy nhất là băng cassette trống.

“Ai cũng có thể tạo danh sách phát nhạc trên Spotify. Tuy nhiên, việc tự tay lựa chọn và phối nhạc trên một định dạng vật lý lại mang đến một trải nghiệm khác biệt. Giống thời tôi còn trẻ, ngày càng nhiều bạn trẻ mua băng cassette trống để tự tạo ra những bản mixtape”, chủ cửa hàng chia sẻ.

znews,  Breakaway Records,  sony walkman,  cassette player,  The Tortured Poets Department,  Taylor Swift anh 3

Máy nghe nhạc cassette We Are Rewind gợi nhớ đến chiếc Walkman thế hệ đầu tiên với thiết kế hình chữ nhật gọn gàng, nhỏ hơn sách giấy một chút. Ảnh: We Are Rewind.

Sự trở lại của băng cassette không chỉ giới hạn ở định dạng âm nhạc. Kéo theo đó là sự xuất hiện trở lại và đổi mới của các thiết bị nghe nhạc cassette. Dưới đây là một số máy nghe nhạc cassette nổi bật tại thị trường Mỹ.

We Are Rewind: Mang hơi thở hiện đại với thiết kế hình chữ nhật nhỏ gọn, We Are Rewind đi kèm một chiếc bút chì nhỏ để cuộn lại băng cassette bị rối. Máy có pin sạc, jack cắm tai nghe, jack thu âm và kết nối bluetooth 5.1.

FiiO CP13: Máy có thiết kế hình khối nhỏ gọn, thời lượng pin 13 tiếng. Dù không có chức năng ghi âm hay Bluetooth như We Are Rewind, CP13 lại sở hữu chất lượng âm thanh tốt hơn.

Retrospekt CP-81: Được làm từ nhựa trong suốt, CP-81 có trọng lượng nhẹ nhất trong ba sản phẩm (khoảng 220g), đi kèm pin AA. Tương tự như We Are Rewind, CP-81 có chức năng ghi âm, giúp người dùng tạo ra những bản mixtape hoài cổ.


Cùng chuyên mục

  • Lối sống ‘không đàn ông’ gây sốt

    Lối sống độc thân, không kết hôn đang được phụ nữ trẻ Trung Quốc nhiệt tình hưởng ứng trên MXH. Song chuyên gia cảnh báo bẫy tiêu dùng và tiêu chuẩn nhan sắc ẩn sau trào lưu này.

  • Gen Z Mỹ canh cánh lo mất việc

    Giữa “cơn bão sa thải” đang càn quét thị trường lao động Mỹ, thế hệ trẻ tại xứ cờ hoa chật vật tìm kiếm sự ổn định và loay hoay với gánh nặng nợ nần.

  • Hết thời Tinder, sân pickleball thành chốn tìm bạn tình lý tưởng

    Được xem là môn thể thao thịnh hành trong những năm gần đây, pickleball thu hút số lượng lớn tay vợt trẻ đến sân. Không chỉ chơi thể thao, họ còn muốn tìm kiếm người yêu tại đây.

  • Thú chơi đồ ăn vặt xa xỉ

    Chán khoe iPhone 16 hay túi xách hàng hiệu, nhiều người trẻ Mỹ thể hiện độ chịu chi bằng hộp ngũ cốc 53 USD hay bịch khoai tây chiên 45 USD.

  • Những ‘chú chim cô đơn’ ở Trung Quốc

    Nhiều thanh niên Trung Quốc sống một mình ở các thành phố lớn, làm việc từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày/tuần và cô độc hơn bao giờ hết.

  • Chi tiền để ‘niềng răng’ cho Labubu

    Không chỉ sưu tầm các phiên bản khác nhau, người chơi Labubu ở Singapore còn mạnh tay chi tiền “niềng răng” cho món đồ chơi nhồi bông này.