Thế hệ được mệnh danh là “giàu có nhất lịch sử” này không ngại chi tiền cho những món đồ đắt giá và thể hiện cá tính. Ảnh minh họa: @stxph.h/IG |
Theo khảo sát mới nhất của Bank of America (BofA), 72% giới trẻ giàu có thuộc thế hệ Gen Z (sinh năm 1997-2012) và Millennials (sinh năm 1981-1996) không còn mặn mà với các tài sản truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu.
Thay vào đó, những người trẻ có sự quan tâm đặc biệt đến các loại hình đầu tư độc lạ như đồng hồ, xe hơi hiếm, rượu quý, đồ cổ, giày thể thao và tác phẩm nghệ thuật, Fortune đưa tin.
Theo kết quả nghiên cứu của BofA trên hơn 1.000 người Mỹ sở hữu khối tài sản đầu tư từ 3 triệu USD, 72% người được hỏi dưới 43 tuổi tỏ ra “nghi ngờ” về việc chỉ đầu tư vào tài sản truyền thống. Trong khi đó, chỉ có 28% số người trên 44 tuổi có cùng quan điểm này.
Người trẻ giàu có còn có cách tiếp cận khác với thế hệ trước trong việc chia sẻ tài sản thừa kế và có cái nhìn lạc quan hơn về tương lai. Ảnh minh họa: @jordanreece96/IG. |
Sự thay đổi trong tư duy đầu tư của Gen Z một phần xuất phát từ mong muốn thể hiện cá tính và sở thích riêng. Các món đồ sưu tầm không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là biểu tượng của phong cách sống và gu thẩm mỹ.
Hơn nữa, thế hệ này cũng có niềm tin lớn vào tiềm năng tăng giá của các tài sản độc đáo này trong tương lai.
Các thương hiệu cao cấp cũng đang dần điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng trẻ tuổi này.
Theo báo cáo của Bain & Co, đến năm 2030, Gen Z sẽ chiếm 25-30% thị trường hàng xa xỉ, còn Millennials sẽ chiếm 50-55%. Báo cáo của Bain & Co cho thấy trang sức và đồng hồ đang là hai mặt hàng đầu tư được ưa chuộng nhất trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Tuy nhiên, sự quan tâm đối với các món đồ sưu tầm giảm dần theo từng thế hệ. Trong khi 57% thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) quan tâm đến loại tài sản này, thì con số này ở thế hệ Silent Generation (sinh năm 1928-1945) chỉ còn 55%.
Không chỉ khác biệt về lựa chọn đầu tư, người trẻ giàu có còn có cách tiếp cận khác với thế hệ trước trong việc chia sẻ tài sản thừa kế.
Giới trẻ giàu có không chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận mà còn muốn thể hiện cá tính và gu thẩm mỹ thông qua các khoản đầu tư. Ảnh: @alyssaeng_/IG. |
Khảo sát của BofA cho thấy khi được hỏi về việc kế thừa các tác phẩm nghệ thuật, 56% người thuộc thế hệ Gen Z và Millennials muốn giữ một số tác phẩm trong bộ sưu tập riêng, 32% muốn tặng một hoặc một vài tác phẩm cho bảo tàng hoặc tổ chức tư nhân, và 26% muốn chia sẻ một số tác phẩm với các tổ chức không liên quan đến nghệ thuật.
Ngược lại, 77% người lớn tuổi cho biết họ sẽ giữ bộ sưu tập cho mục đích cá nhân, và chỉ có 19% cho biết sẽ tặng một món đồ cho tổ chức từ thiện, quỹ hoặc bảo tàng.
Về sự lạc quan, Gen Z và Millennials có xu hướng đánh giá nền kinh tế Mỹ “rất tốt” hoặc “xuất sắc” cao gấp đôi so với thế hệ đi trước. Trong khi chỉ 24% số người trên 44 tuổi cho rằng nền kinh tế đang hoạt động tốt, tỷ lệ này ở thế hệ trẻ là 51%.
Sự khác biệt này còn rõ rệt hơn trên quy mô toàn cầu. Chỉ 6% số người lớn tuổi đánh giá nền kinh tế toàn cầu là tốt, so với 46% số người 21-43 tuổi.
Thế hệ trẻ có xu hướng cởi mở hơn trong việc chia sẻ tài sản với cộng đồng. Ảnh minh họa: @stxph.h/IG |
Nhìn chung, các cá nhân giàu có tại Mỹ đều có hy vọng lớn vào tương lai. Khi xem xét 3 yếu tố cụ thể, bao gồm lạm phát, GDP và hiệu suất của S&P 500, đa số triệu phú kỳ vọng những tin tức tích cực trong năm tới.
Cụ thể, 42% dự đoán lạm phát (hiện ở mức 3,3%) sẽ giảm, 33% cho rằng mức lạm phát sẽ giữ nguyên và chỉ 25% dự đoán lạm phát tăng.
Đối với tốc độ tăng trưởng GDP (hiện ước tính khoảng +1,3%), 48% kỳ vọng con số này sẽ giữ nguyên trong năm tới, 36% dự đoán tăng và chỉ 16% dự đoán giảm.
Tương tự, 63% kỳ vọng S&P 500 sẽ tăng trong năm tới, 27% tin rằng hiệu suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện tại và chỉ 10% dự đoán sẽ giảm.