Director: Pat Boonnitipat
Cast: Putthipong Assaratanakul (Billkin), Usha Seamkhum…
Rating: 10/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Gia tài của ngoại (tựa tiếng Anh: How to make millions before grandma dies) theo chân chàng trai trẻ tên M (Billkin) đến chăm sóc ngoại sau khi nghe tin bà mắc bệnh ung thư, chỉ còn sống được thêm một thời gian ngắn. Trước khi không còn thời gian, M phải cố gắng trở thành “cháu cưng”. Bởi mục đích thực sự của cậu là muốn trở thành người đứng đầu danh sách thừa kế gia sản.
Trước khi đặt chân tới Việt Nam, đứa con tinh thần của đạo diễn Pat Boonnitipat từng gây sốt tại quê nhà Thái Lan. Phim khuấy đảo phòng vé ngay khi vừa ra mắt, vượt mốc doanh thu 250 triệu baht (172,8 tỷ đồng) chỉ sau 2 tuần.
Hình ảnh người bà đầy xúc động
Nghỉ học sớm, M vùi đầu trong những trò chơi điện tử với ước mơ trở thành streamer nổi tiếng. Thế nhưng, con đường này không hề dễ dàng. Cậu chẳng kiếm được tiền, rốt cuộc lại trở thành kẻ “ăn bám” mẹ. Nhớ đến cô em họ vừa được thừa kế căn nhà nhờ công việc chăm sóc ông lúc cuối đời, M nuôi hy vọng trở thành người thừa kế gia tài của ngoại.
Từ một đứa cháu trai thờ ơ với mọi chuyện trong gia đình, cậu quyết định gác lại công việc streamer và dọn đến sống cùng ngoại. M học hỏi cách chăm sóc, bầu bạn, cố gắng biến mình trở thành chỗ dựa tinh thần cho người bà mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Bà Amah (Usha Seamkhum) vẫn đủ minh mẫn để nhận ra ý đồ thật sự của đứa cháu trai. Nhưng nỗi cô đơn tuổi già khi 3 người con chỉ ghé thăm vào mỗi cuối tuần, M là người cháu duy nhất tình nguyện tới chăm sóc khiến bà dần mủi lòng, đồng ý cho cậu ở lại. Khoảng thời gian ngắn ngủi hai người sống trong căn nhà cũ thế mà lại ngập tràn niềm vui. M giúp ngoại mua cá, đun nước pha trà hay dậy sớm ra chợ phụ giúp bán đồ ăn sáng…
Phim gây sốt tại Thái Lan và Indonesia trước khi đặt chân đến Việt Nam. |
Nội dung phim không mới mẻ, kịch bản cũng không có nhiều biến cố cao trào, kịch tính. Thế nhưng, tác phẩm lại dễ dàng chạm đến cảm xúc nhờ việc thành công đánh thức sự đồng cảm. Bức tranh Gia tài của ngoại hiện lên dung dị và thân thuộc, nhất là với những người xem gốc Á. Từng thước phim chậm rãi trôi qua, kéo khán giả vào một hành trình chiêm nghiệm cuộc sống đầy thấm thía, qua nhiều kỷ niệm ấm áp về gia đình.
Cách xây dựng nhân vật khéo léo khiến đứa con tinh thần của Pat Boonnitipat trở nên hấp dẫn lạ kỳ, dù chuyện phim chủ yếu xoay quanh những ngày tháng đời thường của M và ngoại xuyên suốt thời lượng 127 phút. Cả hai hiện lên chân thật, khiến người xem cảm thấy như một phần hình ảnh phản chiếu của gia đình mình trong đó.
Ở bên kia sườn dốc cuộc đời, bà Amah vượt qua không ít sóng gió để trở nên mạnh mẽ, bình thản trước bạo bệnh. Thế nhưng, điều mà nhân vật không thể vượt qua là nỗi cô độc tuổi già. Bà sợ một mình, chỉ là đã sống quen với nó. Bà không thích những ngày đầu năm mới, vì “đồ ăn đầy tủ nhưng phải ngồi ăn một mình”. Hình ảnh bà Amah lặng lẽ trên chiếc ghế đầu nhà, hướng ánh mắt xa xăm đợi con cháu cuối tuần ghé thăm khiến người ta không khỏi xót xa khi nhận ra người già vẫn cô đơn như thế.
Thế nhưng tuổi già không thể làm bà quên đi từng kỷ niệm với con cháu dù là nhỏ nhất. Bà vẫn giữ lại đôi dép con mua dù đã chật, giữ lời hứa sẽ giành những quả lựu chín cho M hay mở sổ tiết kiệm cho đứa cháu thi đạt điểm cao nhất… Không cần thần thánh hóa, hình ảnh người bà hiện lên cao cả qua những chi tiết đời thường, thân thuộc, người luôn sẵng lòng dùng cả cuộc đời để bao bọc gia đình trong tình thương.
M đến chăm sóc ngoại với mong muốn thừa kế gia sản. |
Cuộc đời ấy tưởng dung dị mà vĩ đại. Ngoại, như nhiều cô gái trong thời đại của mình, lấy chồng theo sự sắp đặt của mẹ cha. Người chồng không tốt, mất sớm, ngoại một mình nuôi dạy 3 người con: hai trai, một gái đến tuổi trưởng thành. Rồi cũng ngoại một tay chăm sóc cha mẹ ruột của mình những ngày cuối đời, dù không được hưởng chút nào tài sản.
Người xem thấy ở ngoại hình ảnh của “nước mắt chảy xuôi”, “cá chuối đắm đuối vì con”. Một người mẹ sẵn lòng bỏ sở thích ăn thịt bò vì đã nguyện cầu Bồ tát Quán Thế Âm phù hộ cho con mình khỏi bệnh. Một người tiết kiệm, không bao giờ lãng phí, không bao giờ muốn phiền lụy ai, nhưng cũng hóm hỉnh, đời thường, cũng ham chơi bài với những đứa con, cùng hù dọa cháu mình nếu ngày thanh minh không rải hoa cẩn thận…
Bức chân dung gia đình châu Á
Gia tài của ngoại khắc họa rõ nét sự khác biệt giữa các thế hệ, từ đó phô bày nỗi niềm chôn giấu của bậc sinh thành. Song, tác phẩm không thẳng thừng phán xét mà để người xem chậm rãi suy ngẫm và cảm nhận. Mỗi tình huống đời thường được đặt ra lại đem đến cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề của từng thế hệ, hay rộng hơn là vấn đề của nhiều gia đình châu Á.
Đó là sự thờ ơ, vô tâm của người trẻ trước nỗi cô độc của người lớn tuổi, sự nhức nhối từ tục trọng nam khinh nữ len lỏi trong xã hội hiện đại, hay câu chuyện đông con nhưng không ai lo nổi thân mẹ khi về già. Hai con trai lục đục tranh chấp tài sản của bà Amah, thế nhưng nhiệm vụ chăm sóc bà lại là do cô con gái duy nhất đảm đương. Để rồi câu nói “con trai hưởng tài sản, con gái hưởng ung thư” thốt lên cuối phim khiến người xem bật cười, song cũng để lại không ít suy ngẫm.
Màn thể hiện của bộ đôi diễn viên chính khiến khán giả xúc động. |
Trên hành trình chinh phục niềm tin từ bà của chàng trai trẻ tên M, thông điệp “điều người già thật sự cần mà chẳng đứa con nào cho được chính là thời gian” hiện lên ngày càng rõ ràng hơn. Những nút thắt giữa mối quan hệ giữa ngoại và M được tháo gỡ tự nhiên. Người cháu dần học được cách thấu hiểu và chăm sóc bà bằng tất cả sự yêu thương, để rồi nhận ra có những điều còn giá trị hơn cả tài sản.
Mục đích tiếp cận đáng trách, nhưng sự thay đổi trong tâm lý, suy nghĩ của nhân vật khiến người xem không khỏi xúc động. Diễn xuất của ngôi sao trẻ Billkin cho thấy tiến bộ rõ rệt so với hồi nổi tiếng nhờ I told sunset about you. Cậu hóa thân nhân vật tự nhiên, cách biểu lộ xúc cảm nội tâm cũng tinh tế hơn hẳn. Trong khi đó, Usha Seamkhum dù lần đầu đóng phim nhưng đã có màn thể hiện gây xúc động mạnh mẽ, với nhiều cảnh phim lấy được nước mắt của khán giả.
Không sa đà vào bi lụy, Gia tài của ngoại dẫn dắt cảm xúc nhịp nhàng nhờ việc đan cài những tình tiết hài hước, tươi sáng. Từ bối cảnh, màu sắc cho tới âm nhạc đều khiến người xem đắm chìm trong câu chuyện xoay quanh gia đình tại vùng ngoại ô Thái Lan.
Đạo diễn đã rất tinh tế khi sử dụng những hình ảnh giàu sức gợi, gắn với nhiều kỷ niệm như đôi dép cũ của bà, chiếc áo mới bà mua tặng M hay ngay cả nồi cháo trắng mà cả hai đem ra chợ bán mỗi sáng… Đặc biệt, những chuyến tàu xuất hiện lặp đi lặp lại trong tác phẩm – một hình ảnh ẩn dụ đặc trưng của điện ảnh, phản ánh hành trình cuộc sống và cả hành trình nội tâm của nhân vật, những biến chuyển cảm xúc, tâm lý qua từng thước phim.