Giới siêu giàu Singapore đang ngày càng quan tâm đến nghệ thuật. Ảnh minh họa: Tatler Asia. |
Những địa điểm sang trọng bậc nhất Singapore như khách sạn, nhà hàng và trụ sở tài chính ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật từ những nghệ sĩ có tiếng, phổ biến như Terence Tan, Ian Davenport, Jun Ong, Natalia Tan…
Điển hình như những tác phẩm của Terence Tan tô điểm cho thang máy và phòng suites tại Artyzen Singapore. Trong khi đó, tại Mondrian Singapore Duxton, bức tranh khổ lớn của Ian Davenport tạo điểm nhấn cho sảnh tầng ba.
Hay tại One Raffles Place, tác phẩm điêu khắc bằng thép cao 10 m của Jun Ong đặt trên đỉnh quán bar trên tầng thượng Nova, mang đến điểm nhấn ấn tượng.
Sự hiện diện của nghệ thuật không chỉ dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ. Đây còn là một kênh đầu tư mới được giới siêu giàu Singapore ưa chuộng.
Số liệu từ chỉ số đầu tư mặt hàng xa xỉ và một phần báo cáo tài sản của Knight Frank Singapore cho thấy nghệ thuật là phân khúc tài sản xa xỉ có hiệu suất tốt nhất năm 2023.
Leonard Tay, Giám đốc nghiên cứu Knight Frank Singapore, chia sẻ thêm thông tin 58% người Singapore siêu giàu chọn nghệ thuật là kênh đầu tư hàng đầu trong năm 2024, xếp hạng sau đó là đồng hồ (49%) và rượu vang (35%), theo Channel News Asia.
Tác phẩm của Terence Tan tại phòng suites của Artyzen Singapore. Ảnh: Artyzen Singapore. |
“Nghệ thuật đã trở nên dễ tiếp cận hơn trong thập kỷ qua. Các sự kiện nghệ thuật trong khu vực như Art Basel Hong Kong, sự kiện nghệ thuật đương đại quốc tế Singapore (ART SG) đã giúp nghệ thuật đến được với đông đảo công chúng”, Kim Tay, đồng sáng lập công ty tư vấn nghệ thuật và thiết kế The Artling, đơn vị đứng sau các tác phẩm nghệ thuật tại Artyzen, Mondrian, Nova và HighHouse cho biết.
ART SG lần thứ 3 diễn ra vào 1/2024 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Marina Bay Sands đã thu hút 45.300 lượt khách tham quan trong 4 ngày.
Tại sự kiện, phòng tranh Waddington Custot đến từ London (Anh) đã bán được tác phẩm điêu khắc của Barry Flanagan với giá 680.000 USD cho một cư dân Trung Quốc sống tại Singapore, cùng với tác phẩm điêu khắc khác của Yves Dana với giá 92.000 USD cho một nhà sưu tầm Singapore.
Phòng tranh Lehmann Maupin của New York (Mỹ) cũng bán được bức tranh của David Salle với giá 250.000 USD cho một gia đình danh tiếng Singapore.
ART SG đã thu hút 45.300 lượt khách tham quan trong 4 ngày vào 1/2024. Ảnh: ART SG. |
Theo Kim Tay, các chuyên gia tư vấn tài chính đang tích cực khuyến khích khách hàng có giá trị tài sản ròng cao và siêu cao phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư thay thế, trong đó nghệ thuật là một lựa chọn đáng chú ý.
“Giá trị nghệ thuật đã tăng trưởng tích lũy 105% trong 10 năm qua, tương đương mức tăng khoảng 11% vào năm 2023. Cùng kỳ năm ngoái, đồng hồ đạt mức tăng trưởng tích lũy 138%, tương đương mức tăng 5%, trong khi rượu vang tăng 146% nhưng chỉ tăng 1%”, Leonard Tay cho biết.
Không chỉ là khoản đầu tư có hiệu suất vượt trội so với tài sản truyền thống, lý do khác khiến giới siêu giàu Singapore chú ý đến nghệ thuật là tính sở hữu độc đáo. Nghệ thuật vừa mang lại giá trị thẩm mỹ để thưởng thức, vừa có thể giữ giá trị nếu được bảo quản đúng cách.
Chuyên gia tư vấn nghệ thuật Ning Chong, nhà sáng lập Family Office For Art, mô hình công ty đầu tiên ở Singapore cung cấp dịch vụ quản lý bộ sưu tập nghệ thuật, kiểm tra tình trạng và lập kế hoạch quản lý tài sản thừa kế, nhận định việc Singapore đầu tư vào nghệ thuật là dấu hiệu của một xã hội đang trưởng thành.
“Khi đã trở thành người thành đạt, người ta có xu hướng kết nối với nguồn gốc văn hóa, di sản. Nghe có vẻ hơi thô nhưng sau khi bạn có một ngôi nhà đẹp, xe hơi và đồng hồ, điều mong muốn sở hữu tiếp theo có lẽ là nghệ thuật”, bà chia sẻ.
Tác phẩm bằng thép cao 10 m của Jun Ong tại One Raffles Place. Ảnh: Rendy Aryanto. |
Các chuyên gia dự đoán trong những năm tới, nhiều nhà sưu tầm trẻ tuổi thuộc thế hệ Millennials sẽ tham gia vào thị trường. Những nhà sưu tầm trẻ tuổi này không chỉ mua nghệ thuật như một thú vui, mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng các bộ sưu tập đẳng cấp thế giới, có giá trị lâu dài về cả văn hóa và tài chính.
“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tiếp cận và giáo dục những nhà sưu tầm tiềm năng, khuyến khích họ đầu tư vào nghệ thuật?”, ủy viên nghị sĩ được bổ nhiệm Usha Chandradas đặt câu hỏi.
Bà Chandradas hy vọng trong tương lai, ngày càng có nhiều bảo tàng tư nhân mở cửa cho công chúng, qua đó nâng cao nhận thức về nghệ thuật và giá trị của việc sưu tầm.