Nhu cầu lao động chân tay tăng cao, giới trẻ Trung Quốc tìm kiếm cơ hội mới. Ảnh minh họa: @cecilialim_/IG. |
“Mỗi sáng khi chuông báo thức reo, tất cả những gì tôi có thể thấy là một tương lai mờ mịt”, Leon Li nói.
Nhân viên hành chính 27 tuổi từng là nhân sự chủ chốt tại một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Cô làm việc không kể ngày đêm để sắp xếp cuộc họp, chuẩn bị tài liệu và hỗ trợ sếp. Tuy nhiên, cô quyết định từ bỏ công việc ổn định và mức lương hấp dẫn, chuyển sang làm dịch vụ dọn dẹp nhà cửa.
Li là một trong số nhiều nhân viên văn phòng tại Trung Quốc, đặc biệt là những người làm việc trong các tập đoàn lớn, chọn rời bỏ vị trí việc làm ổn định để tìm kiếm công việc chân tay linh hoạt và ít căng thẳng hơn.
Những công ty lớn đang dần mất đi sức hút khi nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm khủng hoảng bất động sản, đầu tư nước ngoài giảm và tiêu dùng sụt giảm, theo CNN.
Giờ làm việc kéo dài và áp lực tinh thần khiến Li từ bỏ mức lương cao, đổi lấy thời gian và sức khỏe. Ảnh: Leon Li. |
Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế trong nước chỉ tăng trưởng 4,7% trong quý 2/2024, thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế và là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ quý 1 năm ngoái.
“Tôi thích dọn dẹp. Khi mức sống (trên cả nước) được cải thiện, nhu cầu về dịch vụ dọn dẹp nhà cửa cũng tăng lên”, Li, hiện sống ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), cho biết.
Từ chối ‘văn hóa 996’
Alice Wang (30 tuổi) từng làm việc cho một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc với mức lương 700.000 NDT (khoảng 96.000 USD) mỗi năm. Tuy nhiên, cô đã từ chức vào tháng 4, chuyển từ Hàng Châu đến Thành Đô để làm công việc chăm sóc thú cưng.
“Văn hóa 996” khét tiếng của Trung Quốc, nơi nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày/tuần, là một trong những yếu tố khiến nhiều người lao động quyết định từ bỏ công việc.
Ngược lại, công việc chân tay, dù có thể vất vả hơn về thể chất, lại mang đến sự linh hoạt về thời gian và tinh thần thoải mái hơn. Cả Li và Wang đều đồng ý với điều này.
Theo nền tảng tuyển dụng Zhaopin, xu hướng “thoát văn phòng” diễn ra trong bối cảnh nhu cầu lao động “cổ cồn xanh” tăng cao tại Trung Quốc.
“Văn hóa 996” khiến nhiều người kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Ảnh minh họa: Reuters. |
Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng lao động chân tay như giao hàng, lái xe tải, bồi bàn và kỹ thuật viên tăng 3,8 lần trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng nhân viên giao hàng tăng 800% sau 3 năm đại dịch Covid-19, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa mua đồ ăn mang đi.
Mức lương của lao động chân tay cũng tăng đáng kể, đây là yếu tố thu hút nhiều nhân lực tham gia. Mức lương trung bình hàng tháng của một nhân viên giao hàng tăng 45,3% kể từ năm 2019, từ 5.581 NDT (khoảng 768 USD) lên 8.109 NDT (khoảng 1.116 USD).
Đối với một số sinh viên tốt nghiệp đại học, công việc chân tay không phải là lựa chọn ưu tiên. Song, trong bối cảnh kinh tế đi xuống, thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt, nhiều người trẻ đã buộc phải tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực này.
Theo khảo sát, số người dưới 25 tuổi ứng tuyển vào các công việc chân tay trong quý đầu năm nay tăng 165% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường việc làm khó khăn
Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 vẫn ở mức cao, dao động 14,2-15,3% trong những tháng gần đây.
Theo chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là sự suy yếu của các ngành dịch vụ, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, những nơi vốn là nguồn cung việc làm chính cho người trẻ.
Ngoài ra, sự không tương thích giữa kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học và nhu cầu của thị trường lao động cũng góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển dịch sang công nghệ cao, công nghệ xanh và dịch vụ, trong khi giáo dục đại học vẫn tập trung vào sản xuất và dịch vụ công, những lĩnh vực đã bão hòa hoặc lỗi thời.
Nhu cầu lao động chân tay tăng cao, lương hấp dẫn thu hút giới trẻ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Một đoạn video lan truyền gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một nhân viên pha chế ở Thượng Hải đã mất bình tĩnh và ném bột cà phê vào khách hàng vì bị đe dọa khiếu nại.
Vụ việc này đã gây ra tranh cãi về áp lực mà người lao động trong ngành dịch vụ phải đối mặt.
Nhiều người dùng bày tỏ sự thông cảm với nhân viên pha chế, cho rằng áp lực từ khách hàng và tiền lương thấp là nguyên nhân dẫn đến hành động bột phát.
Với Li, công việc dọn dẹp nhà theo giờ lại mang đến cho cô trải nghiệm khá tích cực.
“Khách hàng thường rót nước cho chúng tôi uống, gọi đồ ăn mang về cho chúng tôi khi đến giờ ăn, và liên tục nhắc nhở chúng tôi uống nước và nghỉ ngơi”, cô chia sẻ.
Cho đến nay, Li không hề hối hận về quyết định từ bỏ công việc văn phòng.
“Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi có thể về nhà ăn uống và làm những gì mình thích mà không có thêm bất kỳ áp lực tinh thần nào”, cô nói.