Hoạt động 15 năm, Karik đã nhiều lần tạo nên những cú hích thay đổi diện mạo cho rap Việt. Anh là một trong những người đi tiên phong trong việc một rapper underground có thể tiến lên mainstream, ngay cả khi anh từng gây tranh cãi khi có một bài hát chỉ trích showbiz. Chính điều đó cũng khiến anh trở thành đề tài cho một trong những trận beef lớn nhất lịch sử rap Việt.
Mặc những điều tiếng, anh vẫn thành công khi ở underground lẫn mainstream. Hiếm có rapper nào sở những bản hit đạt đến độ phổ biến cao như Anh không đòi quà hay Người lạ ơi, cũng hiếm có bài rap life, rap gangz nào được nhắc đến nhiều như Khu tao sống. Hai phong cách âm nhạc tuy đối chọi nhưng lại là những thứ gắn liền với Karik từ khi anh ra mắt cho đến khi đạt nhiều thành thành tựu như hiện tại.
Vậy nên, để tổng kết toàn bộ hành trình âm nhạc, Karik đã thực hiện một album kép với 2 nửa hoàn toàn khác biệt.
Đối chọi nhưng thống nhất
Album 421 của Karik có tổng cộng 14 bài được chia đều ra hai nửa Dark Side và Bright Side. Việc chia 2 nửa album khá quen thuộc trước đây khi đĩa than và cassette còn phổ biến, các ca sĩ cần phải ghi các bản thu âm vào 2 mặt để có thể đủ dung lượng một album. Khi thời kỳ CD, digital và streaming dần thống trị, việc chia 2 side không còn quá phổ biến nữa.
Karik đã thông minh khi tận dụng lại cách phát hành này để chia hai album thành 2 nửa. Vốn dĩ, về âm nhạc, 2 phần trong album này không có sự kết nối, nếu như để khán giả nghe một mạch từ đầu đến cuối thì chắc chắn sẽ có sự đứt gãy ở quãng giữa. Nhưng nếu như nghe album này như 2 nửa độc lập thì vấn đề sẽ được giải quyết. Thậm chí, ngay cả Karik cũng gọi đây là hai album thay vì một.
Nhờ sự sắp xếp này, Karik thỏa sức thể hiện rõ nét toàn bộ phong cách âm nhạc của bản thân trong suốt 15 năm. Dark side bao gồm 7 bài đầu của album gợi nhắc khán giả tới giai đoạn underground của anh với những ca từ có phần thô ráp, xù xì, nhưng đã được tiết chế lại để phù hợp với hình ảnh hiện tại, cũng như sự trưởng thành của Karik. Mở đầu với Calm Down, Karik khẳng định rõ lối sống “low key” và mặc kệ những lời chê bai bên ngoài.
Trong các ca khúc tiếp theo Xấu Xí, Ai cho anh lương thiện, Nhật ký vào đời, Karik thể hiện quan điểm của mình về những vấn đề trong cuộc sống cũng như kể về chính cuộc đời mình – những chủ đề quen thuộc trong rap life. Nhật ký vào đời có lẽ là ca khúc được Karik dồn nhiều cảm xúc nhất khi kể về rất nhiều góc khuất trong quá khứ của anh như câu rap “23 dù bên phe nào, làm gì vẫn luôn bị cộng đồng khinh/ 25 lại thêm một lần tự chôn hy vọng vì người đồng minh”. Nó trực tiếp gợi nhắc khán giả về trận beef kinh điển về quan điểm underground/mainstream ngày đó.
Nhật ký vào đời là ca khúc dồn nhiều cảm xúc của Karik trong nửa đầu album. |
Trong 3 ca khúc cuối cùng của Dark Side, Karik thể hiện sự trưởng thành của bản thân khi rút ra những bài học cho riêng mình sau một thời gian dài hoạt động trong showbiz. Ở Khắc cốt ghi tâm, anh học được cách kiên trì, nhẫn nại, không bỏ cuộc dù phải gặp bao nhiêu khó khăn. Ở Bằng lòng lại là cách anh tập làm quen với nỗi đau, vượt qua nó bằng sự thanh thản. Lẽ đương nhiên là nơi anh nhìn lại mọi điều đã qua và chấp nhận mọi thứ cả sự thành công lẫn những sai lầm.
Bước sang Bright Side, một hình ảnh hoàn toàn khác của Karik lại hiện ra. Không còn những ca từ nặng nề, đầy chiêm nghiệm, kể những câu chuyện có chiều sâu như ở nửa trước, Karik ở đây viết lời rất đơn giản, dễ nghe dễ hiểu, những chủ đề anh lựa chọn cũng không còn quá cá nhân nữa mà nhẹ nhàng, dễ tiếp cận với công chúng hơn. Những ca khúc này gợi nhắc tới bản hit có độ phổ biến lớn của anh trước đây là Anh không đòi quà, với cách thể hiện có chút hài hước, vui nhộn. Chính các ca khúc ở nửa sau này cũng đã được Karik lựa chọn để phát hành single, trở thành hit như Mời người kế tiếp, Có chơi có chịu, Bạn đời.
Không quan tâm là ca khúc thực hiện nhiệm vụ chuyển đoạn giữa hai mặt của album và nó làm rất tốt. Ca khúc này có chủ đề khá giống với ca khúc mở đầu side A là Calm Down khi nói về việc bỏ qua những lời chê bai, nhưng cách triển khai khác hẳn, mang màu sắc vui vẻ hơn: “Người thích anh kia, người ghét cô kia, tâng bốc xong lại quay đầu/ Ta cứ như không nghe không thấy, làm gì nhau”, “Đâu ai muốn phải một mình, dù cho đó là thượng đế/ Nhưng nếu số phận đã an bài, kệ luôn không muốn cưỡng chế”.
Nửa sau album thể hiện một hình ảnh hoàn toàn khác của Karik. |
Hai ca khúc này có thể nói là đại diện tiêu biểu nhất cho 2 mặt của album, tuy cách thể hiện khác, nhưng vẫn là Karik với một quan điểm, một lối sống thống nhất.
Phối khí đơn giản nhưng phù hợp
Đảm nhận vai trò sản xuất cho album 421 lần này của Karik vẫn là người bạn đồng hành lâu năm OnlyC. Cả hai kể từ khi chưa có tên tuổi trên thị trường đã cùng nhau hợp tác trong Anh không đòi quà và ca khúc đó trở nên bùng nổ ngoài mong đợi, đưa tên tuổi họ bứt phá. Sau hơn 10 năm vẫn tiếp tục gắn bó, có lẽ OnlyC là người hiểu rõ âm nhạc và ý đồ mà Karik muốn thể hiện nhất.
Thực tế, những bản phối trong nửa đầu của album tỏ ra khá đơn giản, với mục đích chính là để gợi nhắc về giai đoạn underground của Karik – khi mà anh chưa có điều kiện để thu âm một cách chỉn chu, sạch sẽ nhất. Các bản phối ở đây đều có sự thô ráp nhất định, sử dụng âm thanh tối giản để đẩy bật phần ca từ dày dặn, sâu sắc của Karik, tuy nhiên vẫn có sự tính toán. Như ở Ai cho anh lương thiện, khi Karik muốn tâm sự với người mình thương, dù lyrics có sự nặng nề, OnlyC vẫn lựa chọn cách phối nhẹ nhàng với piano, đàn dây. Hay ba ca khúc cuối cùng của side A được phối những âm thanh tươi sáng hơn so với những ca khúc đầu, thể hiện sự tỉnh thức trong quá trình trưởng thành của Karik một cách rõ nét.
Sự đa dạng trong mặt phối khí được OnlyC đặt chủ yếu ở nửa sau, khi mỗi một bài anh lại lựa chọn một chất liệu khác nhau. Với Ai quan tâm, anh sử dụng chất liệu pop rock, Mời người kế tiếp là synth wave, Có chơi có chịu là house kết hợp thêm đàn tranh. Kíu, Từ đó về sau, Bạn đời đều lựa chọn pop với tiết tấu chậm nhẹ nhàng. Không có chất liệu nào quá mới hay đột phá, nhưng tất cả được được làm chỉn chu, vừa đủ để đối lập với sự thô ráp ở nửa trước và có đủ các gia vị cần thiết để tiếp cận với công chúng.
Album 421 được sản xuất không quá phức tạp về mặt âm thanh nhưng đủ thống nhất, chỉn chu. |
Karik cũng thể hiện rõ khả năng thích nghi với từng loại hình phong cách trong album. Nếu như ở nửa đầu anh chủ yếu dùng tông trầm và rap có độ “gắt” trong một số ca khúc nặng nề, sang đến nửa sau anh lại thể hiện được rõ sự tinh nghịch, vui nhộn, rap ở tông cao hơn. Trong Bạn đời, Không quan tâm, Karik còn trực tiếp thể hiện đoạn giai điệu hook của bài, và anh làm nó khá ổn.
Album 421 được Karik mời nhiều giọng ca khách mời nhưng anh có thể kiểm soát họ. Ở nửa đầu, album có sự tham gia của Thai VG và Tuấn Khanh – một người có bề dày kinh nghiệm trong rap life còn một người sở hữu chất giọng cao kịch tính – đều rất phù hợp với nội dung thể hiện trong side A.
Sang đến side B, OnlyC là người góp giọng trong 3 ca khúc, ngoài ra còn có thêm Miu Lê và giọng ca trẻ Bảo Trân. Riêng GDucky với phong cách rap gắt có phần phù hợp hơn với side A, nhưng Karik vẫn đặt anh vào side B và khai thác một khía cạnh mới nhẹ nhàng, sâu sắc trong Bạn Đời. Mỗi khách mời đều có vai trò nhất định và thể hiện tốt verse của mình, không có ai phá mạch album hay quá lấn lướt nhân vật chính.
Album 421 đã làm tốt vai trò gói gọn hành trình 15 năm làm nhạc của Karik, thể hiện một cách thống nhất 2 nửa underground và mainstream đối lập bên trong con người anh. Karik vẫn giữ cách rap, flow, đi vần như những ngày đầu tiên, không thay đổi quá nhiều. Vậy nên, dù có ở đâu đi chăng nữa, dù phong cách có thay đổi như thế nào, Karik đã khẳng định một cách thuyết phục rằng anh vẫn là chính mình, vẫn là một Karik nhiều đam mê và nhiệt huyết trong âm nhạc.