Hàng xa xỉ second-hand lên ngôi ở Trung Quốc

Người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang mua hàng hiệu cũ để tiết kiệm chi phí và đầu tư vào sản phẩm giữ giá trị trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tại một cửa hàng dưới lòng đất gần sân bay quốc tế Hồng Kiều (Thượng Hải) khách hàng tỉ mỉ lựa chọn các sản phẩm từ các thương hiệu xa xỉ hàng đầu như Louis Vuitton, Dior và Gucci.

Khác với những trung tâm thương mại hào nhoáng ở trung tâm thành phố, sản phẩm tại đây không phải hàng mới. Biển hiệu trong cửa hàng ghi rõ: “Sản phẩm sẵn sàng làm quà tặng, hầu hết còn đầy đủ bao bì gốc”, và khuyến khích: “Hãy nghĩ đến hàng hiệu cũ trước tiên”, Financial Times đưa tin

Thị trường hàng hiệu cũ bùng nổ

Cửa hàng ZZER ở Thượng Hải, khai trương năm 2022, là một minh chứng điển hình cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng hiệu cũ. Đây là cửa hàng trực thuộc nền tảng trực tuyến ZZER, vốn rất phổ biến nhờ kết nối người tiêu dùng muốn bán lại các sản phẩm cao cấp với người mua mới.

Sự bùng nổ của thị trường hàng hiệu cũ đang tương phản rõ rệt với tình hình ảm đạm của các thương hiệu xa xỉ mới tại Trung Quốc.

hang hieu cu,  thi truong do cu,  hang hieu second-hand,  hang xa xi second-hand anh 1

Cửa hàng ZZER ở Thượng Hải, nơi bán các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng. Ảnh: Attila Balogh/FT.

Trong quý III năm nay, các tập đoàn lớn như Richemont (sở hữu Cartier), Kering (công ty mẹ của Gucci) và LVMH đều ghi nhận doanh số giảm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Giám đốc Richemont nhận định tình hình này sẽ kéo dài từ trung đến dài hạn, trong khi Kering cảnh báo lợi nhuận năm nay có thể giảm một nửa.

Theo báo cáo từ Frost & Sullivan và Đại học Thanh Hoa, thị trường đồ cũ tại Trung Quốc vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) vào năm 2020, tăng gấp ba lần so với năm 2015.

Dù thiếu số liệu mới nhất, nền tảng trực tuyến ZZER và Xianyu (thuộc sở hữu của Alibaba) đều ghi nhận lượng người dùng tăng. Các nền tảng này cung cấp không gian để người tiêu dùng bán lại hàng hiệu và nhận hoa hồng. Riêng cửa hàng ZZER, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.000 sản phẩm mới. Con số này cho thấy khối lượng khổng lồ túi xách và quần áo cao cấp đang lưu thông trong thị trường nội địa.

Lựa chọn tiết kiệm và giá trị bền vững

Nhiều khách hàng đến ZZER vì tìm kiếm những món đồ hiệu với giá cả phải chăng. Một chiếc túi Louis Vuitton tại đây được bán với giá 4.762 nhân dân tệ, bằng khoảng 1/3 giá gốc.

Trong khi đó, tại một cửa hàng ở khu phố Tô Giới Pháp (Thượng Hải), một chiếc túi Chanel sản xuất năm 2014 được chào bán với giá 35.800 nhân dân tệ, giảm so với mức giá ban đầu là 41.000 nhân dân tệ.

hang hieu cu,  thi truong do cu,  hang hieu second-hand,  hang xa xi second-hand anh 2

Cửa hàng ZZER ở Thượng Hải nhận được 5.000 sản phẩm mới mỗi ngày. Ảnh: Attila Balogh/FT.

Li (28 tuổi), đến từ Tây An (Trung Quốc), cho biết đây là lần đầu cô mua sắm tại một cửa hàng đồ cũ.

“Không phải tôi không đủ khả năng mua hàng mới, nhưng tôi thấy hàng ở đây rất đáng tiền”, cô chia sẻ.

Biết đến ZZER qua mạng xã hội Xiaohongshu, cô cũng bày tỏ hy vọng sẽ có cửa hàng tương tự ở Tây An để cô có thể ghé qua thường xuyên sau giờ làm.

Lựa chọn hàng hiệu cũ không chỉ giúp tiết kiệm mà còn được xem là một khoản đầu tư. Theo Mark Tanner, Giám đốc công ty tiếp thị China Skinny, nhiều người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm cao cấp vì chúng có khả năng “giữ giá trị hoặc thậm chí tăng giá theo thời gian”.

Ảnh hưởng tới ngành hàng mới

Trong khi thị trường hàng hiệu cũ ngày càng được ưa chuộng, các chuyên gia cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị thương hiệu và nhu cầu đối với sản phẩm mới.

Jacob Cooke, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn thương mại điện tử WPIC Marketing + Technologies, nhận định thị trường đồ cũ đang lấy đi một phần nhu cầu dành cho hàng mới.

Tuy nhiên, Federica Levato, lãnh đạo bộ phận thời trang và hàng xa xỉ EMEA tại tập đoàn Bain & Company (Bain), lại có góc nhìn khác về sự phát triển của thị trường hàng hiệu cũ. Theo cô, thị trường này đang mở ra cơ hội tiếp cận với một nhóm khách hàng hoàn toàn mới, bao gồm những người trước đây chưa từng có ý định mua hàng xa xỉ.

ZZER cũng thu hút cả khách quốc tế, những người bị ấn tượng bởi quy mô và sự đa dạng của cửa hàng.

“Ở chỗ chúng tôi không có cửa hàng nào như thế này, đặc biệt là với quy mô lớn như vậy”, Conor McLernin (27 tuổi), khách du lịch đến từ Australia, chia sẻ.

  • YouTuber Hàn Quốc bị chỉ trích vì độc thân

    Seen Aromi cho biết thành tựu lớn nhất của mình là không kết hôn. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích lối sống độc thân này, cho rằng cô đang sống “ích kỷ”.

  • Giới trẻ Trung Quốc từ chối tiết kiệm

    Gen Z và thế hệ Millennials ở Trung Quốc có xu hướng từ bỏ việc tiết kiệm cho tuổi già. Vốn dĩ, gánh nặng tài chính khiến giới trẻ khó trích ra một khoản để đầu tư cho tương lai.


Cùng chuyên mục