“Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cuốn sách đánh thức tình yêu thương và sự đồng hành

Ảnh đại diện Nam Anh

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa ra mắt sách mới, mang đến góc nhìn sâu sắc về trầm cảm tuổi vị thành niên.

Buổi sáng ngày 24/5 tại Hà Nội, không gian tràn ngập sự ấm áp và đồng cảm khi cuốn sách Hãy nói rằng con cần mẹ của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa chính thức ra mắt. Sự kiện không chỉ thu hút giới chuyên môn mà còn là nơi gặp gỡ của những phụ huynh, bạn đọc đang tìm kiếm câu trả lời cho hành trình đồng hành cùng con trẻ.

Hãy nói rằng con cần mẹ: Khi trầm cảm cần được lắng nghe và đồng hành - 1
Tác giả Nguyễn Phương Hoa chia sẻ tại ra mắt sách (Ảnh: Lê Phương Anh).

Là ấn phẩm thứ ba của tác giả về chủ đề trầm cảm, Hãy nói rằng con cần mẹ tập trung vào nhóm tuổi vị thành niên – lứa tuổi đầy biến động cảm xúc và dễ bị tổn thương. Cuốn sách được chia thành ba phần, từ nhận diện những băn khoăn ban đầu, đối mặt với thách thức cụ thể, đến những phương pháp đồng hành lâu dài. Mỗi chương sách là sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết khoa học và những ví dụ thực tế, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận và thấu hiểu.

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ: “Tôi đã dành hàng trăm giờ nghiên cứu, đọc hơn 500 đầu sách và tài liệu để xây dựng nội dung. Tôi mong muốn độc giả không chỉ đọc mà còn cảm nhận được sự sống động của tri thức và tình yêu thương trong từng trang sách.”

Một điểm nhấn quan trọng trong cuốn sách là phần hướng dẫn nhận diện sớm các dấu hiệu trầm cảm, vốn thường bị nhầm lẫn với “nổi loạn tuổi dậy thì”. Những biểu hiện như mất ngủ, chán ăn, thu mình, ngại giao tiếp… được tác giả gọi là “những lời kêu cứu thầm lặng”. Bà khuyến khích phụ huynh chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia khi thấy con có những biểu hiện này kéo dài.

Hãy nói rằng con cần mẹ: Khi trầm cảm cần được lắng nghe và đồng hành - 2
Nhà báo, TS. Trần Duy Phương – nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công Đoàn – chia sẻ câu chuyện cá nhân tại sự kiện (Ảnh: Lê Phương Anh).

Tại buổi ra mắt, nhà báo, TS. Trần Duy Phương đã chia sẻ câu chuyện cá nhân đầy xúc động về hành trình cùng con vượt qua trầm cảm. Ông bày tỏ: “Ban đầu, tôi nghĩ con chỉ đang chịu áp lực học hành. Nhưng khi thấy con mất ngủ cả tuần, không còn thiết tha với bất cứ điều gì, tôi mới nhận ra mình đã sai lầm.” Câu chuyện của ông là minh chứng rõ nét cho sự cần thiết của việc đồng hành và lắng nghe con trẻ.

Hãy nói rằng con cần mẹ: Khi trầm cảm cần được lắng nghe và đồng hành - 3
PGS.TS Nguyễn Sinh Phúc (áo xanh) – nguyên giảng viên khoa Tâm thần, Học viện Quân y 103 – chia sẻ về những sai lầm thường gặp trong chăm sóc bệnh nhân trầm cảm tại Việt Nam (Ảnh: Lê Phương Anh).

PGS.TS Nguyễn Sinh Phúc, nguyên giảng viên khoa Tâm thần, Học viện Quân y 103, cũng nhấn mạnh: “Một trong những rào cản lớn nhất trong điều trị trầm cảm tại Việt Nam là sự phủ định bệnh từ phía gia đình. Chính sự kỳ thị và thiếu hiểu biết khiến nhiều người bệnh không được hỗ trợ kịp thời.” Ông kêu gọi cộng đồng hãy nhìn nhận trầm cảm như một căn bệnh thực sự và cần sự đồng hành từ nhiều phía.

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa không chỉ là một chuyên gia tâm lý học dày dặn kinh nghiệm mà còn là tác giả của nhiều cuốn sách ý nghĩa về sức khỏe tinh thần. Với Hãy nói rằng con cần mẹ, bà tiếp tục mang đến thông điệp mạnh mẽ: Hãy lắng nghe, đồng hành và yêu thương con trẻ bằng cả trái tim.


Tin mới