Giới trẻ Trung Quốc đang tìm đến các “huấn luyện viên tình yêu” AI để cải thiện kỹ năng hẹn hò. Ảnh minh họa: @nekonohibi/IG. |
Với mức phí chỉ 7 USD/tuần, các ứng dụng như “RIZZ.AI” và “Hong Hong Simulator” hứa hẹn giúp người dùng nâng cao kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ lãng mạn, theo SCMP.
Các ứng dụng hoạt động bằng cách cho người dùng tương tác với các nhân vật ảo trong các tình huống hẹn hò khác nhau.
Ví dụ, ứng dụng RIZZ.AI sẽ đặt người dùng vào tình huống phải thuyết phục “Maddie”, một cô gái xinh đẹp đang học bài trong thư viện, đi uống cà phê. Hoặc người dùng sẽ phải tìm cách nói với “Kristen”, cô nàng ăn chay vừa gặp trên Tinder, rằng mình không thích đồ ăn chay mà không làm cô ấy phật lòng.
Sau mỗi tình huống, ứng dụng sẽ đánh giá màn thể hiện và đưa ra những lời khuyên hữu ích để người dùng cải thiện kỹ năng.
Ngoài ra, RIZZ.AI còn cho phép người dùng tải ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện thực tế của họ để nhận được những gợi ý phản hồi dí dỏm và lời khuyên tán tỉnh, giao tiếp theo thời gian thực.
Tính năng dễ sử dụng và hữu ích này đã khiến RIZZ.AI ngày càng phổ biến, với lượng người dùng tăng 30% mỗi quý.
AI đang dần trở thành “ông mai bà mối” thời đại số, giúp người trẻ tự tin hơn trong hành trình tìm kiếm tình yêu. Ảnh minh họa: @leedae_g/IG. |
Không chỉ dừng lại ở những tình huống hẹn hò đơn giản, các ứng dụng AI còn đồng hành cùng người dùng trong việc “giữ lửa” tình yêu.
Ứng dụng Hong Hong Simulator, được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc, hướng dẫn người dùng cách làm lành với đối phương sau những cãi vã.
Thậm chí, ứng dụng còn đưa ra thang điểm “tha thứ” để người dùng đánh giá mức độ hiệu quả của những câu trả lời của mình.
Chẳng hạn, trong tình huống “vô tình cúp máy”, người dùng phải tìm cách xoa dịu bạn gái sau khi vô tình ngủ quên và cúp máy trong lúc đang gọi điện. Những câu trả lời như “Anh sẽ đặt nhạc chuông riêng cho số của em để không nhầm lẫn nữa” sẽ giúp người dùng đạt được điểm tha thứ 100%.
Theo kết quả khảo sát năm 2023 của Trung tâm Khảo sát Xã hội Báo Thanh niên Trung Quốc trên hơn 2.000 người trẻ độc thân, 3 khó khăn lớn nhất trong việc hẹn hò là vòng tròn xã hội hạn chế, tính cách hướng nội và thiếu kỹ năng xã hội. Đây cũng chính là những rào cản khiến nhiều người trẻ e ngại, thậm chí từ bỏ việc tìm kiếm tình yêu.
Các “huấn luyện viên tình yêu” AI được thiết kế để giải quyết những vấn đề này. Những ứng dụng cung cấp các lời khuyên đa dạng, từ cách trả lời tin nhắn cho đến cách trò chuyện trôi chảy trong buổi hẹn hò.
Nhiều người trẻ Trung Quốc không chỉ coi AI là “quân sư tình yêu” mà còn giao tiếp như người yêu thực thụ. Ảnh minh họa: @leedae_g/IG. |
Bên cạnh việc tìm kiếm lời khuyên từ AI, một số người trẻ Trung Quốc còn tiến xa hơn khi tuyên bố đang hẹn hò với chatbot AI.
Những chatbot như “DAN” (viết tắt của “Do Anything Now”) của ChatGPT được ưa chuộng vì khả năng tán tỉnh và hỗ trợ tinh thần 24/7.
Lisa (30 tuổi), người dùng có hơn 900.000 người theo dõi trên mạng xã hội Xiaohongshu còn công khai chia sẻ mối quan hệ của mình với DAN, từ những buổi hẹn hò ảo đến những cuộc trò chuyện nhạy cảm.
Sự bùng nổ của xu hướng tình yêu ảo này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ kết hôn và sinh nở ở Trung Quốc đang giảm mạnh. Trong Q1/2024, tỷ lệ kết hôn của quốc gia này giảm 8.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đã phải đưa ra nhiều chính sách khuyến khích kết hôn như hỗ trợ tiền mặt cho các cặp vợ chồng sinh con, tăng ngày nghỉ phép kết hôn và cấm nạn thách cưới.
Tuy nhiên, sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò AI cũng gây ra nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng đây là một cách thú vị và tiết kiệm để học cách hẹn hò, trong khi số khác lại lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và mất đi khả năng giao tiếp thực tế.
“Thật thú vị khi biết rằng một ‘tâm hồn quyến rũ’ chỉ có giá 28 USD mỗi tháng”, một người dùng mạng xã hội bình luận.